Chủ tịch TPHCM đối thoại với các doanh nghiệp FDI
Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) mong muốn tiếp tục duy trì các mối quan hệ đối tác hiện nay và tạo điều kiện cho một môi trường thúc đẩy và thu hút thương mại, đầu tư, đổi mới và tăng trưởng bền vững.
Chiều 14/3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đánh giá cao nền kinh tế năng động cũng như những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc tạo ra cơ chế hòa nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Các đơn vị doanh nghiệp cũng đề nghị thành phố sớm có giải pháp cải thiện triệt để về môi trường đầu tư và các chính sách thuận lợi hơn; thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và kho vận; cải thiện hạ tầng giao thông; đơn giản hóa chính sách visa làm việc và kinh doanh; thiết lập thị trường tín chỉ carbon, xây dựng khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 98 và khung chính sách toàn diện cho sự phát triển xanh của thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra cũng cần sớm có biện pháp hiệu quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa và nhỏ đầu tư trong sản xuất công nghiệp nguyên liệu - thiết bị hỗ trợ...
Bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thành phố trong năm 2024, ông Ramachandran A.S - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - mong muốn tiếp tục duy trì các mối quan hệ đối tác hiện nay và tạo điều kiện cho một môi trường thúc đẩy và thu hút thương mại, đầu tư, đổi mới và tăng trưởng bền vững.
Trên tinh thần hợp tác với lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo AmCham đề xuất 4 lĩnh vực và là cơ hội chính mà hiệp hội này mong muốn hai bên triển khai, gồm: củng cố hệ sinh thái sản xuất giá trị cao; đầu tư cơ sở hạ tầng; mở rộng hoạt động chăm sóc sức khỏe và thể chất; duy trì môi trường chính sách thuận lợi.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hồng Duyên - thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) - mong muốn các chính sách đảm bảo sự rõ ràng hơn trong việc thực thi và các công cụ được yêu cầu, dễ áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu.
Dẫn chứng, bà Duyên nói việc gần đây áp dụng chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% nhưng doanh nghiệp vẫn khó thực hiện do các danh mục ứng dụng không rõ ràng, dẫn đến việc ứng dụng sai, nợ thuế và lãi phạt.
Đại diện các doanh nghiệp trong nước, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TTC - nhìn nhận với việc Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội ban hành với nhiều cơ chế đặc thù kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của TPHCM trong tương lai gần. “Trên đường đua mới, chúng tôi ý thức qua việc hợp tác, đồng hành gắn với vị thế, thương hiệu, uy tín của mình để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cùng đồng hành, hợp tác”, ông Thành nói.
Hợp tác để tạo ra cơ hội kinh doanh mới
Lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá cao sự đồng hành, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Ông cho rằng, cuộc gặp gỡ không chỉ để lắng nghe, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện tại mà qua đối thoại, thành phố và các doanh nghiệp sẽ cùng hợp tác để tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, cho thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thông tin tới các doanh nghiệp FDI, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh, năm 2024 thành phố tập trung cao độ để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%, trong đó chú trọng đến 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đối với đầu tư, thành phố sẽ tập trung để đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch. Cùng với đó, thành phố vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng cách đối thoại, vừa thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết năm 2023, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố rủi ro. Trong nước, TPHCM cũng gặp nhiều yếu tố bất lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến vấn đề tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, tài chính ngân hàng và đặc biệt là một số vụ án.
Nhờ được sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố kiên cường đối phó và vượt qua “cơn gió ngược”, tìm ra được điểm nghẽn và có giải pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giải ngân đầu tư công, tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài đến với thành phố. Theo đó, năm 2023, TPHCM tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng vốn đăng ký FDI gần 6 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022, chiếm 16% vốn FDI của cả nước.