Cơ hội thúc đẩy bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số

PGS.TS TRẦN BÌNH, nguyên Trưởng bộ môn Quản lý Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc Quốc hội nhìn ra khó khăn và đưa ra giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, sẽ là động lực mở ra cơ hội sớm đạt được các mục tiêu quốc gia, trong đó có bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

Tạo bước chuyển lớn

- Dựa trên quan sát cũng như kinh nghiệm thực tế, ông nhận định ra sao về tác động của các chương trình mục tiêu quốc gia đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, phát triển đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số?

- Những năm qua, hàng loạt chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành và triển khai tích cực. Đáng chú ý, các chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trong các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tác động rất lớn đến đời sống văn hóa các tộc người.

Thông qua các chương trình, dự án đó, chúng ta đã thu được một số kết quả đáng trân trọng. Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; nhiều tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác, vận dụng; vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ… được phát huy. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc đã được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc đã được phát hành…

Những cố gắng đó góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều năm nay. Tuy vậy, do tác động của hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vẫn đứng trước nhiều thách thức.

- Cụ thể, những thách thức mà ông nói ở đây là gì?

- Đơn cử, hiện tượng đứt đoạn văn hóa giữa các thế hệ cha ông với con cháu hiện nay khá phổ biến ở các dân tộc thiểu số. Thực tế này do bối cảnh xã hội hiện tại quy định, song cũng có căn nguyên từ giáo dục gia đình, dòng họ và giáo dục cộng đồng của chính các tộc người thiểu số. Phổ biến hiện nay, con cháu các dân tộc thiểu số không biết chữ viết của dân tộc, không biết đọc sách cổ của tổ tiên để lại. Thanh niên Thái không biết đọc sách viết bằng chữ Thái cổ, thanh niên Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ… không biết đọc sách viết bằng chữ nôm Tày, nôm Dao, nôm Nùng…

Không riêng ngôn ngữ, bản sắc văn hóa, nhiều giá trị truyền thống của dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí tiêu vong. Thêm vào đó, việc điều tra, nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người chưa được chú ý thỏa đáng.

- Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội lần này?

- Việc Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là bước chuyển lớn cho văn hóa các tộc người thiểu số hiện nay. Đặc biệt, với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua càng cho thấy sự quan tâm, quyết tâm, chỉ đạo sát sao để các cơ chế, chính sách đã ban hành sớm đến với đối tượng thụ hưởng. Tôi cho rằng việc Quốc hội nhìn ra khó khăn và đưa ra giải pháp kịp thời tháo gỡ một cách căn cơ những vướng mắc, tồn tại sẽ là động lực mở ra cơ hội sớm đạt được các mục tiêu quốc gia, trong đó có bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Cân bằng bài toán kinh tế và văn hóa

- Như ông nói, để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn văn hóa là không dễ, ngay cả khi chúng ta có chính sách đặc thù để bảo đảm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có vấn đề liên quan đến văn hóa của các dân tộc thiểu số?

- Đã có chủ trương, chính sách, chương trình, dự án cụ thể nhưng thực hiện như thế nào cho hiệu quả là cả vấn đề. Nghị quyết của Quốc hội gỡ “khó” trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, song chúng ta cũng cần nhận thức rằng vấn đề liên quan đến văn hóa không đơn giản, nhất là văn hóa các tộc người thiểu số. Câu chuyện vừa bảo lưu truyền thống, vừa tiếp nhận, phát triển văn hóa hết sức phức tạp trong bối cảnh hiện nay.

Cơ chế, chính sách đặc thù là động lực mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ảnh: BCT

Cơ chế, chính sách đặc thù là động lực mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ảnh: BCT

Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chính sách đã mở đường, chương trình hành động được ban hành, nhưng muốn làm tốt phải thực hiện đồng bộ, trong đó xác định phát triển kinh tế là đầu tàu nhưng bảo tồn văn hóa phải trở thành tối quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả thắng lợi về kinh tế nhưng đời sống càng hiện đại, cộng đồng càng tiếp nhận văn minh bên ngoài thì văn hóa truyền thống càng mai một nhanh chóng.

- Theo ông, để thực hiện hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, chúng ta cần phải làm gì?

- Tôi cho rằng, chúng ta phải tận dụng cơ hội đang có về cơ chế, chính sách, tập trung vào những giải pháp thực sự căn cơ. Đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế thì cũng phải đầu tư cho văn hóa xứng tầm. Tôi lưu ý đầu tư cho văn hóa ở đây là tạo ra những thiết chế văn hóa dựa trên nghiên cứu thấu đáo văn hóa tộc người, được khai thác và thực hiện trên cơ sở giá trị văn hóa của họ. Song song với đó, cần tác động để quá trình hòa hợp dân tộc diễn ra hài hòa, trên cơ sở giữ gìn bản sắc, bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, duy trì sự đa dạng văn hóa Việt Nam.

Huy động đội ngũ nghiên cứu, quản lý, thực thi chính sách chất lượng cao. Đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, ổn định và cải thiện đời sống, xóa nghèo, phát triển giáo dục nâng cao dân trí... đối với các dân tộc thiểu số. Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu về các dân tộc cũng như văn hóa của họ, xúc tiến nhanh việc phổ biến giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo cơ hội cho mọi công dân có điều kiện hiểu biết đầy đủ về văn hóa Việt Nam…

Đặc biệt, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương cần đầu tư nguồn lực, tác động để chính cộng đồng dân tộc thiểu số tự nhận thức về giá trị văn hóa của mình; bởi lẽ, không ai hiểu dân tộc họ bằng chính họ, và chính họ là những nhân tố quan trọng thừa kế, phát triển văn hóa của dân tộc mình trong quá trình phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/co-hoi-thuc-day-bao-ton-phat-huy-van-hoa-dan-toc-thieu-so-i358177/