Kết nối OCOP với du lịch, nâng tầm thương hiệu nông sản Quảng Ninh

Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP) tại Quảng Ninh đã từng bước tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu nông sản riêng của Quảng Ninh.

Sản phẩm miến dong Bình Liêu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Nguồn: BQN)

Sản phẩm miến dong Bình Liêu được người tiêu dùng ưa chuộng. (Nguồn: BQN)

Năm 2013, khi phát động Chương trình OCOP, Quảng Ninh đã xác định, đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

"Người bạn" đồng hành của nông dân

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Chương trình này. Trong 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP với trên 210 sản phẩm.

Trong đó, không ít sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường ngoài nước như: Gốm Quang Vinh, nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu... Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.

Sau 10 năm thực hiện OCOP, Quảng Ninh có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia, trong đó có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao (246 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao).

Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (gồm 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất) và khoảng 30 trung tâm, điểm bán hàng OCOP.

Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng, mẫu mã tốt, có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

Trong những năm gần đây, tỉnh đã và đang ưu tiên phát triển du lịch, kết nối điểm, tuyến du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng, nhằm nâng cao giá trị nông sản, góp phần quảng bá, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho điểm đến du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình đã trở thành "người bạn" đồng hành của người nông dân, góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được đẩy mạnh quảng bá qua các sự kiện, lễ hội du lịch lớn của tỉnh như Tuần Du lịch Hạ Long, lễ hội văn hóa của các địa phương. (Nguồn: BQN)

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được đẩy mạnh quảng bá qua các sự kiện, lễ hội du lịch lớn của tỉnh như Tuần Du lịch Hạ Long, lễ hội văn hóa của các địa phương. (Nguồn: BQN)

Tạo dựng thương hiệu nông sản

Với mục đích tạo dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh và phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh đã chọn giải pháp trọng tâm quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Ngay từ đầu mùa du lịch năm 2023, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh... nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đông du khách.

Trong đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP đang tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP còn được chú trọng giới thiệu tại các lễ hội du lịch thường niên của các địa phương trong tỉnh và các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch trong và ngoài nước…

Đồng thời, tỉnh tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.

Từ đó, Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất...

Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn khẳng định, với những lợi thế sẵn có, Quảng Ninh chú trọng triển khai kết nối các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP đang tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh.

Được biết, Quảng Ninh phấn đấu, đến hết năm 2025, có khoảng từ 8 đến 10 sản phẩm OCOP đạt năm sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc và xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Để nâng tầm thương hiệu nông sản, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, để phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản bền vững.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-noi-ocop-voi-du-lich-nang-tam-thuong-hieu-nong-san-quang-ninh-253046.html