Đầu tư hạ tầng giao thông- Mở ra cơ hội liên kết vùng
Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội…
Phát triển hạ tầng giao thông được xác định là một trong 4 chương trình đột phá của Tây Ninh tại Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội…
Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông
Ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua tỉnh triển khai hàng loạt công trình giao thông, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 4.147 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 1.826 tỷ đồng.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông (QLDAĐTXD) tỉnh đang thực hiện quản lý đầu tư công 8 dự án, tổng kế hoạch vốn gần 1.090 tỷ đồng (vốn Trung ương 170,8 tỷ đồng, vốn địa phương 918,9 tỷ đồng). Đến hết tháng 2.2024, giá trị giải ngân đạt 6,45%, dự kiến hoàn thành năm 2025-2026. Có 4 dự án đang thi công, gồm: dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 (gồm 3 dự án thành phần: Đường N8, ĐT.787B, ĐT.789); dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT.795; ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2) và dự án đường Trường Hòa - Chà Là.
Đối với 4 dự án còn lại, Ban Quản lý đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Trong đó, dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ) có tổng chiều dài khoảng 4,6km, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Đoạn đường này cũng được đầu tư mới hệ thống đường ống thoát nước thải, thu gom đoạn từ cầu Quan đến đường Hoàng Lê Kha và đoạn từ đường Lạc Long Quân đến đường Điện Biên Phủ, kết nối vào hệ thống đường ống thu gom nước thải của thành phố Tây Ninh.
Các công trình giao thông trọng điểm như dự án ĐT.784C (Bàu Năng - Bàu Cóp); nâng cấp đường kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tân Nam (đoạn từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783) và đường Trường Chinh khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, tăng tính kết nối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng do Ban QLDAĐTXD ngành giao thông tỉnh làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. Dự án có chiều dài hơn 5 km, quy mô 6 làn xe, diện tích sử dụng đất khoảng 16 ha, tổng vốn đầu tư hơn 433 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến trên 73 tỷ đồng).
Theo Ban Quản lý, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ phát huy tối đa lợi thế trục phố chính, cải thiện mạng lưới giao thông trên tuyến đường Bời Lời cũng như quanh khu vực; mở rộng tuyến kết nối với các trục đường chính (đường 30.4, Điện Biên Phủ, ĐT.784), tuyến tham quan Khu du lịch núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, góp phần chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch địa phương.
Tăng tính kết nối
Tây Ninh có 3 Cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành GTVT tập trung triển khai là đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của Trung ương cũng như tỉnh đầu tư trên địa bàn. Qua đó, tăng kết nối Tây Ninh với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và liên vùng.
Cuối năm 2023, sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), Bộ GTVT đã khởi công dự án với quy mô đường cấp III, nền đường 12,25 m, mặt đường 11,25 m, tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Bên cạnh đó, dự án Đường tuần tra biên giới (các đoạn còn lại) được Bộ Quốc phòng phê duyệt (theo Quyết định số 167/QĐ-BQP ngày 16.1.2022) và khởi công có tổng chiều dài 69,8 km (gồm các đoạn từ mốc 106/1 Đồn Biên phòng Chàng Riệc đến mốc 82 (ngã ba đường vào Đồn Biên phòng Tống Lê Chân) và xây dựng mới 4 km đoạn từ mốc 146 đến mốc 148 huyện Châu Thành) dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Ngoài ra, đoạn từ mốc 143 đến mốc 146 dài khoảng 2,9 km được Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bổ sung, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đối với dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp (được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 năm 2022), quy mô 259,22 ha tại xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng), theo Sở GTVT, đến nay, dự án cơ bản đã được hoàn thành kiểm đếm (khối lượng 432/437 hộ dân), tư vấn thẩm định giá, khảo sát giá khu vực giải phóng mặt bằng, dự kiến niêm yết và chi trả bồi thường vào tháng 6.2024. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, hỗ trợ thông thương hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương với thị trường trong nước và quốc tế.
Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đề ra
Theo ông Đặng Hoàng Chương, đến nay, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) là đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án có quy mô 4 làn xe, chiều dài toàn tuyến 72,1 km, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 28 km, điểm đầu giao với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (huyện Gò Dầu), điểm cuối giao với đường ĐT.781 tại huyện Dương Minh Châu; giai đoạn 2 từ điểm giao đường ĐT.781 đến Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tổng chiều dài 44,062 km.
Về tiến độ, Tập đoàn Sun Group đã hoàn chỉnh báo cáo cuối kỳ về phương án tuyến, phương án tài chính trình lãnh đạo tỉnh đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đơn vị này cũng đề xuất tỉnh Tây Ninh đồng hành cùng nhà đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép thí điểm tỷ lệ góp vốn Nhà nước tham gia dự án 60% -70% tổng mức đầu tư của dự án.
Một trong những dự án trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh có ý nghĩa liên kết vùng là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Về tiến độ, hiện hai địa phương phối hợp hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi các cơ quan Trung ương thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến, sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án tiếp tục các bước hoàn thiện, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành khởi công dự án (dự kiến tháng 5.2025), hoàn thành và thông xe vào tháng 12.2027.
Phó Giám đốc Sở GTVT Đặng Hoàng Chương cho biết thêm, Tây Ninh nằm ở vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ biên giới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Tây Ninh hoàn thành các tuyến giao thông kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, như: cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Ngoài hai tuyến quốc lộ đang được khai thác dài 132 km, đường Xuyên Á (quốc lộ 22) và quốc lộ 22B, quy hoạch bổ sung thêm ba tuyến quốc lộ 14C, 22C và 56B, nâng tổng chiều dài quốc lộ trên địa bàn tỉnh là khoảng 478 km (tăng 346 km), mở ra cơ hội liên kết cho tỉnh Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài khoảng 50 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh dài 23,7 km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km. Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm lãi vay) là 19.886 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia 9.943 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng. Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Thời gian hoàn vốn 14 năm 10 tháng.