Cô giáo TPHCM chia sẻ 'bí quyết' tự tin thi môn Toán tốt nghiệp THPT

Cô Trần Yến Phương, Trường THPT Phước Long (TPHCM) chia sẻ cách ôn tập, giúp học sinh tự tin trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn Toán.

Cô Trần Yến Phương hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Tăng cường ôn luyện

Môn Toán được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các ngành bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đây cũng là môn học không “dễ thở”, thậm chí nhiều học sinh e dè vì lượng kiến thức lớn, bài học nhiều và nội dung rộng mở.

Cô Trần Yến Phương, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, đề thi THPT môn này trong những năm gần đây (2020-2023) thường có các đặc điểm nhất định. Thứ nhất đa dạng về nội dung: Các đề thi thường bao gồm các chủ đề rộng lớn từ toán học cơ bản như hàm số, lượng giác, đại số, hình học, xác suất, và giải tích.

Thứ hai, có sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề: Các câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá khả năng áp dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tế.

Mặt khác câu hỏi có độ khó tăng dần: Các bài toán thường được thiết kế để kiểm tra sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề của học sinh ở nhiều cấp độ khó khác nhau. Cùng với đó là thiên về kiến thức chương trình: Đề thi thường tập trung vào kiến thức được học trong chương trình trung học phổ thông.

“Phần dễ kiếm điểm nhất thường là các câu hỏi thuộc các chủ đề cơ bản như hàm số, phép tính cơ bản. Phần khó nhất thường là các bài toán yêu cầu kỹ năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết vấn đề phức tạp, thường được phân thành các dạng như bài toán tự chọn, bài toán trắc nghiệm, và bài toán tự luận”, cô Trần Yến Phương chia sẻ.

Theo cô Trần Yến Phương, để ôn tập và làm bài thi môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh lớp 12 cần hiểu biết sâu về kiến thức. Cụ thể là phải nắm vững các khái niệm, định lý, và phương pháp giải các loại bài toán. Cùng với đó là làm nhiều bài tập từ các nguồn tài liệu ôn tập khác nhau, từ các sách giáo khoa, đến các bộ đề thi thử, để làm quen với dạng đề và rèn kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, các em cũng cần tham các lớp học ôn thi hoặc nhóm học tập để thảo luận về các vấn đề khó và học hỏi từ nhau. Đồng thời thường xuyên thực hành làm bài thi thử để làm quen với cảm giác thời gian và rèn kỹ năng làm bài dưới áp lực.

Tự tin vào khả năng của bản thân

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, việc ôn thi phải có kế hoạch rất cụ thể theo từng tuần và từng ngày để mang lại hiệu quả, nếu đến sát ngày thi học sinh sẽ càng cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng.

Cô Trần Yến Phương cùng học sinh trong sự kiện cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2023-2024.

Khi đã lập kế hoạch rồi, các em cần nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đó, thậm chí có thể phải hy sinh một vài sở thích. Một ngày của giai đoạn này có thể có giá trị hơn so với một ngày trước đây, bởi thế, các em cần nâng niu, trân trọng từng giây, từng phút, tránh tình trạng giã đám cuối năm học.

Cô Trần Yến Phương cho hay, học sinh lớp 12 trước khi bước vào kỳ thi môn Toán THPT Quốc gia năm nay (2024) là cần phải lên kế hoạch ôn tập hợp lý từ sớm, không để lại những phần kiến thức nào chưa hiểu rõ và cần giải quyết những vấn đề mà mình gặp phải kịp thời. Hơn nữa, cần giữ sức khỏe tốt, duy trì tinh thần lạc quan và tự tin vào khả năng của bản thân.

Trong mỗi phần nội dung chương trình toán đã học thì phần nào cũng có câu dễ. Khoảng 35 câu là mức cơ bản, ở tất cả các dạng. Các câu khó trong phần hàm số và logarit cũng có thành các dạng cho học sinh luyện. Nhưng số phức thì khó lấy điểm cao, vì sẽ kết hợp với hình phẳng, bất đẳng thức nên là câu khó chịu nhất (lấy điểm 9+).

Học sinh muốn đạt điểm cao, trước tiên đừng lo ôn mấy câu khó trước mà phải làm chắc chắn hết khoảng 40 câu đầu và không được sai. Các em làm đi làm lại nhuần nhuyễn tất cả các dạng cơ bản để lấy chắc 8 điểm gồm 40 câu đầu không khó, đều là các dạng thường gặp. Sau đó, các em luyện kết hợp với các câu từ 41-45 (các câu này đề sẽ hỏi bất kỳ kiến thức trong chương trình).

Phần giá trị lớn nhất - giá trị nhỏ nhất sẽ ở 3 câu cuối (đây là dạng các bạn học sinh trung bình sợ nhất nếu thuộc vận dụng cao). Các câu khó sẽ đủ hết các dạng từ hàm số, nguyên hàm tích phân, số phức, hình không gian, tọa độ, tổ hợp...

“Nên lập kế hoạch ôn tập theo từng ngày và cần nghiêm túc thực hiện, thậm chí “hy sinh” một vài sở thích để hướng đến mục tiêu…Đặc biệt trước ngày thi các em học sinh không nên thức khuya học bài vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các bạn sẽ không đủ tỉnh táo, tập trung làm tốt bài thi”, cô Trần Yến Phương khuyên.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tphcm-chia-se-bi-quyet-tu-tin-thi-mon-toan-tot-nghiep-thpt-post682456.html