Kinh tế Nhật Bản bị thu hẹp vì lý do này

Ngày 16/5, chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.

Kinh tế Nhật Bản giảm nhanh hơn dự đoán. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế Nhật Bản giảm nhanh hơn dự đoán. (Nguồn: Reuters)

So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%.

Như vậy, kinh tế Nhật Bản trong quý I/2024 giảm sâu hơn các mức dự báo trước đó của các nhà kinh tế. Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản dự báo mức giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,29% so với quý trước đó.

Nhà kinh tế Yoshiki Shinke tại Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life cho rằng, kinh tế Nhật Bản thu hẹp là do là sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất ô tô, sau vụ bê bối tại Daihatsu Motor Co.

Theo nhà kinh tế này, việc Daihatsu, một công ty con của Toyota Motor Corp., ngừng sản xuất đã đè nặng lên doanh số bán ô tô, xuất khẩu và đầu tư vốn của tập đoàn này.

Daihatsu đã đình chỉ hoạt động của các nhà máy trong nước sau khi thừa nhận gian lận dữ liệu an toàn đối với hầu hết các mẫu xe của hãng hồi tháng 12/2023.

Quyết định của Daihatsu đã khiến sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 1 sụt giảm và gây quan ngại về mức độ an toàn của các mẫu xe thuộc tập đoàn Toyota.

Tình hình kinh tế ảm đạm, đặc biệt là mức tiêu dùng yếu, đang gây ra tâm lý hoài nghi về việc liệu BoJ có thể thực hiện các bước tiếp theo hướng tới bình thường hóa chính sách sau đợt tăng lãi suất lịch sử vào tháng Ba hay không.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã từ bỏ chính sách lãi suất âm vào tháng 3/2024 và là lần tăng lãi suất đầu tiên của họ trong 17 năm.

Các nhà kinh tế phần lớn dự báo BoJ sẽ tiếp tục hướng tới một đợt tăng lãi suất khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế sẽ phục hồi trong quý II/2024, khi sản lượng ô tô phục hồi và mức lương tăng cao nhất trong ba thập kỷ thúc đẩy lòng tin tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn có những nguy cơ suy giảm. Các khoản trợ cấp nhằm hạn chế đà tăng của chi phí sinh hoạt sẽ kết thúc vào cuối tháng Năm.

Ngoài ra, sự suy yếu của đồng Yen có thể làm tăng thêm nỗi lo của người mua hàng do chi phí nhập khẩu năng lượng và thực phẩm cao hơn.

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-nhat-ban-bi-thu-hep-vi-ly-do-nay-271525.html