'Cột mốc sống' ở Lâm trường 42

Đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới thường gọi cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi đây là những 'cột mốc sống', điểm tựa để nhân dân tin tưởng dựa vào, đoàn kết cùng nhau bám đất, bám bản, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ biên giới quốc gia. Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh công tác tại Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3 là một trong những 'cột mốc sống' trên vùng biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Tôi gặp Nguyễn Quang Vinh lần đầu tiên ở bản Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cuối năm 1999. Đoàn 42 khi ấy trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 3 (nay là Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327)-nơi Vinh công tác cũng vừa tròn một năm tuổi. Hôm ấy, thời tiết vùng Đông Bắc rất lạnh. Tôi và nhà báo Vũ Đạt-nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đèo nhau trên chiếc xe máy Minsk, xuất phát từ Cửa khẩu quốc tế Móng Cái lúc nhập nhoạng tối, mà mãi gần 10 giờ đêm chúng tôi mới tới được cổng doanh trại của Đoàn 42. Khi đó, doanh trại là dãy lán tạm, lợp tôn, thưng bằng vách nứa... và chưa có điện lưới. Sau màn chào hỏi, chúng tôi sà ngay xuống gần đống lửa giữa gian nhà tạm, vừa để lấy ánh sáng, vừa sưởi ấm. Khi đôi bàn tay đã bớt tê cóng, tôi mới để ý đến một cán bộ trẻ, dáng người đậm, da bánh mật, đang nắn nót viết và tập đánh vần những “ngôn ngữ” rất lạ. Thấy tôi tò mò, đồng chí Đoàn trưởng Lương Văn Mạnh giới thiệu: "Đây là đồng chí Vinh, cán bộ trẻ từ Bộ Tham mưu Quân khu 3 xung phong lên đây nhận nhiệm vụ cùng 60 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 42 từ ngày mới thành lập. Do yêu cầu nhiệm vụ cấp bách nên đồng chí Vinh đang tranh thủ học-viết “từ điển” tiếng Dao để hướng dẫn lại cho cán bộ trong đoàn".

Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ trên những tấm phản kê quanh bếp. Còn Nguyễn Quang Vinh vẫn mải mê với những con chữ bên ánh lửa bập bùng.

Sáng hôm sau, chúng tôi gặp lại Vinh khi anh đang ngồi chờ sẵn trên chiếc xe máy dã chiến của đơn vị để đưa chúng tôi đi thăm các dự án mà đơn vị đang triển khai. Qua những câu chuyện trên đường đi, tôi được biết Vinh quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; nhập ngũ năm 1992, rồi được cử đi học lớp báo vụ, chuyển sĩ quan chuyên nghiệp từ năm 1994. Ngay khi thành lập Đoàn 42, anh đã viết đơn xung phong về đây nhận công tác, đồng thời đảm nhiệm việc hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình; nghiên cứu mở điểm trường, vận động học sinh đi học...

Con đường vào bản Pẹc Nả, xã Bắc Sơn khi đó vừa được cán bộ Đoàn 42 phối hợp cùng địa phương mở thông, rộng đúng một làn xe máy. Càng vào sâu, đường càng xấu, lại thêm sương mù làm cho con đường trơn như bôi mỡ. Chiếc xe máy của Vinh chở theo gần 1 tạ hàng với đủ loại cây giống, phân bón, lưỡi cuốc xẻng, thực phẩm... nhưng vẫn nhẹ nhàng lách qua từng khúc cua tay áo, con dốc, khe suối. Chúng tôi vật vã mãi mới theo kịp! Trên đường đi, thi thoảng Vinh lại dừng xe chỉ cho chúng tôi xem những cụm dân cư đang được dựng lên dọc theo đường biên giới, giới thiệu: Đoàn 42 đang triển khai dự án tiếp nhận nhân dân từ các tỉnh Nam Định, Hưng Yên và huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) lên đây lập làng, phát triển kinh tế dọc theo đường biên giới; đồng thời triển khai trồng thông để phủ xanh những đồi cây bị cháy do hậu quả của chiến tranh biên giới để lại; cấp phát nông cụ, cây, con giống cho đồng bào các bản đã định cư để phát triển sản xuất.

Trung tá QNCN Nguyễn Quang Vinh (ngoài cùng bên phải) phổ biến kiến thức trồng cây cho bà con.

