Chiến tranh Sudan - một năm nhìn lại

Tháng 4/2023, cuộc giao tranh giữa hai vị tướng dẫn đầu các phe phái quân sự ở Sudan đã nổ ra. Cuộc chiến kéo dài suốt 1 năm qua đã dẫn đến các vụ thảm sát, nạn đói và một làn sóng di cư ồ ạt ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi này.

Tháng 4/2023, cuộc giao tranh giữa hai vị tướng dẫn đầu các phe phái quân sự ở Sudan đã nổ ra. Cuộc chiến kéo dài suốt 1 năm qua đã dẫn đến các vụ thảm sát, nạn đói và một làn sóng di cư ồ ạt ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi này.

Lực lượng của hai vị tướng đối địch đã gây ra một sự thiệt hại nghiêm trọng cho Sudan trong 1 năm qua, tạo nên làn sóng bạo lực khiến 8,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa - hiện là một trong những làn sóng người di dời lớn nhất trên thế giới.

Cuộc chiến đã tái lập trật tự quốc gia lớn thứ ba châu Phi này với tốc độ chóng mặt. Nó đã tàn phá thủ đô Khartoum, nơi từng là trung tâm thương mại và văn hóa lớn trên sông Nile. Theo người dân và nhân viên cứu trợ, các khu dân cư hoang vắng hiện tràn ngập những tòa nhà đầy vết đạn và những thi thể được chôn trong những ngôi mộ nông.

Người dân Sudan chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Murnei thuộc vùng Darfur của Sudan, băng qua biên giới giữa Sudan và Chad ở Adre, Chad, vào tháng 8/2023. (Ảnh: Reuters)

Theo Liên hợp quốc, hơn 1/3 trong số 48 triệu người dân Sudan đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ thảm khốc do mùa màng và việc cung cấp viện trợ bị gián đoạn. Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo, gần 230.000 trẻ em và bà mẹ mới sinh bị suy dinh dưỡng nặng sẽ phải đối mặt với cái chết trong những tháng tới nếu không được cung cấp lương thực và chăm sóc sức khỏe.

Nhân viên cứu trợ cho biết, hàng chục bệnh viện và phòng khám đã bị đóng cửa. Việc đóng cửa các trường học và đại học ở một quốc gia từng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài đã gây ra điều mà Liên hợp quốc gọi là “cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất thế giới”.

Sự tàn bạo tiếp tục gia tăng ở Darfur, khu vực phía Tây vốn đã bị tàn phá bởi bạo lực diệt chủng kéo dài hai thập kỷ. Thường dân đã bị tàn sát, các trại cứu trợ và nhà cửa bị đốt cháy và những người tị nạn từng phải chạy trốn bạo lực trước đây đang vượt biên sang Chad và thề sẽ không bao giờ quay trở lại quê hương nữa.

Một trại tị nạn gần biên giới Chad-Sudan, ở Adre, Chad, vào tháng 11/2023. (Ảnh: Reuters)

Theo Dự án Dữ liệu về sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, số người chết vì cuộc giao tranh kéo dài 1 năm qua ở Sudan đã vượt quá 15.600 người và nhiều người khác bị thương - mặc dù các quan chức Liên hợp quốc và nhân viên y tế Sudan tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Theo cơ quan tị nạn Liên hợp quốc, trong số hàng triệu người phải di dời do xung đột, hơn 6,6 triệu người vẫn ở lại Sudan. Gần 1,8 triệu người khác đã trốn sang các quốc gia láng giềng, bao gồm Nam Sudan, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Cộng hòa Trung Phi.

Các cuộc đụng độ liên tục giữa hai phe cạnh tranh của hai vị tướng - quân đội và một nhóm bán quân sự- cũng đã làm tiêu tan hy vọng Sudan sẽ sớm thiết lập một chế độ dân sự.

Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vẫn chiếm ưu thế ở Khartoum, nơi giao tranh bắt đầu vào tháng 4/2023. Vào tháng 12, lực lượng này đã chiếm được Wad Madani, thủ phủ của bang vựa lúa mì El Gezira, nơi hàng chục nghìn người chạy trốn khi chiến tranh bắt đầu.

Ở khu vực phía tây Darfur, RSF đã bị cáo buộc thực hiện một làn sóng bạo lực. Vào cuối tháng 4, nhóm bán quân sự đã bao vây El Fasher, thành phố cuối cùng ở Darfur vẫn do quân đội nắm giữ.

Quân đội Sudan nắm giữ phần lớn miền Đông đất nước, bao gồm cả thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ. Vào tháng 3, quân đội đã đánh đuổi RSF khỏi các khu vực rộng lớn ở Omdurman, một thành phố chiến lược bên kia sông Nile - bên này là thủđô Khartoum.

