Hiểu đúng về hầu đồng cùng ý nghĩa văn hóa tốt đẹp

Không ít người hiểu chưa đúng về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của Người Việt, trong đó có cả những người đang phụng hành. Thật khó để tín ngưỡng này có thể trường tồn, nếu hiểu sai và thực hành sai.

Hầu đồng và tháng 3 âm lịch

Bản thân lên đồng không phải là một tín ngưỡng độc lập mà chỉ là một nghi lễ, một nghi lễ đặc trưng nhất của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Những tín đồ của tín ngưỡng (Thanh đồng) sẽ thờ phụng những Thiên Thần (mẹ thiên nhiên: trời, đất, nước, rừng núi) hoặc Nhân Thần - nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân tộc, được suy tôn là Thánh, Thần.

Nghệ nhân Đạo Mẫu Nguyễn Văn Phi (Khoái Châu - Hưng Yên) - Thành viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam - loan giá phụng hầu, cung nghinh chúc Thánh, nhân tiệc Mẫu tháng 3 âm lịch

Hầu đồng có lịch sử lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Nghi lễ này được thực hiện trong một không gian đặc biệt, như đền, phủ, điện. Hầu đồng là hình thức tưởng nhớ, tôn trọng và tái hiện lại các tích của những nhân vật được thờ phụng. Từ đó, nhằm mưu cầu những điều tốt đẹp, như: xua đuổi tà ma, cầu công danh, tài lộc, sức khỏe,… Âu cũng là lẽ thường tình, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của con người.

Có thể thấy, hầu đồng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Do đó, ngày nay, nhiều tín đồ coi hầu đồng là một Đạo - Đạo Mẫu - Mặc dù, cuối năm 2016, UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, tín ngưỡng này vẫn chưa chính thức được nhà nước công nhận là một Đạo.

“Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ” hay “Tháng 8 tiệc Cha, tháng 3 tiệc Mẫu”, câu thành ngữ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này. Theo quan niệm dân gian, nếu ngày 25 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Vua cha Bát Hải Đại vương; và ngày giỗ Đức Thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch), lần lượt được thờ chính ở đền Đồng Bằng (Thái Bình) và đền Kiếp Bạc (Hải Dương), thì tháng 3 âm lịch, người dân đổ về Phủ Dầy (Nam Định) và các đền, điện thờ Mẫu khác để giỗ Mẹ là Thánh mẫu Liễu Hạnh (mùng 3 tháng 3), vị thần chủ của Đạo Mẫu. Bên cạnh đó, tháng 3 âm lịch cũng là tháng tiệc của một số vị Thánh khác, kể đến như: Tiệc Cô Bé Cửa Suốt (2/3); Tiệc Đức Ông Đệ Nhị Hưng Hiến Vương (Đức Thánh Phó - 6/3); Tiệc Cậu Bé Đồi Ngang (Cậu Bé Quận - 7/3); Tiệc Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (14/3); Tiệc Chầu Tám Bát Nàn (17/3)…

Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị Thánh Tứ bất tử. Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu, rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ-tát.
Bà chính là vị Thánh Mẫu - Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên - đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu - có quyền năng cai quản bầu trời, làm chủ các thế lực siêu nhiên (mây mưa, gió bão, sấm chớp,…) Nhiều làng xã và các đô thị ở phía Bắc Việt Nam đều có đền thờ bà, trong đó có di tích Phủ Dầy, ngụ tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ngoài ra, Mẫu còn được thờ tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Sòng (Thanh Hóa),…

Mỗi năm vào tháng 3 âm lịch, các tín đồ của đạo Mẫu sẽ tổ chức nghi lễ giỗ Mẫu, trong đó lên đồng, được xem là một trong những nghi lễ quan trọng nhất. Từ âm nhạc, trang phục đến diễn xướng của các Thanh đồng, tất thảy đều được chuẩn bị cẩn thận. Sự kỳ ảo của tâm linh huyền bí tạo nên một không khí đặc biệt, làm nên vẻ đẹp và giá trị văn hóa độc đáo của người Việt. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rằng, nghi lễ này thực sự là bảo tàng sống của văn hóa Việt.

