Chuyển đổi Xanh: 'Doanh nghiệp Thép phải thay đổi và thích ứng'

Về tổng thể, công nghệ thép của Việt Nam so với thế giới đang ở mức trung bình, do vậy cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp thấy có hiệu quả để đầu tư, chuyển đổi Xanh.

Doanh nghiệp Thép đầu tư công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Doanh nghiệp Thép đầu tư công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM là các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như: thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… Do vậy, trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Liên quan tới quá trình Chuyển đổi Xanh và Phát triển bền vững, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có một số trao đổi với phóng viên Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam về các nội dung này.

Áp lực trước tiêu chuẩn cao về môi trường

- Chuyển đổi xanh, Kinh tế Tuần hoàn hay gần đây Nhất là Chứng chỉ carbon do EU đưa ra, vậy xin ông cho biết những yếu tố trên đã tác động ra sao tới các doanh nghiệp ngành Thép của Việt Nam?

Ông Phạm Công Thảo: Có thể thấy Chính phủ đã có một cam kết rất mạnh mẽ trong việc Chuyển đổi Xanh và mục tiêu cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy vậy, vẫn có các nước khác, như Trung Quốc mục tiêu là năm 2060 còn Ấn Độ là năm 2070.

Điều này, có thể thấy, dù đi sau nhưng Việt Nam cam kết hoàn thành trước và đó là cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ trong việc này.Trên thực tế, với cam kết đó chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp.

Bên cạnh một số ngành như xi măng, hóa chất, thì thép cũng là một ngành có nhiều phát thải ra môi trường, do đó, cam kết này chắc chắn sẽ tạo áp lực cho các công ty Thép.Theo lộ trình chuyển đổi từ nay đến năm 2050 (còn gần 30 năm nữa), nhưng thời gian có thể đến sớm hơn khi các nước phát triển có thể áp dụng nhanh hơn và đặt ra các yêu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Đơn cử, khối EU đi trước và đứng đầu trong lĩnh vực này, thông qua cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và môi trường để hình thành một rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của họ.

Cụ thể, từ 1/10/2023 đến hết 31/1/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải khai báo về vấn đề phát thải carbon và đến năm 2026 bắt đầu áp thuế, do vậy, các doanh nghiệp nếu không thực hiện tốt việc khai báo về sau cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu sang thị trường này và họ dựa vào đó để đánh giá tính tuân thủ của các doanh nghiệp.

Đến năm 2034, EU sẽ chính thức vận hành toàn bộ cơ chế CBAM, tức là từ nay đến 2034 mức thuế phát thải sẽ tăng dần, doanh nghiệp nào có phát thải nhiều sẽ chịu mức thuế cao hơn, cho nên việc này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành Thép, khi đứng thứ 14 về xuất khẩu ra thế giới, trong đó 25% xuất khẩu sang EU còn Mỹ cũng gần 10% và có thể phía Mỹ cũng sẽ xây dựng chính sách tương tự như vậy.

Trên thực tế, việc đưa ra chính sách này ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp ngành Thép, đặc biệt trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước đi xuống, nhiều doanh nghiệp phải tăng cường xuất khẩu, cho nên tới đây khi xuất khẩu bị ảnh hưởng sẽ càng khó khăn.

Thống kê cho thấy, đến năm 2019 là đỉnh của nhu cầu với mức tiêu thụ thép biểu kiến đạt trên 24 triệu tấn, nhưng khi đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, cùng với việc thắt chặt tín dụng, bất động sản… đã tác động đến ngành, dự kiến tổng tiêu thụ năm 2023 chỉ khoảng hơn 19 triệu tấn, giảm rất nhiều so với mức đỉnh của năm 2019 (riêng năm nay giảm 15-20% về nhu cầu).

Cùng với đó, trên thị trường chứng khoán, các công ty Thép niêm yết, hiệu quả đều ở mức thấp và suy giảm khá mạnh so với giai đoạn trước. Song, đây cũng là những thách thức bắt buộc phải đối mặt và trong xu thế như vậy, doanh nghiệp Thép cũng dần dần phải thay đổi và thích ứng.

- Đã một tháng EU đưa ra tiêu chuẩn về chứng chỉ carbon, vậy các doanh nghiệp Thép đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Phạm Công Thảo: Hiệp hội Thép cũng rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo và gần đây nhất, tháng 9/2023, VSA đã tổ chức hội thảo liên quan tới phát triển xanh, phổ biến các chính sách của Chính phủ, chính sách của EU liên quan tới giảm phát thải carbon để các đơn vị có sự chuẩn bị.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trong phạm vi hội thảo, VSA cũng phối hợp cùng IFC tổ chức khóa đào tạo tập huấn Kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép để các doanh nghiệp tiếp cận với phương pháp tính và có hình dung về mức độ phát thải của mình.

