'Gác lại quá khứ '

Suốt thời gian qua mà nhất là mỗi dịp lễ chiến thắng lớn của dân tộc Việt Nam, nhiều người có lương tri cả hai bên cuộc chiến đều kêu gọi phải “gác lại quá khứ” đau thương để hướng tới tương lai tươi sáng cho đất nước. Đây không những là sự thể hiện trí sáng suốt và tình cảm rộng lớn, mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người đối với lợi ích chung. Thế nhưng, một số ít người của cả hai phía liên tục khuấy động sự thù hận nhân danh yêu nước “chân chính” hay lập trường “vững chắc”, “trước sau như một”. Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm vấn đề để tìm ra được chân giá trị của nó.

Hiểu một cách nôm na, gác lại là tạm để sang một bên, chưa dùng đến hoặc không nghĩ đến, không nhắc việc ấy nữa. Còn quá khứ là những gì đã qua, đã xảy ra. Quá khứ có những chuyện buồn, chuyện vui, những kỷ niệm đẹp hoặc đau thương. Gác lại quá khứ là để lại, không muốn nhắc lại những nỗi đau thương và thù hận nữa. Cũng cần phải lưu ý là gác lại quá khứ không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ. Càng không phải là sự xóa, cắt những trang lịch sử. Lịch sử là một chuỗi sự kiện đã qua và nó ảnh hưởng đến tương lai thông qua hiện tại. Thông qua các sự kiện của quá khứ, con người có thể nhận thức và hành xử đúng đắn hơn đối với hiện tại và tương lai.

Lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ mà nhất là giai đoạn cận và hiện đại có những trang bi hùng, trong đó không ít những chuyện đau thương. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thời kỳ cận và hiện đại, Việt Nam buộc phải đương đầu với một số thế lực cầm quyền cực tả ở Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Campuchia và Trung Quốc. Dĩ nhiên, lượng người có liên quan cuộc chiến tùy thuộc vào phạm vi và thời gian của nó. Cần khẳng định rằng, đây là những cuộc chiến do nhóm người cầm quyền phát động mà ngay các lực lượng yêu nước của đất nước họ cũng phản đối. Ngày nay, các nước này đã có quan hệ ngoại giao và trong số đó có mức quan hệ cấp chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Trong những cuộc chiến được nêu trên, có lẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dấu ấn sâu đậm và nặng nề nhất. Thời gian kéo dài 20 năm và lượng người Việt Nam khá đông có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với tính chất phức tạp “địch - ta” ngay trong từng gia đình. Do vậy khi đánh giá về sự chiến thắng cuộc chiến, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Có triệu người vui, triệu người buồn”. Dù đã trải qua nửa thế kỷ, “vết thương” cuộc chiến vẫn còn âm ỉ và đôi khi bột phát bởi một số người nhân danh yêu nước “chân chính” hay lập trường “vững vàng”. Họ khai thác, khoét sâu, lặp đi lặp lại, đẩy cao những sự việc, sự kiện “tắm máu”, đày ải của hai phía “cựu thù” để “nung nấu” ý chí căm thù, phục hận. Họ “giương cao ngọn cờ yêu nước”, lên án người khác “thiếu lập trường”, không “vững vàng” để che giấu tình cảm nhỏ nhen và sự ích kỷ của bản thân họ. Đó là một loại tình cảm mang đầy thù hận mà họ đang khuếch tán và gieo vào lòng các thế hệ trẻ Việt Nam cả trong nước hay đang ở nước ngoài. Và, chắc chắn đó không thể là tinh thần yêu nước. Yêu nước hay lập trường vì Việt Nam và dân tộc Việt Nam một cách đúng đắn phải là “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Lịch sử Việt Nam há chẳng có bài học quý đó sao. Trong cuộc chiến giữa nhà Minh và Đại Việt, Lê Lợi (và Nguyễn Trãi) đã “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, hòa hiếu với kẻ thù và chỉ ra điểm căn cốt khi căn dặn các tướng sĩ của mình: “Cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất cho ta, không xâm phạm bờ cõi của ta, đó là điều ta cần” (Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn). Cả dân tộc Việt Nam “xuống đường”, “hành quân” là để đập tan mọi “xích xiềng”; là để cứu nước thoát khỏi họa ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, thịnh vượng và hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam. Tinh thần ấy là nỗi niềm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Khi cuộc chiến ấy kết thúc, những người con đất Việt phải có trách nhiệm viết tiếp trang sử Việt Nam trong thời đại mới.

Các thế hệ cha anh đã rửa xong nỗi nhục mất nước, các thể hệ trẻ phải xóa nỗi nhục của một nước nghèo. Đó chính là lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam và là điểm tương đồng đối với mọi thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Theo đó, “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai” đã được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tái khẳng định tại buổi tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Đó chính là chân giá trị mà người yêu nước chân chính phải ghi nhớ và xem như kim chỉ nam cho hành động của mình. Làm ngược lại với điều ấy, những câu khẩu hiệu “yêu nước” chỉ là những “câu ca” sáo rỗng, “đầu môi chót lưỡi’ và dối trá, gây hại.

Giống như cuộc đời mỗi người, đất nước cũng trải qua những bước thăng trầm, vinh - nhục, chiến thắng và thất bại. Dưới sự lãnh đạo của lực lượng yêu nước, các tầng lớp nhân dân đã tự nguyện tham gia để mưu cầu độc lập. Và chính độc lập là tiền đề cho tự do, hạnh phúc. Xét cho cùng, vươn đến độc lập, tự do, thịnh vượng, hạnh phúc cho mỗi người và đất nước là khát vọng sâu xa nhất của mọi người. Nhưng, “cây hạnh phúc” làm sao có thể ra hoa kết quả trên mảnh đất thù hận. Vì vậy, việc “Gác lại quá khứ” để cùng nhìn về tương lai tốt đẹp là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của những người yêu nước chân chính. Và, người có lương tri đã và sẽ nhận ra được chân giá trị này.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/-gac-lai-qua-khu--122336.aspx