Cần rút ngắn danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Còn nhiều thách thức trong pháp luật kinh doanh cần nhanh chóng được khắc phục để tạo lập thể chế minh bạch, thuận lợi và thúc đẩy sự tuân thủ của doanh nghiệp

Phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh đang là những nội dung được Chính phủ đặc biệt quan tâm lúc này, trong nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có báo cáo ghi nhận, năm 2023, qua việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước, cơ quan này nhận thấy còn 9 vấn đề tồn tại. Cụ thể như: số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế lớn hơn số lượng (229 ngành) theo danh mục thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư.

Nhiều ngành nghề “cắt giảm” chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn về hình thức số lượng ngành nghề; số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc một số lĩnh vực quản lý nhà nước cũng tăng lên qua mỗi đợt sửa đổi danh mục; có sự khác biệt, không thống nhất về tên ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành; ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư nhưng không tìm thấy ngành nghề tương ứng tại pháp luật chuyên ngành.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, nhưng Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh tương ứng; ngành nghề kinh doanh đã được đưa ra khỏi danh mục Phụ lục IV của Luật Đầu tư, nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành; không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề thiếu thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và một số văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng ngành nghề không được quy định tại danh mục Phụ lục IV của Luật Đầu tư.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định, có thể thấy, việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên thực tiễn là chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể xu hướng chững lại của tiến trình cải cách môi trường kinh doanh nói chung và cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói riêng, vốn đang tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro và gánh nặng chi phí phải tuân thủ đối với doanh nghiệp.
Báo cáo của CIEM trong năm 2023 cũng ghi chú một số vấn đề bất cập như: còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ là khá phổ biến. Đây là những thách thức trong pháp luật kinh doanh cần nhanh chóng được khắc phục để tạo lập thể chế minh bạch, thuận lợi và thúc đẩy sự tuân thủ của doanh nghiệp
Từ thực tiễn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm Dinh Dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp phát triển bền vững thuộc hiệp hội đều rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường nói chung; tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ nói riêng và rất tích cực tham gia đóng góp xây dựng các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ở Việt Nam, các hiệp hội ước tính chỉ với 3 loại bao bì là kim loại, nhựa và giấy, đóng góp tái chế khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, tổng phí EPR sẽ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/năm. Đây sẽ thực sự là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, quy định sử dụng quỹ đóng góp này như thế nào vẫn chưa có nên việc đánh giá hiệu quả hay tác động thực sự tới môi trường là chưa rõ ràng.
Bản thân quy định về EPR có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng khi thực thi còn nhiều vướng mắc, ông Hồng Uy cho hay, như việc tính mức phí nộp, thời gian nộp tiền chưa hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng chưa phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể như trong ngành sản xuất ô tô, nếu doanh nghiệp sản xuất 1 vạn chiếc ô tô/năm, có năng lực tái chế 90% số ô tô này thì vẫn phải đóng tiền cho 100% số ô tô đó, thay vì chỉ đóng 10% chưa tái chế được. Điều này, có khả năng dẫn tới việc khó khuyến khích nhu cầu tái chế... Hay như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về việc giải quyết 3 vướng mắc về EPR là doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo và nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.
Song cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp đang rất mong mỏi, sớm có sự hướng dẫn và cụ thể hóa bằng văn bản để các cơ quan, địa phương cùng doanh nghiệp thống nhất thực thi, ông Uy nhấn mạnh.
Ông Bạch Quốc Thắng, đại diện Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y cũng có ý kiến về thủ tục hợp quy thuốc thú y chưa hợp lý. “Quy định thuốc thú y phải hợp quy là không cần thiết, do sản phẩm này đã được quản lý bằng đăng ký lưu hành và quy trình sản xuất GMP; trong đó, thủ tục hành chính trùng lặp, trái với chủ trương “cắt giảm thủ tục hành chính” của Chính phủ, khi việc này không góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Thủ tục này không chỉ khiến các cơ quan “đau đầu” tìm giải pháp pháp lý mà hàng loạt các bài báo đưa tin còn cho thấy thông tư đã dấy lên lo ngại từ người dân, đặc biệt là đối với những người chăn nuôi, bởi độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của đàn vật nuôi và nguồn cung thực phẩm".
Để xử lý tình huống, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đang đề xuất các biện pháp ngắn hạn như tạm dừng việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các sản phẩm thuốc thú y đã có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo Luật Thú y; đồng thời, triển khai biện pháp dài hạn như sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để Thủ tục công bố hợp quy không áp dụng đối với Thuốc thú y đã được đăng ký lưu hành theo quy định của Luật Thú y.
Qua thực tiễn doanh nghiệp và góc nhìn phản biện của các chuyên gia, có thể thấy rằng, việc cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp là trọng tâm mà Chính phủ cùng các cấp ngành đang hướng tới. Tuy nhiên, nỗ lực này cần phải đi vào thực chất hơn, có nhiều hành động quyết liệt hơn để sớm khắc phục ngay tình trạng hiện nay đang có nguy cơ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh; tạo dư địa tham nhũng,… Hơn khi nào, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-rut-ngan-danh-muc-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien/332291.html