Hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội

Sáng 25.7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ 'Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện' tổ chức Hội thảo 'Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội'.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển và Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội Hoàng Nam Hải - Chủ nhiệm Đề tài, đồng chủ trì Hội thảo.

Vụ trưởng Vụ Tư pháp Hoàng Nam Hải phát biểu khai mạc

Vụ trưởng Vụ Tư pháp Hoàng Nam Hải phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Tư pháp Hoàng Nam Hải cho biết, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội đang nổi lên là phương thức rất hữu hiệu trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản tăng thêm mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đây cũng là nội dung được khuyến nghị trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Theo Vụ trưởng Vụ Tư pháp, ở Việt Nam, vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội tuy đã được đặt ra từ Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21.8.2006, Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết này cũng đã được cụ thể hóa tại Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; pháp luật cũng đã có một số quy định trong việc xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu hồi tài sản vô chủ...

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật cho thấy, còn nhiều trường hợp không thể thu hồi được tài sản, vụ việc tham nhũng, kinh tế thu hồi đạt tỷ lệ thấp. Do đó, việc triển khai Đề tài cấp Bộ “Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” là cần thiết.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Theo các đại biểu tại hội thảo, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là một trong những biện pháp đột phá được pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận và đạt hiệu quả trong nhiều bối cảnh, nhất là đối với những vụ việc lớn và phức tạp, khi tịch thu hình sự là không thể hoặc không có.

Để hình thành cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội, các đại biểu cho rằng, cần đáp ứng các yêu cầu, như: bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền con người, tính khả thi của cơ chế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu cũng kiến nghị, muốn hiện thực hóa cơ chế này, trước hết việc hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội cần đặt trong nỗ lực chung nhằm cải cách tổng thể, toàn diện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cả hệ thống pháp luật nói chung. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội để triệt tiêu ngay từ đầu nguy cơ hình thành tài sản, thu nhập bất minh. Các cơ quan, bộ, ngành có thẩm quyền tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoan-thien-phap-luat-ve-thu-hoi-tai-san-bi-that-thoat-chiem-doat-khong-qua-thu-tuc-ket-toi-i337906/