Công nhân lỡ cơ hội mua nhà ở xã hội dù chỉ phát sinh thuế thu nhập cá nhân 70.000 đồng

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Miền Đông cho biết, để đủ tài chính mua nhà ở xã hội, công nhân phải tăng ca nhưng tăng thu nhập thì phát sinh thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện mua nhà. Có một số trường hợp chỉ phát sinh thuế 70.000 đồng cũng không mua được.

Tại tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" vừa diễn ra ngày 18/5, ông Trần Đăng Toàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Miền Đông (TP Bến Cát, Bình Dương), đã nêu một số "bất cập" về việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Bất cập lớn nhất đó là xác định đối tượng mua nhà ở xã hội. Theo ông Toàn, quy định đặt ra thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay.

"Để đủ tài chính mua nhà ở xã hội, công nhân phải tăng ca để tăng nguồn thu nhập nhưng tăng thu nhập thì phát sinh thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện mua nhà. Có một số trường hợp chỉ phát sinh thuế 70.000 đồng cũng không mua được" - ông Toàn nói, dù nhiều hoàn cảnh rất khó khăn.

 Công nhân lỡ cơ hội mua nhà ở xã hội dù chỉ phát sinh thuế thu nhập cá nhân 70.000 đồng.

Công nhân lỡ cơ hội mua nhà ở xã hội dù chỉ phát sinh thuế thu nhập cá nhân 70.000 đồng.

Còn vướng mắc về pháp lý, ông Toàn cho biết thủ tục đầu tư nhà ở xã hội không khác gì đối với dự án nhà ở thương mại. Riêng thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính vẫn phải thực hiện mặc dù nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.

Thực tế, để thực hiện thủ tục xác định giá đất để làm nghĩa vụ tài chính mất thời gian 1-2 năm. Một vấn đề khác là vốn vay.

"Đây là mấu chốt để nhà ở xã hội thuê mua cũng như bán có thể thành công", ông Toàn nói. Từ góc độ người mua, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng cần đảm bảo để khách hàng có thể tiếp cận gói tín dụng phù hợp. Mức lãi suất 4,8%/năm, vay trong 25 năm là phù hợp.

Với chủ đầu tư, ông Toàn cho biết mức lãi suất vay "may mắn nhất" với doanh nghiệp hiện là 6%. Còn lại, doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại mức rất cao, đều hơn 10%.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội cả phân khúc bán lẫn cho thuê, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho rằng quan trọng nhất là thúc đẩy nhanh pháp lý.

Tại sao nhà ở xã hội cứ bị thiếu hụt? Theo ông Nghĩa, điểm quan trọng nhất hiện nay là nhà ở xã hội không mang lại lợi nhuận doanh nghiệp mong muốn, thậm chí còn lỗ.

"Đây là vấn đề gốc rễ. Nhưng tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ làm tăng giá bán nhà, cũng không được. Còn nếu giải quyết pháp lý nhanh cho doanh nghiệp, thì thời gian chính là tiền bạc. Một dự án 5 năm mới xong chi phí sẽ khác một năm", ông Nghĩa chỉ rõ.

Ông Nghĩa mong muốn quy trình làm nhà dự án nhà ở xã hội cần khác với nhà ở thương mại. "Không phải bỏ bớt thủ tục mà làm nhanh hơn bằng cách ghép bước".

Về nguồn vốn, lãnh đạo Công ty Lê Thành cho rằng nếu nguồn cung tín dụng 100 tỷ đồng thì nên cân đối 50 - 50 cho chủ đầu tư và người mua. Bởi nếu không có nguồn cung, người mua cũng không có nhà để được giải ngân cho vay.

Ông Mai Thanh Tùng, Phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cũng thừa nhận Tp.HCM hiện còn nhiều vướng mắc nên số lượng nguồn cung nhà ở xã hội hoàn thành chưa đạt như kỳ vọng.

Theo ông Tùng, tới đây Tp.HCM sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp. T.HCM sẽ rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, tham mưu điều chỉnh quy hoạch để xây nhà lưu trú công nhân ngay trong khu đất khu công nghiệp.

Trong khi đó, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Tp.HCM, cho biết Công đoàn thành phố ủng hộ phương án xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê vì quản lý dễ dàng, giải quyết được chỗ ở cho nhiều người và phù hợp thu nhập của công nhân. Đặc biệt, điều này sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh với nhà trọ, thúc đẩy các hộ gia đình cải thiện chất lượng phòng ở.

So sánh số liệu lao động và số căn nhà ở xã hội mỗi năm tung ra thị trường, ông Trung cho rằng "mua được một căn nhà ở Tp.HCM không hề dễ". Cụ thể, mỗi năm thành phố cần khoảng 300.000 lao động đáp ứng các vị trí việc làm mới. Hiện, số lượng lao động đang làm việc tính chung là 4,8 triệu người, riêng đoàn viên thuộc tổ chức Công đoàn là 1,4 triệu người.

Trong khi đó, mục tiêu 2021-2025 của cả thành phố chỉ 35.000 căn. Do đó, giải pháp nhà cho thuê phù hợp đặc điểm lao động hiện nay. "Công đoàn có nguồn lực nhưng cần cơ chế để cùng tạo ra chỗ ở cho công nhân giống như sinh viên đến thành phố học có ký túc xá" - ông Trung nói.

Đại diệnLiên đoàn Lao động Tp.HCM đề xuất Công đoàn dành nguồn tín dụng nhất định cho các chủ đầu tư vay lãi suất thấp để làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Sau đó, doanh nghiệp quay ngược lại hỗ trợ cho công nhân thuê giá rẻ. Công đoàn sẽ tham gia xét duyệt hồ sơ được thuê nhà xã hội như xác nhận đoàn viên Công đoàn, làm việc ở các công ty, nhà máy. Theo ông Trung, việc này không chỉ giúp nâng cao đời sống người lao động, mà còn giúp việc quản lý dễ dàng.

"Nếu người lao động ở trong nhà lưu trú, nhà ở xã hội do Công đoàn, doanh nghiệp phối hợp xây dựng sẽ thuận tiện hơn nhiều. Tuy nhiên, cần có khảo sát, phân tách người có nhu cầu sở hữu nhà và nhóm cần chỗ ở phù hợp thu nhập để nắm được nhu cầu thực tế" - ông Trung đề xuất.

An Tú

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cong-nhan-lo-co-hoi-mua-nha-o-xa-hoi-du-chi-phat-sinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-70000-dong-d48721.html