Có 20% số người thừa cân nhưng không mắc bệnh
20% số người thừa cân nhưng không mắc bệnh bởi mô mỡ của họ không tích trữ trong các cơ quan nội tạng.
Hội chứng chuyển hóa là tình trạng tích trữ năng lượng bất phù hợp ở dạng không đúng và ở trong các tế bào lẽ ra không nên tích trữ năng lượng. Chỉ có ba loại tế bào trong cơ thể nên tích trữ năng lượng: Mô mỡ dưới da ở mông và mô mỡ ở bụng có nhiệm vụ tích trữ năng lượng dư thừa dưới dạng chất béo, mô cơ và mô gan có nhiệm vụ tích trữ năng lượng dư thừa dưới dạng glycogen (tinh bột). Chỉ thế thôi.
Chất béo được tích trữ ở bất kỳ nơi nào khác trong cơ thể đều được gọi là tích trữ mỡ lạc vị. Nếu mô cơ, gan hoặc bất kỳ mô nào khác của cơ thể tích trữ mỡ lạc vị, mô đó sẽ bị rối loạn chức năng chuyển hóa và gây ra một số biểu hiện lâm sàng của hội chứng chuyển hóa.
Vậy 80% người vừa thừa cân và ốm yếu kia thì sao? Trước tiên họ sẽ mắc bệnh - hội chứng chuyển hóa - và điều đó gây ra tình trạng kháng insulin (một loại hormone điều chỉnh sự chuyển hóa, tích trữ và nạp năng lượng của cơ thể), dẫn đến mức insulin cao. Nhưng vì các tế bào mỡ của họ vẫn có phản ứng với insulin, và lượng insulin tăng thêm cho phép các tế bào mỡ tích lũy thêm năng lượng, chúng sẽ trở nên lớn hơn. Do đó, cân nặng của họ chính là một dấu ấn sinh học cho sự rối loạn chức năng chuyển hóa của họ.
Khi nhìn vào phần dân số có cân nặng bình thường, bạn sẽ thấy khoảng 40% số này cũng đang mắc hội chứng chuyển hóa - nghĩa là họ bị rối loạn chức năng chuyển hóa, kháng insulin và có mức insulin cao. Nhưng có lý do nào đó mà họ không mắc béo phì. Ở một số người, các tế bào mỡ của họ cũng kháng insulin, vì vậy năng lượng không tích trữ trong mô dưới da. Thay vào đó, năng lượng được đưa vào các cơ quan khác mà lẽ ra không có mỡ, chẳng hạn cơ và gan. Điều này tạo nên một thuật ngữ y học mới đã được trích dẫn 1.500 lần là TOFI, chữ viết tắt của cụm từ thin on the outside, fat on the inside, nghĩa là ngoài gầy, trong béo.
Còn có 20% số người thừa cân nhưng không mắc bệnh. Bởi vì mô mỡ dưới da thực sự có thể mang tính bảo vệ, nó cung cấp một nơi để tích trữ năng lượng dư thừa mà không gây độc hại. Việc họ thừa cân không đồng nghĩa với việc họ có các dạng chất béo hiểm nghèo trong các cơ quan không nên có mỡ.
Thay vào đó, chính mỡ lạc vị mới là thứ quyết định họ có mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim hay không. Trên thực tế, nhóm của tôi tại UCSF (Đại học California, Mỹ) và nhiều người khác đã chỉ ra rằng mỡ trong gan chính là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc một người có mắc tiểu đường trong tương lai hay không - đó là lý do vì sao một trong những “thần chú” của cuốn sách này là giữ gan khỏe.
Béo phì chỉ là một triệu chứng của vấn đề chứ không phải bản thân vấn đề. Nhưng y học hiện đại chỉ điều trị dấu ấn sinh học (cân nặng) thay vì điều trị bệnh lý thực sự đằng sau - mà kể cả trong việc này nó cũng đang làm rất tệ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/co-20-so-nguoi-thua-can-nhung-khong-mac-benh-post1473805.html