Nghệ nhân Đạo Mẫu Nguyễn Văn Phi - Thành viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, cho biết: “Việc hầu đồng có ý nghĩa văn hóa tốt đẹp, bày tỏ lòng thành kính, tôn vinh, biết ơn sâu sắc tới những vị Thần linh. Từ đó, mong cầu những điều tốt đẹp, Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,… Đây cũng được xem là hình thức giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ sau. Tháng 3 âm lịch, là tháng đặc biệt với Thanh đồng chúng tôi, là tháng tiệc Mẫu Liễu Hạnh và một số vị Thánh khác. Do đó, chúng tôi thường tổ chức các buổi hầu đồng và những hoạt động lễ hành hương, bái yết tại các đền, phủ, trong đó có phủ Dầy - Nam Định, nhằm tưởng nhớ công đức của Mẫu và cầu mong những điều tốt lành.”

Hầu đồng cốt ở lề lối, tránh lãng phí

Theo tìm hiểu, trước đây, điều kiện các Thanh đồng còn khó khăn, các vấn hầu thường được sắm sửa gọn nhẹ, trang phục hầu rất giản đơn: một bộ áo nâu, các dải lụa thắt lưng, một tấm khăn phủ diện màu đỏ. Lộc hầu đồng cũng không cao sang.
Ngày nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, do vậy, Thanh đồng sắm lễ sang trọng hơn, trang phục hầu cũng đầy đủ và đẹp hơn, lộc hầu giá trị. Theo quy luật phát triển của xã hội, điều này là chính đáng, hợp thời. Tuy nhiên, cần hạn chế, tránh chạy đua, gây lãng phí, tốn kém. Đó là lớp thượng lưu, còn với một số Thanh đồng tầm trung trở xuống, tuy vấn hầu có đầy đủ hơn xưa, nhưng điều kiện kinh tế hạn hẹp, họ cũng chỉ sắm sửa vừa túi tiền.

Việc Thánh, Thần có chứng giám hay không, thì khoa học chưa chứng minh được. Tuy nhiên, xét theo góc độ đức tin chính đáng, thì những vật phẩm cao sang mà Thanh đồng dâng lên lễ Thánh, phần nào phản ánh lòng thành kính. Dù vậy, không có nghĩa vật phẩm ít tiền, đơn giản, là lòng thành không đầy đặn. Dù sao, cốt vẫn là ở tấm lòng.

“Hiện nay, nhiều Thanh đồng giàu có hầu Thánh, sắm sửa đàn lễ to, tung tiền, tán lộc mạnh tay; và đã trở thành trào lưu, gọi nôm na là đua đồng, đua bóng. Nhưng họ đâu biết, việc này vô hình trung, khiến một số Thanh đồng khác, trong đó có Thanh đồng trẻ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nảy sinh tâm lý e ngại, tự ti khi hầu đồng. Về lâu về dài, tôi nghĩ, là không nên. Điều này có thể sẽ là tác nhân gián tiếp, làm mất đi nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng.” - Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi bộc bạch.

Có thể thấy, việc sắm lễ cho một vấn hầu ít nhiều, to nhỏ, không phải là thước đo tâm đức của Thanh đồng với Thánh, Thần. Dù điều kiện kinh tế có khá giả, cũng không nên lãng phí. Chất và lượng cần song hành, cốt tập trung vào lề lối, tránh biến tướng. Tôn trọng những nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, là điều căn bản, giúp tín ngưỡng này phát triển đúng và trường tồn cùng dân tộc.

Video Nghệ nhân Đạo Mẫu Nguyễn Văn Phi loan giá phụng hầu

Bình An

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hieu-dung-ve-hau-dong-cung-y-nghia-van-hoa-tot-dep-a24637.html