Cây chè hồi sinh vùng 'đất chết'

Hùng Sơn là xã miền núi nằm ở tả ngạn sông Lam, cách huyện lỵ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An hơn 12 km về phía Tây Bắc.

Những năm 1980-1990, do giao thông cách trở, đất đai bị xói mòn, bạc màu nên đời sống người dân Hùng Sơn hết sức khó khăn. Không ít người đã bỏ xứ đi tìm vùng đất khác lập nghiệp, mưu sinh.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo địa phương bao phen trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân nhưng vẫn không có kết quả khả quan. "Hơn 20 năm trước, Hùng Sơn là một xã nghèo, người dân quanh năm lam lũ vẫn không lo đủ cái ăn. Lãnh đạo xã đã đi nhiều nơi tìm đưa về các giống cây, vật nuôi nhưng đều không thành công" - ông Võ Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, nhớ lại.

Đầu năm 2000, thực hiện chủ trương của huyện Anh Sơn phát triển cây chè trên vùng đất địa phương, xã Hùng Sơn tổ chức hội nghị, mời những cán bộ, đảng viên, người dân có tư tưởng tiến bộ cùng bàn bạc và đi đến quyết định trồng chè để phát triển kinh tế. Xã đã đưa 120 cán bộ, đảng viên và người dân xuống Tổng đội Thanh niên xung phong 1 ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng chè. Bởi lẽ, Long Sơn trồng chè ở vùng đồi cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi Hùng Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.

Nhờ những đồi chè xanh mà đời sống người dân xã Hùng Sơn ngày càng khấm khá

Nhờ những đồi chè xanh mà đời sống người dân xã Hùng Sơn ngày càng khấm khá

Ngay sau khi 120 người từ Hùng Sơn đi học tập kinh nghiệm về, những vườn chè đầu tiên ở đây được mọc lên trên các quả đồi khô cằn. Do hợp thổ nhưỡng, được chăm sóc tốt, chè ở đây phát triển nhanh, cho thu nhập cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác.

"Trước đây, chúng tôi trồng nhiều loài cây khác nhau, quanh năm vất vả nhưng không đủ ăn. Bây giờ, gia đình tôi trồng 3 ha chè, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, có thể thu hoạch quanh năm" - ông Nguyễn Văn Thuận, người dân xã Hùng Sơn, phấn khởi.

Thấy cây chè đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều người ở xã Hồng Sơn đã tham gia trồng. Nhờ thế, diện tích cây chè ở đây cứ tăng dần, từ 50 ha lên 200 ha, rồi 600 ha... Ông Nguyễn Xuân Tý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn, cho biết các cấp chính quyền đã hỗ trợ người dân cải tạo đất, đào rãnh, cây giống. Chè trở thành loại cây trồng chủ lực đã làm thay đổi đời sống của nhiều người dân Hùng Sơn.

Sau hơn 20 năm phát triển, xã Hùng Sơn trở thành vựa chè lớn của tỉnh Nghệ An. Những đồi trọc, vùng "đất nghèo", "đất chết" ngày nào giờ được phủ xanh bởi những đồi chè xanh ngát tít tắp. Nhờ trồng chè, người dân nơi đây thoát cảnh lam lũ quanh năm mà vẫn không đủ ăn, vươn lên làm giàu trên đất quê hương.

Ông Võ Văn Đồng, người dân xã Hùng Sơn, hồ hởi: "Mỗi năm, cây chè cho thu hoạch 6 lần. Với hơn 4 ha chè đang có, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 8 tấn chè. Nếu giá chè ổn định như hiện tại, gia đình tôi có thể thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm".

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, Hùng Sơn còn thành lập các tổ hợp, HTX chế biến với công suất 100 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, người dân Hùng Sơn sản xuất hơn 10.000 tấn trà (sản phẩm từ chè) các loại, đạt doanh thu 40-50 tỉ đồng. Trong đó, chè (sạch) xanh Hùng Sơn của HTX Chè xanh Minh Sáng đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm) 3 sao. Các sản phẩm từ cây chè ở Hùng Sơn đã có mặt trên thị trường cả nước.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/cay-che-hoi-sinh-vung-dat-chet-20231112214043028.htm