Giúp tộc người Đan Lai 'trồng người'-Bài 2: 'Chăm chồi, uốn cây' (Tiếp theo và hết)

Bằng tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy 'trồng người' cho tộc người Đan Lai, Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm đã giúp các em học sinh tộc người Đan Lai sớm làm quen với cuộc sống mới xa gia đình, có trách nhiệm với bản thân, tập thể; từ bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng những ước mơ tốt đẹp.

Trao tình thương, gửi niềm tin

- Bố Thắm ơi! Chúng con chuẩn bị xong rồi, giờ ra dọn vườn rau bố nhé, em Lê Văn Quán, học sinh lớp 9A1, hớn hở gọi.

- Để bố ra cùng-anh Thắm trả lời.

Vườn rau là khoảng đất nhỏ sát bờ tường ký túc xá (KTX) được anh Thắm và các học sinh tận dụng quây lại để trồng rau theo mùa: Muống, dền, mồng tơi, dọc mùng, rau ngót, khoai lang... Sau cơn gió, mưa buổi sáng, vườn rau tràn ngập lá sấu rụng nên cần được dọn dẹp và cũng để trồng thêm các lượt rau mới.

Anh Thắm cho biết: "Tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu bằng hái, lượm, khai thác lương thực, thực phẩm trong rừng. Với mong muốn góp thêm một phần cho bữa ăn của các con và góp phần thay đổi tư duy, dạy các con biết tăng gia sản xuất, tôi tự bỏ kinh phí đầu tư phân bón, cây giống để mở vườn rau xanh này".

Đã 3 năm được bố Thắm rèn giũa nên động tác làm cỏ, cuốc đất của Quán rất thuần thục. Vừa làm, Quán vừa giúp bố Thắm quán xuyến, chỉ bảo công việc cho các học sinh khác. Nhìn những người con ngoan ngoãn, biết việc, anh Thắm luôn nở nụ cười rạng ngời hạnh phúc.

 Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm và các học sinh người Đan Lai chăm sóc vườn rau.

Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm và các học sinh người Đan Lai chăm sóc vườn rau.

Qua câu chuyện với các thầy, cô giáo Trường THCS Môn Sơn, tôi biết, để có được nụ cười này, anh Thắm từng không biết bao nhiêu ngày mất ăn mất ngủ với các học sinh Đan Lai. Ở cái tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", ngày mới đến KTX, các con sống khá tự do, thích làm gì thì làm, lại còn hay gây gổ khiến anh hò hét hết hơi.

Với phương pháp “lạt mềm buộc chặt” và “mưa dầm thấm lâu”, anh Thắm cố gắng kìm nén cảm xúc để đối xử với các con thật mềm mỏng, tận tình. Bằng trách nhiệm của người bố, anh luôn lo lắng cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ và cả khi vui chơi, học tập. Hằng ngày, khi kiểm tra các con ăn, ở, anh Thắm còn xem con nào có biểu hiện buồn, chán để trò chuyện, gỡ nút thắt, kịp thời động viên khi các con bị những sự việc tác động đột xuất như gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, bị ốm.

Như trong dịp đầu năm học 2023-2024 vừa qua, trong gần nửa tháng, học sinh La Văn Dịu, lớp 6A3, cứ đêm đến là khóc đòi về nhà, rồi bị ốm, đau bụng; hay Lê Thị Thiết, lớp 6A1, bị sốt, tiêu chảy mấy ngày... Lúc đó, anh Thắm lại thức cả đêm phụ giúp y sĩ theo dõi và chăm sóc sức khỏe các con.

Đặc biệt, các con mới vào lớp 6 (vừa mới xa gia đình), anh Thắm luôn dành sự quan tâm, thương yêu đặc biệt. Anh còn giao nhiệm vụ cho các anh chị lớp trên phải cùng dạy dỗ, cùng chơi và chăm lo cho em nhỏ... Nhờ thế, các em luôn trân trọng và tin yêu, coi anh là người bố và KTX là ngôi nhà thứ hai, có học sinh còn coi anh như ân nhân.

Cháu Ngân Văn Trọng, học sinh lớp 7A2, chia sẻ: "Tháng 5-2023, con bị đau bụng dữ dội. Sau khi sơ cứu, bố Thắm đưa con đến bệnh xá xã khám thì được chẩn đoán là đau ruột thừa. Bố Thắm tiếp tục đưa con lên bệnh viện tuyến trên để điều trị bệnh. Con biết ơn bố Thắm nhiều lắm!".

