Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thị Bình ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, chính sách giáo dục đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 27 Văn bản hợp nhất Luật Người khuyết tật số 35/VBHN-VPQH ngày 16-12-2019. Cụ thể như sau:

1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.

2. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.

3. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 2 điều này.

Ảnh minh họa: Vietnam+

* Bạn đọc Đoàn Thanh Hà ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hỏi: Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 33 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi có hành vi không thông báo bằng văn bản kèm bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/chinh-sach-giao-duc-doi-voi-nguoi-khuyet-tat-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-776119