Tuy vậy, cũng chưa tổng hợp lên được một con số tổng thể của toàn ngành, bởi theo yêu cầu của EU, tới 31/1/2024 bắt đầu phải nộp bản kê khai và từ nay đến thời điểm đó, các doanh nghiệp vẫn trong quá trình chuẩn bị, khai thác thông tin và điền mẫu..

- Với trình độ công nghệ hiện nay của doanh nghiệp ngành Thép, sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào khi Chuyển đổi Xanh, thưa ông?

Ông Phạm Công Thảo: Ngành Thép của Việt Nam có tốc độ phát triển tương đối nhanh trong thời gian qua, đang đứng thứ 13 trên thế giới tuy vậy vẫn là ngành công nghiệp non trẻ vì vậy trong quá trình Chuyển đổi Xanh sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn là thuận lợi.

Các thách thức chính đến từ công nghệ và chi phí, bao gồm cả chi phí đầu tư cũng như giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.Công nghệ sản xuất thép có hai dòng chính là lò cao đi từ quặng và lò điện đi từ thép phế.

Thực tế, công nghệ lò cao đang là công nghệ truyền thống và đã tồn tại rất nhiều năm, có chi phí sản xuất và giá thành cạnh tranh. Thời gian qua 1 số doanh nghiệp như Formosa, Hòa Phát đã tập trung đầu tư vào công nghệ lò cao, qui mô lớn cho giá thành thấp, tuy nhiên do sử dụng than cốc nên quy trình luyện thép sẽ phát thải ra khí CO2.

Mặc dù các lò cao đầu tư sau này đã có công nghệ tiên tiến nhất định khi tích hợp cả việc tận dụng khí thải để phát điện nhằm giảm bớt một phần phát thải ra môi trường và giảm tiêu hao năng lượng, nhưng về tổng quan, đây vẫn là dòng công nghệ phát thải nhiều ra môi trường.Với công nghệ lò điện, đây là công nghệ mà nhiều doanh nghiệp trong nước lựa chọn trong giai đoạn đầu phát triển của ngành thép.

Phía Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đầu tư lò điện song qui mô còn nhỏ và trung bình (lò to nhất cũng chỉ 70 tấn/mẻ), với công nghệ này về cơ bản phát thải thấp và gần như là công nghệ sạch, song chi phí sản xuất lại kém cạnh tranh hơn. Do đó, trong tiến trình giảm phát thải, nhiều nước đang ưu tiên đầu tư cho công nghệ lò điện để thay thế cho công nghệ lò cao đi từ quặng và phát triển các công nghệ mới để sản xuất thép từ quặng mà không sử dụng than coke. Xét về tổng thể chung, công nghệ sản xuất thép của Việt Nam so với thế giới đang ở mức trung bình.

Với các nước phát triển, dựa trên hai dòng công nghệ là lò cao và lò điện đó, thì họ có đầu tư chiều sâu hay đầu tư bổ sung thêm để tối ưu giảm phát thải và phát triển các công nghệ mới để hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Đơn cử, với công nghệ lò điện họ sẽ sử dụng khí dư từ quá trình nung nấu để sấy thép phế trước khi đưa vào lò, qua đó giảm tiêu hao điện và giảm phát thải, kể cả lò cao cũng vậy, có thể tận dụng khí thải để phát điện, thậm chí không dùng than mà thay thế bằng khí thiên nhiên như LNG… để hoàn nguyên quặng, sản xuất ra sắt xốp, thì quy trình công nghệ đó ít phát thải hơn.

Ngoài ra, để giảm phát thải triệt để ra môi trường, cần tiến tới thay thế hoàn toàn các nguyên liệu hóa thạnh bằng nguyên liệu xanh như sử dụng điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sử dụng hydro chiết xuất xanh thay thế khí LNG, hoặc phát triển các giải pháp thu giữ, chôn lấp cacbon… Để áp dụng rộng rãi các công nghệ xanh này vào sản xuất sẽ cần thêm nhiều thời gian và rất nhiều chi phí.

Cần có chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ

- Để đáp ứng các tiêu chuẩn cao về khí thải cũng như đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra, ông có đề xuất gì từ phía cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập thành công cũng như thực hiện được mục tiêu đề ra?

Ông Phạm Công Thảo: Phải khẳng định tiến trình Chuyển đổi Xanh là gian nan và phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố, nếu có một lộ trình tốt mới thành công được, nếu các bước đi không phù hợp thì doanh nghiệp rất khó khăn.

