Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Đó là đề nghị của Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) khi thảo luận trước Quốc hội. Theo Đại biểu, nếu quy định cứng trong Luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là ở các thành phố lớn.

Ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục… phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng, không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định cư ở nơi khác.

Do đó, theo Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.

Ngoài ra, Đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo Luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.

Về tài sản gắn liền với đất thuê tại khoản 2 Điều 34, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản Nhà nước, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, hiện đang có 2 phương án, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1. Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển.

Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.

Cũng quan tâm dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho biết, nghiên cứu dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này, Đại biểu nhận thấy, còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật.

Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn.

 Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) tham gia thảo luận.

Đại biểu nêu rõ, khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, song trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đại biểu cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 65 của dự thảo Luật quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Trường hợp quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-nen-quy-dinh-cung-dieu-kien-tai-dinh-cu-trong-luat-dat-dai-sua-doi-post271001.html