Cần hoàn thiện khung pháp lý vay tiêu dùng và thu hồi nợ

Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, gần đây cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp (DN) gồm công ty tài chính, DN, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Rất nhiều app cho vay tiền trên các kho ứng dụng smartphone. Ảnh: ĐỨC THIỆN.

Rất nhiều app cho vay tiền trên các kho ứng dụng smartphone. Ảnh: ĐỨC THIỆN.

Đáng chú ý, lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình chây ỳ trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Ông Nguyễn Hồng Quân - thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho hay, những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nguyên nhân chính do hoạt động thu hồi nợ khó khăn, người vay cố tình không trả nợ; chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ, trong khi ngân hàng thương mại, công ty tài chính không có công cụ để thu hồi nợ.

Theo ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng), đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Mcredit, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 nghìn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống.

Giới chuyên gia tài chính từng nhiều lần lưu ý, ở Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người đi vay. Đó là quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay.

Từ đó cần luật hóa quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên vay và cho vay để công bằng hơn. Cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu vay tiêu dùng tín dụng, từ đó có thể công khai cá nhân có hành vi tín dụng xấu trong quá khứ, giúp các công ty tài chính có thêm thông tin trước khi quyết định cung cấp hồ sơ cho vay.

Theo ông Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, đã nợ là phải trả. Hành vi bùng nợ có thể xử phạt từ mức hành chính đến hình sự. Việc lập hội nhóm những người cố tình đưa thông tin sai lệch có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, có thể xem xét yếu tố hình sự với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó các tổ chức tín dụng cho biết hiện nay, Luật Đầu tư 2020 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà đã biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia. Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động này nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-hoan-thien-khung-phap-ly-vay-tieu-dung-va-thu-hoi-no-10278020.html