'Friends with benefit' - trào lưu gây nhiều tranh cãi

Họ 'bắt cặp' với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài 'điều khoản thuộc vùng cấm' trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. 'Phong cách bạn bè' này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: 'Friends with benefit'.

Lối sống "thoáng" hay vô trách nhiệm?

Từ hai người xa lạ, chỉ cần "match" nhau (bắt cặp, làm quen) qua mạng xã hội (như Facebook, Zalo,...), hay qua các ứng dụng hẹn hò như: Tinder, Bumble, Litmatch,... đã có thể trở thành "đối tác" trong mối quan hệ "Friends with benefit" (FWB). Thuật ngữ này xuất hiện năm 2011, du nhập từ phương Tây, phổ biến trong giới trẻ, ám chỉ các mối quan hệ đến với nhau để thỏa mãn nhu cầu tình dục, dù trong xã hội đã tồn tại mối quan hệ này từ lâu.

Những lời mời tham gia FWB với lối suy nghĩ buông thả.

FWB được cho là bắt nguồn từ lời bài hát "Head Over Feet" của nữ ca sĩ Alanis Morissette, mô tả người yêu như "bạn tri kỉ với lợi ích". Sau đó, qua sự thành công của hai bộ phim "Friends with Benefit" và "No strings Attached" thì thuật ngữ FWB ngày càng lan truyền rộng rãi. Du nhập vào Việt Nam từ trước năm 2015, nhưng sau đại dịch COVID-19 thì "phong cách sống" này mới thật sự trở nên phổ biến hơn.

Đa số đều không đồng tình, cho rằng FWB làm cho con người "tiến hóa ngược", khi bỏ qua những yếu tố đặc trưng của con người như: trách nhiệm, tình cảm... mà chỉ để thỏa mãn nhu cầu nhục dục. Tuy nhiên, một phần trong giới trẻ hiện nay thì cho rằng FWB giúp giải tỏa được gánh nặng sinh lý mà không cần ràng buộc tình cảm. Họ nghĩ đây là phương án an toàn, văn minh, vì có sự cam kết và tự nguyện của cả hai bên, không vi phạm pháp luật (không phải mua - bán dâm), có thỏa thuận với nhau, hạn chế việc lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn.

Chỉ cần viết "FWB" - viết tắt của cụm từ Friends with benefit trong profile (hồ sơ) của app hẹn hò, hoặc mạng xã hội, thì chỉ ít phút sau, sẽ có những người "cùng nhu cầu" nhắn tin và trao đổi. Những người có nhu cầu tìm FWB thường không dài dòng hay e ngại, mà rất thẳng thắn để nói về nhu cầu của mình. Nhưng, những mối quan hệ này dễ đến thì cũng dễ đi, thường kết thúc sau một hoặc vài lần gặp mặt và quan hệ.

Trong mối quan hệ FWB, tình dục, cảm xúc của đối phương và cảm xúc cá nhân là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu. Sự quan tâm có thể là lời hỏi han, cử chỉ chăm sóc... vì trong mối quan hệ FWB, chắc chắn có một người phải chịu rủi ro về sức khỏe cao hơn, dù đó là mối quan hệ giữa nam - nữ, hay là một cặp LGBT (đồng tính). Bên cạnh việc thỏa mãn khía cạnh "benefit" thì FWB còn cần duy trì bằng việc trò chuyện và những hoạt động như đôi lứa đang yêu nhau, nhưng lại không được nảy sinh tình yêu.

Không ai nói với đối phương về việc "cấm" nảy sinh tình cảm cả. Việc nói như thế là thô lỗ, cả hai chỉ ngầm hiểu điều ấy mà thôi. Hai người cũng có những biện pháp riêng để tránh sa vào lưới tình trong mối quan hệ lãng mạn nhưng không ràng buộc này. Nếu "lỡ" thích đối phương thì cả hai sẽ tìm cách "giải quyết" cảm xúc đó, có thể là hẹn nhau nói chuyện, phân tích rõ ràng, tạm dừng hoặc kết thúc mối quan hệ FWB. N.P.V.K, một sinh viên tham gia FWB chia sẻ quan điểm của mình như thế.

"Đối tác" có người yêu, hay nảy sinh tình cảm với đối phương, hoặc khoảng cách địa lí quá xa, quan điểm sống không phù hợp, chán và muốn đổi "bạn" mới... là những lí do thường thấy khi kết thúc mối quan hệ FWB.

FWB không vi phạm pháp luật nếu các đối tượng trong mối quan hệ này đều đủ tuổi và không bị ép buộc, đe dọa, chưa kết hôn. Điều cốt yếu nhất trong mối quan hệ FWB là sự tự nguyện. Bên cạnh đó, các "đối tác" cần có đủ nhận thức về bản chất của FWB - ưu tiên sự thoải mái và "tiện lợi" hơn, không có sự cam kết về mặt tình cảm và trách nhiệm dài hạn, để không vượt quá ranh giới "bạn giường". Một khía cạnh quan trọng cần chú ý là đạo đức.

