Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cơ chế bảo vệ khách hàng phải rõ ràng, cụ thể hơn

Chiều 23.11, tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung 1 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách. Bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: khái niệm về vốn điều lệ (Khoản 14, Điều 4); doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng (Điều 145), Chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí (Điều 146), Phân phối lợi nhuận và các quỹ (Điều 148), trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: Thư tín dụng (khoản 25, Điều 4); Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép (Điều 27); Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng (Điều 41); Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 43); Công khai, công bố thông tin (Điều 49)…

Bổ sung khái niệm để xác định “sự kiện bất khả kháng”

Đa số ĐBQH tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài…

Đây là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và liên quan đến nhiều Luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án Dân sự, Luật Doanh nghiệp… Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo với các luật khác sẽ gây nhiều tác động xấu, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm.

Liên quan đến quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Thực tế có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cho rằng, Điều 10 dự thảo Luật chưa chế định cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị, xem xét bổ sung quy định cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể, trong đó cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.

Theo đó, ngoài các nội quy quy định tại Điều 10, cần bổ sung thêm các nội dung sau: Thứ nhất, ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên đại diện cho ngân hàng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng về hoạt động của ngân hàng. Thứ hai, hợp đồng tín dụng, hợp đồng dịch vụ tài chính cần được chuẩn hóa theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thứ ba, cần quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên các nguyên tắc về công bằng, trung thực và đạo đức.

Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm các giải quyết về các vụ việc tranh chấp phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng, tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng liên quan đến Điều 10 dự thảo Luật, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, tại khoản 5, Điều 10, điểm e, khoản 1, Điều 37 và điểm b, khoản 1, Điều 46 dự thảo Luật quy định về “sự kiện bất khả kháng” nhưng chưa có quy định của pháp luật chung về xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng mà chỉ được nhắc tới tại Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đại biểu đề nghị, bổ sung khái niệm trường hợp để xác định sự kiện bất khả kháng hoặc quy định sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/du-thao-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-co-che-bao-ve-khach-hang-phai-ro-rang-cu-the-hon-i350931/