Cháu La Thị Nguyên, học sinh lớp 9A2, bộc bạch: "Cách đây vài tháng, sau khi ăn sáng, đột nhiên con lên cơn hen khó thở. Bạn cùng phòng đi học hết, may mà có bố Thắm đến, thấy con như vậy, bố đã đưa con đi bệnh xá. Sau khi được chữa trị, con có nghe các bác sĩ nói, nếu bố Thắm không đưa đến kịp thời, con sẽ bị tử vong vì ngạt thở".

Vượt khó thực hiện ước mơ

“Toét, toét, toét...”, tiếng còi vang lên, các học sinh Đan Lai lần lượt vào bếp ăn theo hiệu lệnh còi báo bữa tối. Từng cháu cầm khay để được bố Thắm và các cô, chú nhà bếp chia phần cơm, rau và thịt. Anh Thắm cho biết: "Theo tiêu chuẩn, các con ăn tiêu chuẩn 18.000 đồng/ngày/học sinh. Rất may, vừa rồi có các tập thể, cá nhân thiện nguyện đã tài trợ có thời hạn cho các con bữa sáng 5.000 đồng/học sinh... Nhờ vậy, khẩu phần ăn mới được tăng lên để các con có thêm dinh dưỡng".

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Vị, Hiệu trưởng nhà trường: Để giảm bớt khó khăn cho các học sinh Đan Lai, nhà trường cùng anh Thắm và chỉ huy Đồn Biên phòng Môn Sơn đã chủ động gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân để vận động chung tay hỗ trợ. Ví như: 100% học sinh ở KTX được trang bị đầy đủ về đồ dùng học tập; được tặng quần áo đồng phục, quần áo ấm.

Đặc biệt, vào năm 2022, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với địa phương, nhà trường ra mắt mô hình “Đồng hành cùng KTX vùng biên” tại KTX của Trường THCS Môn Sơn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh Đan Lai ở nội trú tại trường; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã quan tâm trang bị những vật dụng thiết yếu như: Giường, đệm, chăn, ga và các vật dụng sinh hoạt. Bên cạnh đó, 10 học sinh được nhận học bổng từ nhà tài trợ Pháp nếu các em học tập từ THCS đến đại học. Các em còn được tài trợ tham gia nhiều chuyến trải nghiệm như: Về thăm quê Bác, tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu du lịch Cửa Lò...

Nhờ sự chung tay của toàn xã hội, tinh thần trách nhiệm của anh Thắm nói riêng và các thầy, cô giáo nói chung, học sinh Đan Lai ngày càng gắn bó với nhà trường và khắc phục được tính biệt lập, càng thêm tin yêu với cuộc sống mới và đạt kết quả học tập tốt. Nhiều cháu đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường và huyện (Lê Thị Quê đoạt giải Nhì môn Giáo dục công dân; Lê Thị Nhung đoạt giải Khuyến khích môn Vật lý). Mới đây, tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2024 của huyện Con Cuông, cháu La Văn Thái đoạt giải Nhì môn đẩy gậy, Lê Văn Quán đoạt giải Nhì môn chạy việt dã...

Đặc biệt hơn, khi chúng tôi trò chuyện về dự định tương lai, các cháu đã thể hiện tốt sự hiểu biết, lòng quyết tâm hướng đến những nghề nghiệp có ích trong cuộc sống. Ví như: Lương Thị Mai, lớp 8A4, ước mơ trở thành bác sĩ; Ngân Văn Trọng, lớp 7A2, mong trở thành cán bộ biên phòng như bố Thắm; Lê Văn Quán, lớp 9A1, ước mơ trở thành công an để bắt hết tội phạm... Thầy hiệu trưởng và các thầy, cô giáo Trường THCS Môn Sơn khẳng định, cách đây vài năm, khi được hỏi sau này sẽ làm gì, hầu hết học sinh Đan Lai đều có một câu trả lời chung là sẽ trở về bản, xây dựng gia đình, sinh con.

“Nếu không có tâm huyết, trách nhiệm và tình thương của Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm, chắc chắn nhà trường không thể chăm lo, quản lý tốt cho học sinh Đan Lai, cũng như giúp các em gắn bó với trường, với lớp và có tư duy đổi mới, tiến bộ”, thầy Nguyễn Văn Vị khẳng định.

Thoáng chút trầm ngâm, thầy Hiệu trưởng bộc bạch: "Tôi rất mong các cấp, ngành, tập thể, cá nhân chung tay hỗ trợ xây dựng và trang bị một nhà đa năng tặng các học sinh Đan Lai tại KTX để các con có chỗ sinh hoạt tập thể, tập trung. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ giáo viên, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc học sinh người Đan Lai, để họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống".

Bài và ảnh: VIỆT HÀ - DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/giup-toc-nguoi-dan-lai-trong-nguoi-bai-2-cham-choi-uon-cay-tiep-theo-va-het-777513