Chuyện phát triển giáo dục ở vùng giải phóng thời kháng chiến chống Mỹ

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những nhà giáo từ miền Bắc vào đã sát cánh cùng đồng nghiệp từ đồng bằng duyên hải lên và các giáo viên trưởng thành trong chiến đấu tại Gia Lai tập hợp thành đội ngũ nhà giáo kháng chiến.

Họ đã dũng cảm đi vào nơi gian khổ, đưa sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng từng bước phát triển, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

Tháng 12-1959, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ nhất được tổ chức nhằm kiểm kiểm thành quả cách mạng sau 5 năm đấu tranh, xây dựng lực lượng và cơ sở kể từ sau Hiệp định Genève, đồng thời đề ra phương hướng thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đại hội đã mở ra một thời kỳ mới làm chuyển biến phong trào cách mạng. Đến năm 1960, ở tỉnh Gia Lai đã giải phóng được 508 làng với 150 ngàn dân; 902/1.062 làng có cơ sở chính trị và cơ sở Đảng.

Bên cạnh việc tổ chức tốt các lực lượng vũ trang, mở rộng vùng giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn quan tâm đến sự nghiệp văn hóa-giáo dục. Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đã nêu: “Bài trừ văn hóa-giáo dục nô dịch, đồi trụy theo kiểu Mỹ đang tác hại đến truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta. Xây dựng một nền văn hóa, giáo dục dân tộc và dân chủ, phát triển khoa học-kỹ thuật nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”. Tháng 10-1962, Tiểu ban Giáo dục toàn miền Nam được thành lập với phương hướng, nhiệm vụ được xác định: “Dựa vào lực lượng Nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả kích chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ-ngụy; tích cực xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng văn hóa, chính trị cho Nhân dân lao động, trước nhất cho cán bộ, chiến sĩ; đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này”.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, Khu 5 đã thành lập Ban Giáo dục khu và các tỉnh thành lập Tiểu ban Giáo dục trong Ban Tuyên huấn tỉnh. Ngày 20-11-1963, Hội Nhà giáo yêu nước ở miền Nam được thành lập. Ngày 19-5-1964, Đại hội đại biểu Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam đã thông qua Điều lệ và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội do Giáo sư Lê Văn Huấn làm Chủ tịch. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển giáo dục kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam lúc bấy giờ. Khi tổ chức giáo dục ở Trung ương Cục đi vào hoạt động, từ năm 1962 đến 1965 đã có hàng trăm giáo viên được đào tạo từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Bên cạnh đó, Tiểu ban Giáo dục miền còn mở các trường sư phạm để đào tạo giáo viên cấp I và cấp II theo hình thức ngắn hạn và dài hạn. Ở Khu 5 có Trường Sư phạm Trung Trung Bộ đặt tại phía Đông Nam huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9-1964. Đến năm 1965, Khu 5 tiếp tục thành lập Trường Sư phạm miền núi, đặt ở huyện An Lão (tỉnh Bình Định) để đào tạo giáo viên cấp I cho các tỉnh miền núi. Tỉnh Gia Lai đã cử giáo sinh về học trường này. Đồng thời, Tiểu ban Giáo dục miền còn có nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa cho các lớp phổ thông, bổ túc văn hóa và bình dân học vụ. Đến tháng 6-1963, 24 đầu sách cho các ngành học đã được hoàn thành và xuất bản chuyển về các cơ sở giáo dục ở địa phương. Thời gian này, phong trào giáo dục ở vùng giải phóng của tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển khá. Ở các khu trong tỉnh đều mở các lớp bình dân học vụ dành cho đồng bào vùng căn cứ, mở trường lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát động phong trào học tiếng dân tộc bản địa trong cán bộ để gắn bó và dễ dàng hoạt động cách mạng ở các buôn làng Bahnar, Jrai.

Học sinh Trường Phổ thông cấp I thị trấn Dân Chủ (xã Krong, huyện Kbang ngày nay) tập thể dục giữa giờ (ảnh tư liệu).

