Ché quý của người Jrai

Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.

1. Bà Ksor H'Đút (buôn Chờ Tung, xã Ia Hdreh) cẩn thận vần chiếc ché từ vách nhà về phía 2 nia cơm đã trộn men chuẩn bị ủ rượu. Vóc dáng của bà trông nhỏ bé hơn cả chiếc ché quý. Đối với người Jrai, một chiếc ché có thể rất quý, nhưng trước hết, nó phải có công năng sử dụng tốt. Chỉ vào những chiếc ché lớn, nhỏ đủ kích cỡ xếp sát vách nhà, bà H'Đút cho biết, bà chọn chiếc ché quý để ủ rượu vì gia đình sắp có việc lớn phải cúng Yàng. “Rượu ủ trong những chiếc ché quý thường có hương vị thơm ngon, nhưng cũng đòi hỏi tay nghề cao hơn. Nếu không có kinh nghiệm, rượu ủ dễ bị chua so với những loại ché thông thường”-bà H'Đút nói.

Bà Ksor H'Đút (buôn Chờ Tung, xã Ia Hdreh) ủ rượu cần trong chiếc ché quý của gia đình. Ảnh: M.C

Không chỉ có hàng ché xếp sát vách, ở giữa ngôi nhà bà H'Đút còn có hàng chục chiếc ché quý khác. Nữ chủ nhà cho biết, ché được truyền từ đời này sang đời khác, đến thế hệ của bà không biết đã là đời thứ mấy. Tuy nhiên, bà nghe cha kể lại rằng, xưa kia, chỉ những chủ làng hoặc những người giàu có mới có khả năng đổi nhiều trâu bò để lấy những chiếc ché quý như vậy. Ngoài công năng sử dụng, bà xem những chiếc ché là sợi dây kết nối với truyền thống văn hóa của gia đình, nhắc nhớ cho thế hệ con cháu hiểu về quá khứ giàu có của cha ông mình.

Theo bà H'Đút, mỗi chiếc ché đều có linh hồn. Bà lý giải: “Năm nào, mình cũng chọn vài chiếc ché để ủ rượu. Mỗi chiếc ché lại có hương vị rượu cần khác nhau. Có những chiếc rất đẹp, rất quý nhưng ủ rượu lần nào cũng bị chua nên mình lấy khăn bịt miệng ché cất trong phòng. Có lẽ lúc ông bà đưa về đã không rước được hồn ché về cùng”.

2. Không đơn thuần chỉ là vật dùng để ủ rượu, những chiếc ché còn là minh chứng thể hiện một phần đời sống văn hóa, tinh thần của người Jrai. Già làng Ksor Bliếp (buôn Ji, xã Krông Năng) cho rằng, ché quý còn là vật thiêng, biểu hiện cho quyền lực của già làng trong xã hội ngày trước. Gia đình già Bliếp lưu giữ hơn 20 chiếc ché quý, chủ yếu là loại có kích cỡ khá lớn. Đây đều là tài sản của già làng Ksor Bang-cha vợ ông Bliếp để lại. Ông Bliếp kể: “Cha vợ mình là già làng uy tín và giàu có ở vùng đất này. Xưa kia, các gia đình chỉ nuôi vài con bò, nhà nghèo phải đi chăn bò thuê, trong khi cha vợ mình nuôi đàn bò hàng trăm con. Ông sẵn sàng đổi vài chục con bò để lấy 1 chiếc ché. Vì ông có nhiều ché quý nên bà con trong vùng rất nể trọng. Mình nhớ lễ cúng bến nước, bỏ mả hay lễ cưới, mừng thọ, trưởng thành… cha vợ mình làm chủ lễ, cắm cần rượu vào những chiếc ché quý, không khí lập tức trở nên linh thiêng. Đó là lúc con người cảm thấy mình được sống trong một thế giới khác”.

Chiếc ché gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Jrai ở Krông Pa. Ảnh: Minh Châu

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà dài của gia đình, già làng Bliếp giới thiệu ở gian cuối có 1 dãy 5 chiếc ché quý, chiếc nào cũng được bịt khăn lên miệng và đan một khung đỡ bằng mây tre bền chắc. Già Bliếp giới thiệu giá trị từng chiếc theo thứ tự tăng dần, từ chiếc đổi bằng 5 con bò cho đến chiếc đổi bằng cả 1 đàn bò. Những chiếc ché quý nhất được cất riêng trong một căn phòng đặc biệt giữa nhà. Theo ông, đó là những chiếc ché linh thiêng, hiếm khi sử dụng.

Một nhà nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên cho rằng, căn phòng chung trong ngôi nhà dài giống như “nhà rông” của làng, mang tất cả sự thiêng liêng, lưu giữ những đồ vật quý giá. Đó cũng chính là nơi gia đình già làng Bliếp hay bà H'Đút cất giữ những chiếc ché quý. Ông Kpă Pual-người nhiều năm nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết và văn hóa Jrai ở vùng đất này-cho biết: Trước đây, khi đưa ché quý về nhà, người Jrai thường làm lễ cúng hồn ché, nhưng nay ít dần. Ngày nay, người Jrai cũng không đổi nhiều trâu bò để lấy ché quý như trước. Dẫu vậy, những chiếc ché cổ, ché quý vẫn là một biểu tượng trong văn hóa, gắn bó bền chặt với đời sống tinh thần của bà con.

Từ chiếc ché quý có thể đưa đến một hành trình khám phá đời sống văn hóa sâu thẳm, phong phú của người Jrai ở vùng hạ du sông Ba này. Chiếc ché đã trở thành linh hồn với tất cả sự gần gũi và linh thiêng trong đời sống thường nhật, trong tín ngưỡng, tâm linh của người Jrai từ ngàn đời nay.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/che-quy-cua-nguoi-jrai-post276012.html