Đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Đắk Lắk và Gia Lai
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) có chiều dài 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe, trong đó đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai dài khoảng 355 km.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Gia Lai về việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn qua địa bàn các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai theo đề xuất của 2 địa phương này.
Theo Bộ GTVT, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai gồm: đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum) - Pleiku (Gia Lai) dài 90 km, quy mô 6 làn xe; đoạn Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe và đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) dài 105 km, quy mô 6 làn xe; tiến trình đầu tư hai đoạn tuyến này là trước năm 2030.
Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “đến năm 2030, nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa)”.
Theo phụ lục kèm theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây phân kỳ thực hiện giai đoạn 2031 - 2050.
Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội phê duyệt, Bộ GTVT đang thực hiện việc điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch mạng lưới đường bộ theo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ GTVT đánh giá, việc đầu tư tuyến cao tốc các đoạn Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột và Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa trong giai đoạn 2021 - 2030 nhằm kết nối đồng bộ các dự án cao tốc đang triển khai (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và dự kiến triển khai (tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành) sẽ tạo liên kết vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ là cần thiết phải nghiên cứu đầu tư.
Để có cơ sở nghiên cứu đầu tư, trong quá trình điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch mạng lưới đường bộ theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục có cơ chế “Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030.
“Trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm” tương tự như nội dung nêu tại khoản 2 mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg để có cơ sở cho các địa phương có nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ.