Địa phương đặt hàng đào tạo GV theo NĐ 116: Chỉ tiêu nhiều, sinh viên đăng ký ít
Tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình trong hai năm qua thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên tại các trường ĐH, CĐ nhưng luôn trong tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu.
Vào tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có văn bản thông báo về việc đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết phục vụ trong ngành giáo dục theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP đối với sinh viên K73 theo chỉ tiêu Đặt hàng của tỉnh Bắc Kạn.
Theo nội dung văn bản, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tỉnh Bắc Kạn đặt hàng 27 chỉ tiêu giáo viên.
Cụ thể, tỉnh Bắc Kạn đặt hàng đào tạo 6 giáo viên sư phạm Tin học, 6 giáo viên giáo dục Tiểu học, 5 giáo viên sư phạm Tiếng Anh, 3 giáo viên giáo dục Thể chất, 2 giáo viên giáo dục Mầm non và 1 chỉ tiêu với giáo viên giảng dạy năm ngành sư phạm gồm Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Toán học.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã họp, xét việc đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết phục vụ trong ngành giáo dục theo Nghị định 116 của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban đầu có 5 em đăng ký nhưng sau đó có 2 em xin rút đơn và 1 em không làm đơn", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn thông tin.
Về việc cấp kinh phí đào tạo cho nhà trường, đại diện Sở cho hay, năm nay là năm đầu tiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng đào tạo giáo viên của tỉnh Bắc Kạn, nên về kinh phí chuyển cho nhà trường, đơn vị chưa có đánh giá.
Trước đó vào năm học 2022-2023, tỉnh Bắc Kạn cũng có đặt hàng đào tạo giáo viên với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhưng hai trường chưa triển khai.
"Trong năm học 2022-2023, tỉnh Bắc Kạn đặt hàng đào tạo giáo viên với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên được 39/140 chỉ tiêu", đại diện Sở cho hay.
Đến năm học 2023-2024, ngoài đặt hàng đào tạo giáo viên với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được 2/27 chỉ tiêu, tỉnh Bắc Kạn cũng đặt hàng với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, kết quả có 41 sinh viên đăng ký trên số lượng chỉ tiêu cần là 81.
"Việc địa phương đặt hàng tại các trường đại học sư phạm trong hai năm qua chưa năm nào đủ chỉ tiêu", đại diện Sở nói.
Chia sẻ về cơ cấu tỷ lệ đặt hàng đăng ký đào tạo giáo giáo viên theo Nghị định 116, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho hay, không có định mức tỷ lệ với sinh viên ở tỉnh Bắc Kạn cũng như với các địa phương khác.
Theo đó, địa phương đã thông qua các trường đại học sư phạm tuyên truyền về việc đặt hàng giáo viên của tỉnh Bắc Kạn. Tất cả sinh viên trúng tuyển tại các trường được đặt đặt hàng đều thuộc đối tượng được đăng ký.
Về việc cấp kinh phí đào tạo cho nhà trường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn thông tin, trong hai năm học qua, địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và không có vướng mắc gì trong việc chuyển kinh phí đào tạo cho nhà trường.
Chia sẻ về tương lai của các sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết phục vụ trong ngành giáo dục theo Nghị định 116, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho hay, theo Nghị định 116 của Chính phủ, không có tiêu chuẩn "cứng" về việc địa phương bố trí, sắp xếp việc làm cho sinh viên.
"Qua 2 năm triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên, tỉnh Bắc Kạn đều bám sát với quy định tại Nghị định 116/2020 của Chính phủ", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn nói.
Vị này cũng chia sẻ thêm, công tác tuyên truyền về đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương được thực hiện tương đối tốt. Theo đó, địa phương tuyên truyền tới các Ủy ban Nhân dân cấp huyện, các trường phổ thông và phối hợp với các trường đại học để tuyên truyền về chỉ tiêu của tỉnh Bắc Kạn.
"Nghị định 116 chỉ có quy định, sinh viên được đặt hàng khi ra trường công tác trong ngành giáo dục, không có yêu cầu là phải về địa phương các em đã được đặt hàng. Các sinh viên được được đào tạo theo Nghị định 116 khi ra trường cũng tham gia tuyển dụng như các ứng viên khác, không có ưu tiên", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn nói.
Chia sẻ thêm về nội dung trên, trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho hay, nhà trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Đối tượng là sinh viên có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo lãnh đạo nhà trường, năm học 2022-2023, nhà trường chỉ có hơn 30 em đăng kí trong tổng số 100 chỉ tiêu đặt hàng của địa phương. Số lượng sinh viên trên chiếm khoảng 60% tổng sinh viên của địa phương học tại nhà trường.
"Hiện tại, kinh phí đào tạo khóa sinh viên năm học 2022-2023 theo Nghị định 116 của nhà trường đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình thanh toán kinh phí. Nhà trường được thanh toán kinh phí đào tạo 15 tháng cho hơn 30 em với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng (mỗi tháng một sinh viên được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng)", cô Hường chia sẻ và cho biết nhà trường mới khảo sát qua đăng ký, chưa có khảo sát, thống kê phân tích vì sao sinh viên địa phương không tham gia.
Cô Hường cho biết, nhà trường mới được giao ngân sách năm 2024, dự kiến khoảng tháng 2/2024 nhà trường mới khảo sát số sinh viên đăng ký tham gia đơn đặt hàng của địa phương.
"Trường phải chờ mục thông báo về phân bổ kinh phí, khi đó nhà trường mới làm dự toán. Nếu nhanh thì khoảng đầu tháng 1, tháng 2 năm tới, nhà trường mới cho sinh viên đăng ký", cô Hường chia sẻ.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hòa bình cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên khoảng 300 chỉ tiêu, nhưng tổng số sinh viên có hộ khẩu thường trú tại địa phương chỉ khoảng 80 em.