Giá vé máy bay và nỗi lo du lịch nội địa

Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, chỉ một mắt xích trong chuỗi cung ứng đó, cụ thể ở đây là vé máy bay, chưa có sự liên kết nhịp nhàng nên khó có thể tạo được kết quả như kỳ vọng. Khi nút thắt giá vé máy bay chưa được giải quyết, chúng ta vẫn lo cho du lịch nội địa.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm nay cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch, cho thấy sự phục hồi và phát triển tốt của thị trường du lịch Việt Nam.

Theo nhận định của Cục Du lịch quốc gia, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3, Mỹ ở vị trí thứ 4...

Châu Á là khu vực dẫn đầu với mức tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính: Trung Quốc tăng 394,9%, Hàn Quốc tăng 49,6%, Nhật Bản tăng 47,2%... Nhờ chính sách thị thực thông thoáng, các thị trường khách từ châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm. Hàng loạt địa phương tổ chức các lễ hội du lịch lớn nhằm quảng bá thu hút khách trong hè như Festival biển Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa); lễ hội Hoa phượng đỏ (Hải Phòng)… Tuy nhiên, do vé máy bay nội địa cao nên mặc dù sắp bước vào mùa du lịch chính trong năm nhưng các đơn vị kinh doanh vẫn thấp thỏm đợi khách.

Đại diện một công ty lữ hành ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, du khách Việt có xu hướng so sánh giá cả. Nếu chi phí cho tour trong nước chỉ rẻ hơn vài triệu đồng so với tour nước ngoài họ sẽ lựa chọn vi vu nước ngoài. Thực tế trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho thấy, các tour đường bộ đến Trung Quốc, Thái Lan… được ưu tiên lựa chọn, trong khi nhiều điểm đến vốn được yêu thích ở trong nước như Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Yên… lại đìu hiu.

Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu các địa phương chung tay triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”.

Việc Chính phủ quyết định cho phép làm bù để kéo dài kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 lên 5 ngày liên tiếp cũng là điều kiện tốt đối với người làm du lịch. Song, du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, chỉ một mắt xích trong chuỗi cung ứng đó, cụ thể ở đây là vé máy bay, chưa có sự liên kết nhịp nhàng nên khó có thể tạo được kết quả như kỳ vọng. Khi nút thắt giá vé máy bay chưa được giải quyết, chúng ta vẫn lo cho du lịch nội địa.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-ve-may-bay-va-noi-lo-du-lich-noi-dia-post737835.html