Qua bản Thán Phún, xã Bắc Sơn, Vinh dừng xe trên một ô đất trống vừa mới được phát quang, san nền rồi nói với chúng tôi: "Đây là vị trí mà Đoàn 42 đang triển khai mở điểm trường lẻ để từ năm học tới đón học sinh các bản quanh đây về học. Do thời gian gấp rút nên cán bộ trong đoàn phải luân phiên nhau vác từng tấm tôn lên lợp mái, rồi đóng bàn ghế, chuẩn bị học cụ... Không những thế, anh em phải đến từng gia đình vận động cha mẹ cho các cháu đi học. Cái khó nhất ở đây là vẫn chưa có điện lưới, đường ra trung tâm thì xa, đi lại khó khăn, không biết có giáo viên nào tình nguyện vào đây hay không. Chính vì thế mà tôi và cán bộ Đoàn 42 cũng đang chuẩn bị giáo án để sẵn sàng lên lớp trong trường hợp thiếu giáo viên...".

Đến bản Pẹc Nả, Trưởng bản Đặng Văn Phú, người duy nhất trong bản nói được tiếng phổ thông đón chúng tôi, giới thiệu: "Bản mình có 31 hộ dân, hơn 100 nhân khẩu đều là người Dao. Một năm qua, nhờ cán bộ Vinh và Đoàn 42 hỗ trợ nên nhiều gia đình ở đây không còn cảnh đứt bữa. Nhiều gia đình đã bắt đầu tập trồng cây, nuôi gà, nuôi dê... Đặc biệt, các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường đều được vận động, họ đồng ý cho con em đi học tại điểm trường trong năm học tới". Vừa trò chuyện với Trưởng bản, Vinh vừa lôi cuốn sổ tay ra ghi chép tỉ mỉ hoàn cảnh của từng hộ gia đình, nhu cầu bổ sung cây, con giống. Anh ghi cả bằng hai ngôn ngữ: Phổ thông và Dao. Thi thoảng, Vinh lại nhờ anh Phú chỉnh sửa, bổ sung vốn từ cho cuốn "từ điển tiếng Dao" của mình.

Ấn tượng nhất với chúng tôi trong cuộc trò chuyện giữa anh Phú và Vinh là bài học thuộc lòng các chức năng, nhiệm vụ của Đoàn 42. Cả hai cùng nhau đồng thanh đọc trên đường đến thăm một hộ dân của bản Pẹc Nả. Nghe xong, tôi cười bảo:

- Anh Vinh và anh Phú thuộc bài như cán bộ chính trị ấy nhỉ?

- Không thuộc bài thì sẽ làm sai. Sai thì dân bớt tin, bớt yêu bộ đội mình, công việc sẽ không thuận lợi-Vinh nhẹ nhàng trả lời.

Tối hôm ấy, chúng tôi ngủ lại ở bản Pẹc Nả. Sau bữa cơm đãi khách của chủ nhà, tôi có thêm thời gian để trò chuyện với Vinh. Tôi biết thêm về bức tranh toàn cảnh rẻo biên cương khi ấy: Địa bàn hoạt động của Đoàn 42 dài 34km dọc theo đường biên giới, vùng dự án ôm trọn hơn 10.000ha, gồm có 4 dân tộc sinh sống: Dao, Tày, Sán Chỉ, Kinh. Ngoài người Kinh, đồng bào các dân tộc khác hầu như không nói, viết được bằng tiếng phổ thông. Khi Đoàn 42 mới về đây nhận nhiệm vụ, qua khảo sát chỉ có 141 hộ dân, chủ yếu ở sâu trong nội khu, dọc tuyến biên giới thuộc địa phận đơn vị đảm nhiệm vẫn là một vùng "trắng" dân cư. Nhiều bản chưa có đường vào. Điện lưới cũng không! Cả tuyến biên giới chỉ có duy nhất một điểm trường nằm ở bản Lục Phủ...

Sáng hôm sau, trước khi chỉ đường cho chúng tôi trở lại đại bản doanh của Đoàn 42, Vinh lưu luyến chào và chia sẻ: "Chuyến này chắc tôi ở lại với bản Pẹc Nả trọn tuần trăng! Khi nào cùng đồng bào trồng kín cây thông cho mấy quả đồi trống ở trên kia và giúp họ thu hoạch xong lứa măng bát độ thì tôi mới về. Ở đây, chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm! Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau nhưng nhà nào cũng nghèo. Chính vì thương đồng bào nên tôi và các anh em trong Đoàn 42 đều đồng lòng ở lại gắn bó với mảnh đất này!".

Trên đường về, trong tiết trời se lạnh và nắng nhẹ, đỉnh Pò Hèn sừng sững với những đám mây hồng vắt ngang... Nhớ lại những câu chuyện của Vinh, chúng tôi chợt thấy ấm lòng và tràn đầy tin tưởng, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, vùng đất này sẽ “thay da đổi thịt”, đời sống bà con chắc chắn sẽ được ấm no; dải biên cương sẽ có cơ hội phát triển bền vững...

(còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG GIA - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/cot-moc-song-o-lam-truong-42-776114