Trước hết, về phía Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ phải nghiên cứu sâu để đưa ra một lộ trình chuyển đổi phù hợp dựa trên định hướng của Chính phủ và định hướng của ngành Công Thương đối với lĩnh vực công nghiệp, dựa trên yêu cầu của các nước khi họ xây dựng các Chương trình Chuyển đổi Xanh, áp thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam thì mình cũng đưa ra lội trình chuyển đổi từng bước cho phù hợp.

Phải nói rằng, ngành Thép vẫn còn là một ngành non trẻ, chủ yếu mua lại các trang thiết bị công nghệ từ các nước khác về để áp dụng, còn khả năng nghiên cứu vẫn còn hạn chế, trong khi doanh nghiệp lớn nước ngoài khả năng nghiên cứu của họ rất tốt, như Trung Quốc hay Posco của Hàn Quốc, họ đều tự phát triển công nghệ để giảm phát thải, hay các doanh nghiệp của châu Âu cũng đã đi trước rất nhiều về công nghệ, trong khi năng lực nghiên cứu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về giảm phát thải trong lĩnh vực luyện kim, do đó về phía Hiệp hội và doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ trong các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ xanh trong sản xuất thép.

Trong trường hợp nghiên cứu phát triển khó thì có thể nghiên cứu ứng dụng lại công nghệ của các nước, nhưng cũng phải đúng thời điểm và đến khi nào áp dụng công nghệ nào phải phù hợp với nhu cầu và chi phí đáp ứng được.Liên quan tới công nghệ mới thì thường chi phí đầu tư cao, do vậy, đối với các doanh nghiệp có phát triển, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường thì Nhà nước nên có các chính sách cụ thể, khuyến khích và hỗ trợ tài chính về lãi suất để doanh nghiệp thấy có hiệu quả để đầu tư và điều đó rất cần thiết.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem cần xem vấn đề Chuyển đổi Xanh là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển, là cơ sở để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp trong dài hạn, trên cơ sở đó có các định hướng về lộ trình chuyển đổi, phát triển công nghiệp xanh, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi một cách hiệu quả nhất.

- Ngoài các yếu tố trên, thì việc chống bán phá giá cũng là vấn đề nổi cộm với các doanh nghiệp ngành Thép, vậy ông đánh giá sự chuẩn bị từ phía các doanh nghiệp Thép đối với vấn đề này ra sao?

Ông Phạm Công Thảo: Trước đây xu thế toàn cầu hóa thịnh hành, nhưng sau này thì gần như đảo chiều - xu thế bảo hộ gia tăng nhiều, kể cả với CBAM cũng đang có nhiều ý kiến phản biện vì gây ảnh hưởng tới tự do thương mại, nó gắn với tiêu chuẩn môi trường toàn cầu nhưng là công cụ bảo hộ mang tính hợp lý mà EU phát triển.

Có thể thấy, trong các năm gần đây các nước đều tăng cường chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm Thép của Việt Nam.Mới đây, Bộ Công Thương có mời Hiệp hội Thép Việt Nam họp về quy chế kinh tế thị trường Mỹ áp với Việt Nam (hiện Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường). Hiện, Việt Nam đang đề nghị Mỹ xem xét lại chính sách này.

Ngành thép của Việt Nam tương đối phát triển, đang đứng thứ 13 trên thế giới. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngành thép của Việt Nam tương đối phát triển, đang đứng thứ 13 trên thế giới. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải trình cho phía Mỹ. Thực tế, khi Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt, phía Mỹ sẽ sử dụng số liệu giải trình của Việt Nam khi họ rà soát chống bán phá giá, còn hiện nay khi chưa công nhận kinh tế thị trường, phía Mỹ vẫn sử dụng số liệu của bên thứ 3, thông qua nước khác nên độ tin cậy sẽ rất khó đảm bảo.

Bên cạnh đó, khi Mỹ công nhận kinh tế thị trường đối với Việt Nam thì nhiều khả năng các nước khác về chính sách cũng sẽ cởi mở hơn với Việt Nam và thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại của Việt Nam, đồng thời, trong các vụ việc chống bán phá giá, cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp đối tác tại nước sở tại đang nhập khẩu hàng Việt Nam, để họ có ý kiến, qua đó hạn chế việc Chính phủ các nước áp dụng chính sách đối với hàng hóa Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với VSA và Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) sẵn sàng cung cấp số liệu, giải trình với các bên khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhằm chứng minh hoạt động phù hợp của doanh nghiệp.Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh như hiện nay sẽ không tránh khỏi những vấn đề này và doanh nghiệp cần có sự chủ động chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-xanh-doanh-nghiep-thep-phai-thay-doi-va-thich-ung/906394.vnp