Giải mã hiện tượng vàng nóng ngoài thị trường, nguội lạnh trên sàn đấu thầu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải pháp đấu thầu vàng, nhưng không khí trên sàn đấu thầu khá nguội lạnh tạo ra nghịch lý, trái ngược hoàn toàn với diễn biến của thị trường vàng bên ngoài. Trong đó, có nhiều lý do cho hiện tượng này gồm cả các yếu tố chủ quan lẫn các diễn biến khách quan hiện tại của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Thị trường vàng bên nóng bên lạnh

Sau một số phiên đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục đích tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường, diễn biến các phiên đầu thầu cho thấy, các đơn vị tham gia đấu thầu vẫn có thái độ khá dửng dưng. Trong khi đó, bầu không khí trái ngược diễn ra ngoài thị trường khi vàng miếng SJC tiếp tục tăng giá và thiết lập các kỷ lục mới về giá.

NHNN cho biết, hoạt động đấu thầu vàng đang được cơ quan này triển khai nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền qua thị trường mở

Giai đoạn cuối tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một số phiên bơm mạnh tiền qua thị trường mở thông qua mua tín phiếu. Chẳng hạn trong phiên 23/4, NHNN mua vào lượng tín phiếu trị giá lên tới 36 nghìn tỷ đồng, các phiên 24 và 25/4 tiếp tục mua vào mỗi phiên 25 nghìn tỷ đồng, phiên 26/4 mua vào hơn 23 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, động thái bơm tiền của NHNN trên thị trường mở đã có phần chững lại vào đầu tháng 5/2024.

Cho đến thời điểm này, chỉ mới có 1 phiên đấu thầu diễn ra thành công, trong khi một số phiên khác dự kiến tổ chức đã không thực hiện được do không đủ số thành viên đăng ký và đặt cọc, hoặc có phiên chỉ có một thành viên nộp phiếu dự thầu. Một phiên duy nhất thành công có kết quả 34 lô vàng miếng SJC được bán, tương ứng với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay cả với phiên đấu thầu thành công duy nhất này thì tổng lượng bán bán được cũng chỉ tương đương khoảng hơn 20% tổng lượng vàng được đưa ra đấu thầu.

Trong khi đó, trái ngược với bầu không khí nguội lạnh trên sàn đấu thầu, thị trường vàng miếng SJC bên ngoài lại tiếp tục nóng lên và thiết lập kỷ lục mới. Đến thời điểm sáng ngày 7/5, vàng miếng SJC bên ngoài thị trường đã cán mốc 84,6 triệu đồng/lượng mua vào và 86,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Biến động giá vàng miếng ngoài thị trường cho thấy, chênh lệch của loại vàng này so với giá các loại vàng khác và giá vàng thế giới sau một số phiên đấu thầu vàng vẫn chưa được khắc phục. Với mức giá tại thời điểm sáng ngày 7/5, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn vàng nhẫn khoảng 11,6 triệu đồng lượng. Mức chênh lệch này tuy đã thấp hơn thời điểm nửa cuối năm 2023, nhưng cũng đang có xu hướng giãn ra so với thời điểm đầu tháng 4, khi đó có lúc chênh lệch 2 loại vàng này đã xuống dưới 10 triệu đồng/lượng.

Thế khó ở cả trong lẫn ngoài

Mổ xẻ nguyên nhân về thực trạng các đơn vị tham gia đấu thầu tỏ ra không nồng nhiệt với hoạt động đấu thầu, cũng có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng, giá khởi điểm mà NHNN đưa ra để đấu thầu vẫn còn cao, chưa hấp dẫn các thành viên, trong khi cũng có ý kiến cho rằng, khối lượng đặt thầu tối thiểu là 1.400 lượng vàng là khá lớn, dẫn đến việc hạn chế khả năng dự thầu của các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi tham đấu thầu thì mục tiêu của các doanh nghiệp là lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận đó nếu không đạt theo kỳ vọng thì cũng khó thu hút để họ tham gia. Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng họ cũng chưa thực sự thiếu vàng SJC như chúng ta tưởng.

Mặc dù vậy, thời gian qua đúng thời điểm NHNN tổ chức các đợt đấu thầu thì thị trường cũng đối diện với một số biến động khác, đặc biệt là dòng tiền đã có xu hướng khan hiếm hơn so với thời điểm đầu năm 2024.

Một trong những tín hiệu cho thấy dòng tiền có phần không còn dồi dào là lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã tăng khá cao. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức 4,31%, cao hơn khá nhiều so với thời điểm vùng đáy của lãi suất này hồi tháng 3/2024, khi có lúc xuống chỉ còn 0,13%. Trong khi đó, nhiều tín hiệu khác về dòng tiền đang không còn dồi dào cũng thể hiện khá rõ qua việc nhiều ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động trong giai đoạn trước và sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Trong khi đó, NHNN trong một số phiên đã phải bơm mạnh tiền qua thị trường mở.

Trong khi đó với yếu tố bên ngoài, giá vàng thế giới cũng vừa trải qua những nhịp điều chỉnh khá mạnh. Sau khi vượt mốc 2.400 USD/ounce, giá vàng thế giới đã có một số phiên rơi rất mạnh trong giai đoạn từ 19 - 23/4, sau đó diễn biến theo xu hướng trồi sụt thất thường. Đặc biệt sau phiên họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc hôm 1/5, giá vàng thế giới cũng bị bán mạnh và điều chỉnh giảm sâu có lúc về chỉ còn 2.287 USD/ounce. Đến thời điểm này, giá vàng thế giới đã phục hồi phần nào sau đợt điều chỉnh những ngày đầu tháng 5, nhưng xu hướng sắp tới cũng không dễ phán đoán./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ma-hien-tuong-vang-nong-ngoai-thi-truong-nguoi-lanh-tren-san-dau-thau-150271-150271.html