Từ năm 1964 trở đi, công tác giáo dục ở miền Nam, nhất là ở Khu 5 và các tỉnh Tây Nguyên nhận được sự chi viện lớn từ miền Bắc. Nếu như năm 1968, Gia Lai chỉ có 8 giáo viên được chi viện thì các năm sau, số lượng được tăng cao, nhất là năm 1973 đã có hàng trăm giáo viên được tăng cường cho địa phương. Vào Gia Lai sớm nhất có nhà giáo Ksor Tuyên, rồi sau đó là các nhà giáo: Đỗ Nộ, Phạm Ngọc Anh, Phạm Bá Lữ… Từ năm 1969 đến 1972 có nhà giáo Lê Chấn, Phạm Bá Nguyên, Trần Quang Nhựt… Từ năm 1973 đến 1974 tiếp tục có các nhà giáo được chi viện như: Lê Văn Đậu, Ngô Minh Thúy, Cao Ngọc Nguyên, H’Lai, Đinh H’Ruk, Rơmah Biên… Bên cạnh việc chi viện con người, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn chỉ thị Bộ Giáo dục giúp đỡ, chi viện sách và thiết bị dạy học cho miền Nam; đồng thời lập “Trại biên soạn chương trình và sách giáo khoa miền Nam” (gọi tắt là Trại Sách B), mang danh nghĩa Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng. Cho đến đầu năm 1975, Trại Sách B đã biên soạn theo chương trình giáo dục 12 năm của 3 cấp học thuộc ngành học phổ thông, bổ túc văn hóa với 239 đầu sách giáo khoa và xuất bản hàng vạn cuốn sách kịp thời chuyển vào các vùng giải phóng, trong đó có tỉnh Gia Lai. Tháng 8-1972, Ban lãnh đạo Giáo dục tỉnh Gia Lai được thành lập gồm các nhà giáo: Lê Minh Hưng, Phạm Ngọc Anh, Ksor Tuyên, Ksor Bluk, Nguyễn Anh Tuấn.

Khi có đủ lực lượng cán bộ quản lý và các nhà giáo làm nòng cốt, tỉnh Gia Lai đã thành lập Trường Bổ túc cán bộ tỉnh (năm 1965) đóng ở Lơ Ku (khu 2) do nhà giáo Ksor Bluk phụ trách; năm 1969 thành lập Trường Sư phạm tỉnh đóng ở Sơ Pai (khu 2) do nhà giáo Lê Chấn phụ trách; năm 1973 thành lập Trường Phổ thông cấp I tại thị trấn Dân Chủ (xã Krong, huyện Kbang ngày nay). Năm học 1973-1974, toàn vùng căn cứ và vùng giải phóng của tỉnh Gia Lai có 271 cán bộ, giáo viên; 111 lớp bình dân học vụ với 2.346 học viên; 115 lớp bổ túc văn hóa tại chức với 757 học viên; 9 lớp bổ túc văn hóa tập trung với 184 học viên và 85 học sinh cấp I ở thị trấn Dân Chủ.

Các nhà giáo và cán bộ quản lý được chi viện cho tỉnh Gia Lai là những người có nhiều kinh nghiệm từ cơ sở đi lên. Trong đó, nhiều nhà giáo đã từng dạy học ở miền núi, có kinh nghiệm giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Những nhà giáo chi viện đã sát cánh cùng đồng nghiệp từ đồng bằng duyên hải lên và các nhà giáo trưởng thành trong chiến đấu tại địa phương tập hợp thành đội ngũ nhà giáo kháng chiến. Họ đã dũng cảm đi vào nơi gian khổ, đưa sự nghiệp giáo dục ở vùng giải phóng từng bước phát triển, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, luôn luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.

(Theo tài liệu “Sơ thảo Giáo dục Gia Lai” của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Bình-nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-phat-trien-giao-duc-o-vung-giai-phong-thoi-khang-chien-chong-my-post275147.html