Chiến lược xây dựng giải pháp AI của Microsoft

'Sứ mệnh của chúng tôi là giải quyết những vấn đề của con người, từ đó giúp họ làm việc hiệu quả và đạt kết quả tốt hơn', bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng Giám đốc Microsoft nhấn mạnh về chiến lược xây dựng các giải pháp AI cho người dùng.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam

- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của AI đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay? Ở thị trường Việt Nam, các công ty đã sẵn sàng sử dụng công cụ của Microsoft chưa? Microsoft đã giúp các công ty Việt Nam đạt được thành tựu gì khi áp dụng công nghệ này?

Theo khảo sát của Microsoft với IDC dựa trên hơn 2.100 tổ chức doanh nghiệp với tổng số hơn 13 triệu nhân viên tại 16 quốc gia trên toàn cầu, có đến 71% các tổ chức đều đang sử dụng AI, và khoảng 22% tổ chức hiện không sử dụng AI nhưng dự kiến triển khai trong 12 tháng tới.

Thống kê cho thấy, với mỗi 1 USD đầu tư vào AI, các tổ chức đang thu được lợi nhuận trung bình là 3,5 USD. Thậm chí, có đến 5% tổ chức trên thế giới thu được lợi nhuận trung bình là 8 USD. Tôi tin rằng, các chỉ số trên sẽ còn cải thiện hơn nhiều khi các doanh nghiệp nghiêm túc tìm tòi và học hỏi để áp dụng AI. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình, định hướng lại mục tiêu kinh doanh cũng như yếu tố con người trước khi áp dụng AI.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đang tích cực nghiên cứu, đầu tư vào AI để nâng cao hiệu suất kinh doanh của mình. Có thể kể đến như VNA Safety AI - trợ lý ảo được Vietnam Airlines triển khai thành công cho nhân viên để tra cứu và hỏi đáp các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực an toàn hàng không; hay VinBrain đã đưa vào sử dụng trợ lý ảo DrAid trong hơn 100 bệnh viện tại Việt Nam, hỗ trợ gần 2.000 bác sĩ trên cả nước trong việc sàng lọc tổng thể, chẩn đoán và điều trị ung thư, sàng lọc các căn bệnh thế kỷ và quản lý bệnh viện.

 Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam và ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ, Microsoft Việt Nam

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam và ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ, Microsoft Việt Nam

- Cách tiếp cận của Microsoft là mang lại trải nghiệm thân thiện, dễ dàng cho người dùng. Về mặt chiến lược phát triển AI của Microsoft có khác biệt gì so với các đối thủ khác hay không, thưa bà?

Microsoft luôn đặt con người ở trung tâm các giải pháp và công nghệ. Thông điệp xuyên suốt của công ty là giải quyết vấn để của con người, giúp họ làm việc hiệu quả và đạt kết quả tốt hơn.

Do đó, AI đang được nhúng và tích hợp trên tất cả các sản phẩm của Microsoft, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như Copilot trong Microsoft Office, AI trong Bing Search, GitHub cho lập trình; AI trong LinkedIn giúp người dùng tìm kiếm công việc, thông tin kinh doanh… Mục tiêu của chúng tôi là dùng công nghệ để giúp con người làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Hướng tới “phổ cập AI cho cộng đồng”

- Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất theo hướng truyền thống và thủ công. Theo bà, những ngành nghề này có phù hợp để áp dụng công nghệ AI vào công việc không?

Tại Việt Nam, thủ công có thể coi là một ngành đặc trưng và là sự tự hào của nền kinh tế quốc gia. Các doanh nghiệp thủ công hoàn toàn có thể khai thác những lợi ích mà AI mang lại.

Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất gốm sứ truyền thống Minh Long cũng đang tìm hiểu cách ứng dụng AI trong sản xuất và kinh doanh. Đơn vị này đã nghiên cứu để cho ra công thức gốm hiệu quả, làm nên thành công và uy tín của thương hiệu. Tuy nhiên, AI có thể giúp họ tối ưu hóa hơn các quy trình sản xuất, phát triển các sáng kiến, tổng hợp và phân tích các mẫu thiết kế, đào tạo và cung cấp thông tin cho những nhân viên, thợ thủ công mới….

- Được biết, giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Microsoft rất quan tâm. Vậy bà có thể cho biết AI được áp dụng trong lĩnh vực giáo dục như thế nào? Các trường học có thể tự xây dựng AI, Copilot riêng để phục vụ cho công tác giảng dạy học tập không?

Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Microsoft đầu tư nhiều về đào tạo cũng như con người. Chúng tôi có một cộng đồng giáo viên sáng tạo với hơn 140.000 thành viên. Tại đây, các thành viên thường xuyên cập nhật, chia sẻ với nhau các kinh nghiệm về việc ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong việc giảng dạy và học tập.

Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong cộng đồng đó là AI, xây dựng và áp dụng AI như thế nào trong việc dạy và học. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai nhiều khóa đào tạo sử dụng công nghệ trong giảng dạy, và các hoạt động liên quan đến giáo dục để các thành viên tham gia.

- Lộ trình Microsoft mở rộng Copilot rộng rãi cho người dùng Việt Nam như thế nào, thưa bà? Trong tương lai, người dùng có thể tự xây dựng Copilot riêng cho mình hay được dùng miễn phí Copilot vĩnh viễn không?

- Lộ trình Microsoft mở rộng Copilot rộng rãi cho người dùng Việt Nam như thế nào, thưa bà? Trong tương lai, người dùng có thể tự xây dựng Copilot riêng cho mình hay được dùng miễn phí Copilot vĩnh viễn không?

Hiện nay tất cả người dùng cá nhân hay doanh nghiệp kể cả nhân viên Microsoft dùng Bing Search hoặc Chat đều có giới hạn. Tùy thuộc vào mức độ yêu cầu cụ thể của người dùng và doanh nghiệp, Microsoft sẽ nhúng nhiều hơn các lĩnh vực AI trong đó, và đó mới là cơ sở để tính đến phần thu phí. Việc người dùng có thể sử dụng Copilot dễ dàng qua Bing Search hoặc Chat không mất chi phí là cách Microsoft đang phổ cập AI cho cộng đồng.

Hiện tại, Microsoft cũng đã mở rộng Copilot hơn cho các đối tượng là cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ . Chỉ cần có tài khoản Microsoft 365 Business Premium hoặc Standard, người dùng có thể bắt đầu sử dụng Copilot với giá 30 USD/người/tháng.

Microsoft cũng đã hủy bỏ yêu cầu mua tối thiểu 300 tài khoản đối với các gói thương mại nhằm mục tiêu lan tỏa Copilot một cách rộng rãi, giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn với mức chi phí hợp lý hơn.

Thanh Hằng (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chien-luoc-xay-dung-giai-phap-ai-cua-microsoft-2243166.html