Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6, đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6. Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tham gia có hiệu quả vào kỳ họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri phường Nam Bình và phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri phường Nam Bình và phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang

Tăng cường giám sát, khảo sát

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tếxã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trên cơ sở dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, sự phân công của lãnh đạo Đoàn, các ĐBQH tỉnh thông qua hoạt động thực tiễn đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, kịp thời tổng hợp những vấn đề còn bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tham gia thảo luận có hiệu quả vào chương trình xây dựng pháp luật cũng như tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác lập pháp, Đoàn tiếp tục thực hiện hình thức hợp đồng với chuyên gia và cộng tác viên để tập hợp trí tuệ của những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn quản lý đóng góp ý kiến với Đoàn trong công tác xây dựng pháp luật. Đoàn cũng đã tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của một số dự án luật dự kiến sẽ được xem xét tại kỳ họp. Đồng thời, để có thông tin và lập luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau, ngoài việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan bằng văn bản, đối với các dự án luật quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau được cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm, Đoàn đã tổ chức các hội nghị để đại biểu trực tiếp đóng góp ý kiến.

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Để tham gia xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp hiệu quả, các vị ĐBQH tỉnh cũng đã thu thập tài liệu, chủ động nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, các cơ quan quan chuyên môn, chuẩn bị nội dung thảo luận. Căn cứ nội dung chương trình kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn và Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, cộng tác viên pháp luật và các vị ĐBQH, Đoàn đã tổng hợp các ý kiến góp ý, tập hợp thành tư liệu phục vụ đại biểu nghiên cứu thảo luận tại kỳ họp.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thành công 3 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là: "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023"; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023". Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá sát tình hình thực hiện, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đoàn cũng đã đề xuất vấn đề chất vấn gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định về nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề xuất vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7; đề xuất nội dung đưa vào chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu; Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả bước đầu thực hiện chương trình giám sát năm 2024.

Quan tâm nắm bắt kiến nghị của cử tri

Với phương châm "chủ động, gắn bó, lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ với cử tri", trước kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lựa chọn địa điểm tiếp xúc cử tri là những địa phương đang có nhiều vấn đề được cử tri quan tâm. Theo đó, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 11 xã, phường thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030. Trước mỗi đợt tiếp xúc cử tri, thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch, thời gian, địa điểm các hội nghị tiếp xúc cử tri để đông đảo cử tri được biết, tham dự hội nghị. Do vậy, các hội nghị tiếp xúc của Đoàn đã thu hút được đông đảo cử tri tham dự và phát biểu ý kiến, kiến nghị.

Trong các hội nghị tiếp xúc, ngoài việc báo cáo với cử tri nội dung, chương trình, kết quả các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, để nhân dân hiểu, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Qua tiếp xúc, Đoàn đã thu nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng của cử tri đối với các vấn đề lớn của đất nước, của tỉnh như: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...

Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp giải trình, làm rõ theo thẩm quyền. Đối với những nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổng hợp đầy đủ, trung thực, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời theo quy định.

Để việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri đạt kết quả, Đoàn đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thường xuyên đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri rà soát, cập nhật báo cáo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, nhất là các nội dung cử tri kiến nghị qua nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đăng tải đầy đủ, kịp thời, công khai các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trên Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri có thể dễ dàng truy cập, theo dõi, nắm bắt.

Ông Nguyễn Văn Phương, cử tri xã Khánh Cường (Yên Khánh) chia sẻ: Theo dõi các kỳ họp Quốc hội gần đây, tôi nhận thấy các vị ĐBQH tỉnh đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia thảo luận, chất vấn... Nhất là đã tích cực chuyển đến Quốc hội những vấn đề mà cử tri Ninh Bình quan tâm kiến nghị, đề xuất như: Những bất cập trong triển khai chương trình và sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân các xã an toàn khu cách mạng… Các kiến nghị của cử tri Ninh Bình đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp thu, xem xét giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Qua đó cũng khẳng định, Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng ngày càng gắn bó với Nhân dân. Tôi tin tưởng, với sự chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thành công của kỳ họp lần này, qua đó cùng với Quốc hội ban hành những quyết sách tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-chuan-bi-chu-dao-cho-ky-hop-thu/d20240516082842479.htm