Hậu quả của một cuộc oanh tạc trên không, trong cuộc đụng độ giữa Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự và quân đội Sudan ở Bắc Khartoum, Sudan, vào tháng 5/2023. (Ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích khu vực và chuyên gia an ninh cho biết, quân đội đang cố gắng tận dụng động lực mới này để huy động và chiếm lại các khu vực khác từ tay RSF.

Nhiều nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn đã không thành công. Lời kêu gọi của Liên hợp quốc về việc chấm dứt chiến sự trong một số thời gian nhất định đã bị phớt lờ. Các cơ quan nhân đạo đang gặp khó khăn trong việc cung cấp viện trợ với lý do xung đột, đe dọa, đường sá bị chặn và các yêu cầu về thuế.

Tom Perriello, Đặc phái viên Mỹ tại Sudan, cho biết vào tháng trước rằng, ông hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán trong những ngày sau hội nghị các nhà tài trợ cấp cao ở Paris vào ngày 15/4. Các quốc gia tài trợ đã cam kết hơn 2 tỷ euro viện trợ cho Sudan.

Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, là nhà lãnh đạo trên thực tế của Sudan kể từ năm 2019.

Ông lên nắm quyền sau cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Omar Hassan al-Bashir, nhà lãnh đạo độc tài của Sudan trong ba thập kỷ, người đã bị lật đổ vào tháng 4/2019 sau các cuộc biểu tình.

Trước đó, Tướng al-Burhan từng là Tư lệnh quân đội khu vực ở Darfur, nơi 300.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời trong các cuộc giao tranh từ năm 2003 đến năm 2008 khiến cả thế giới lên án.

Sau khi dân thường và quân đội ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào năm 2019, Tướng al-Burhan trở thành Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp, một cơ quan được thành lập để giám sát quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ của Sudan. Nhưng khi ngày chuyển giao quyền kiểm soát cho dân thường vào cuối năm 2021 đến gần, ông tỏ ra "miễn cưỡng" khi phải trao lại quyền lực.

Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan (trong ảnh trái), và Trung tướng Mohamed Hamdan (trong ảnh phải), người đứng đầu đơn vị bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, vào năm 2019. (Ảnh: AFP)

Đối thủ chính của Tướng al-Burhan là Trung tướng Mohamed Hamdan, người lãnh đạo RFS, một nhóm bán quân sự mạnh của Sudan.

Xuất thân khiêm tốn, Tướng Hamdan được biết đến rộng rãi với cái tên Hemeti, đã trở nên nổi tiếng với tư cách là chỉ huy của lực lượng dân quân khét tiếng Janjaweed, lực lượng chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo nhất trong cuộc xung đột ở Darfur.

Vào tháng 10/2021, Tướng al-Burhan và Tướng Hamdan thống nhất giành chính quyền trong một cuộc đảo chính quân sự, đưa họ trở thành nhà lãnh đạo Sudan và người còn lại là lãnh đạo cấp phó.

Nhiều nhà ngoại giao, bao gồm cả Mỹ, đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận giữa hai vị tướng, theo đó họ sẽ trao lại quyền lực cho dân thường.

Tuy nhiên, họ không thể thống nhất về việc Lực lượng Hỗ trợ Nhanh sẽ được tiếp thu vào quân đội như thế nào. Vào tháng 4/2023, sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng, quân đội và RSF đã gây chiến với nhau .

Cả hai nhà lãnh đạo trong năm qua đã cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ chính trị từ nước ngoài. Tướng al-Burhan phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong khi Tướng Hamdan tới một số quốc gia châu Phi. Trong một bài phát biểu vào tháng 4 này, Tướng al-Burhan nói rằng lực lượng của ông sẽ chiến đấu cho đến khi chiến thắng.

Sudan chiếm một vị trí then chốt trên lục địa châu Phi. Nó có đường bờ biển đáng kể trên Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Nó có chung biên giới với 7 quốc gia - Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Eritrea, Ethiopia, Libya và Nam Sudan - nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn tại Sudan.

Bạo lực đã lan rộng khắp Darfur, nơi có nhiều nhóm vũ trang địa phương bị cuốn vào cuộc chiến. Darfur cũng là căn cứ của lính đánh thuê Nga thuộc nhóm Wagner, nhóm từng được tiếp cận với các hoạt động khai thác vàng béo bở tại Sudan trong quá khứ. Mặc dù Wagner đã chính thức bị giải tán nhưng lính đánh thuê Nga được cho là vẫn đang hoạt động ở Sudan. Các lực lượng Ukraine được cho là đã tiến hành các hoạt động cùng với quân đội Sudan chống lại lực lượng bán quân sự được lính đánh thuê Nga hậu thuẫn.

Theo một số quan chức châu Phi và phương Tây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã bí mật cung cấp vũ khí và điều trị y tế cho lực lượng bán quân sự thông qua một căn cứ không quân ở Chad. Dubai khẳng định, hoạt động của họ hoàn toàn mang tính nhân đạo.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chien-tranh-sudan-mot-nam-nhin-lai-428326.html