Những điều thường thấy trong mối quan hệ FWB là: không yêu, không nảy sinh cảm xúc với đối phương, dừng lại khi đối phương có người yêu, thỏa thuận về biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục với nhau... Vẫn có trường hợp cả hai nảy sinh tình cảm trong mối quan hệ FWB và bước vào mối quan hệ tình yêu, tuy nhiên, những trường hợp thế này khá "hiếm".

Đang trên đường tìm "đối tác" thứ ba trong quan hệ FWB, sinh viên K.T. thẳng thừng: "Có FWB rồi thì thích hơn hẳn có bồ. Chẳng cần hồi hộp, thấp thỏm như khi yêu đương. Chán thì đổi, không sợ mang tiếng "trap girl" (bẫy gái) hay cắm sừng ai". Người tham gia FWB cần phải đủ kiến thức về giới tính, an toàn trong quan hệ tình dục và nhận thức được nhu cầu thực sự của bản thân. Liệu rằng có thực sự cần hoặc nên bước vào mối quan hệ này hay không? Cần nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của FWB (lây lan các bệnh qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn...).

Mất nhiều hơn được!

K.T. cho tôi xem tài khoản Tinder của cô ấy. Không có hình ảnh hở hang lố lăng, đơn thuần là ảnh đọc sách, một số món ăn. Cô thì thầm: "Muốn tìm được những người có tiền, có tri thức thì phải "show" giá trị của mình". Vốn dĩ, không phải là cuộc đổi chác tình - tiền, cả hai bên có quyền tìm người phù hợp với tiêu chuẩn về ngoại hình và học thức...

Trên TikTok, nhiều ý kiến cho rằng FWB là mối quan hệ lệch chuẩn.

Nhiều người tìm đến FWB còn để được tâm sự, đi chơi... để khuây khỏa nỗi cô đơn hoặc để sống thật với "một nhân cách khác của bản thân". Một sinh viên khác, N.P.V.K. chia sẻ, FWB giúp V.K. xả stress hiệu quả và là nơi có thể tâm sự những điều khó nói, không thể kể với những người thân thuộc. Còn M.P, hiện là sinh viên năm 3 của một trường kỹ thuật thuộc top đầu miền Nam chia sẻ rằng chọn FWB vì "ngại yêu" và đang bận, không có thời gian để đầu tư cho một mối quan hệ tình cảm lâu dài.

Không cần chịu trách nhiệm, ràng buộc về tình cảm mà vẫn có thể quan hệ thể xác chính là điều làm cho FWB nhận nhiều ý kiến chỉ trích. Nhưng, đây lại là lý do chính của những người tham gia vào mối quan hệ này. Nhìn chung, cô đơn cùng với không muốn cam kết, gánh vác trách nhiệm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến FWB. Vì FWB là một lối sống "thoáng" nên đã tạo nhiều tranh cãi. Dù là mối quan hệ ngắn hạn, không cam kết, nhưng FWB cũng cần hai người giữ liên lạc với nhau, nếu chỉ gặp một lần rồi kết thúc, thì nó trở thành ONS (one night stand - tình một đêm). Việc có nhiều "đối tác" không phải là điều lạ lẫm trong các mối quan hệ FWB.

Tháng 3/2024, trên nền tảng TikTok từng rầm rộ về một câu chuyện FWB được đương sự chủ động chia sẻ cho một TikToker. Cô gái mang thai 2 lần, chọn cách tung câu chuyện lên mạng xã hội, muốn tạo sức ép để đối phương phải "chịu trách nhiệm". Chàng trai không đồng ý việc kết hôn, mà chỉ đồng ý sẽ chu cấp 3 triệu mỗi tháng, cho đến khi đứa bé 6 tuổi, vì chàng trai đã thích người khác và gia đình truyền thống, không muốn "ăn cơm trước kẻng". Ngoài ra, chàng trai cũng có ý định du học, không muốn có gánh nặng. Kết cục là cô gái ấy có nguy cơ phá thai lần thứ hai ở tuổi 20 và chàng trai kia thì có người yêu mới. Nhưng, lúc phát hiện ra, cái thai đã được 4 tháng tuổi!

Những cuộc vui tàn khi xuất hiện các "hậu quả" ngoài ý muốn (mang thai, bệnh lây qua đường tình dục, lừa gạt...). Hai người trong mối quan hệ đều có trách nhiệm với những hậu quả đó. Bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, những mối quan hệ ngắn hạn và ít trách nhiệm này còn đưa đến hệ lụy về sức khỏe tinh thần. Đối với những người có nhiều mối quan hệ ngắn hạn liên tiếp, họ dễ bị "nghiện" và mất dần sự kiên nhẫn. Và, khi đối diện với việc phải bước vào một mối quan hệ dài hạn, có sự cam kết, họ dễ tự ti, không đủ dũng khí. Dù FWB được gắn mác để bù đắp sự cô đơn và tổn thương, nhưng xét đến cùng, thì thực sự nó có bù đắp được sự cô đơn hay không, hay chỉ tạo ra cái hố ngày càng lớn trong tâm hồn những kẻ tự thấy mình là "người cô đơn"? Rõ ràng, tham gia vào mối quan hệ FWB sẽ mất nhiều hơn được.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/friends-with-benefit-trao-luu-gay-nhieu-tranh-cai-i730079/