Kinh tế Thái Nguyên thời nhà Lý

Sử sách cho biết, từ thời nhà Lý đã có những việc kinh doanh trên đất Thái Nguyên như khai kênh rạch, nối sông Cà Lồ với sông Cầu để đi lại và dẫn thủy nhập điền, tổ chức các trạm giao thông liên lạc từ Thăng Long tới Thái Nguyên và từ Thái Nguyên đi các địa phương.

Sử sách cho biết, từ thời nhà Lý đã có những việc kinh doanh trên đất Thái Nguyên như khai kênh rạch, nối sông Cà Lồ với sông Cầu để đi lại và dẫn thủy nhập điền, tổ chức các trạm giao thông liên lạc từ Thăng Long tới Thái Nguyên và từ Thái Nguyên đi các địa phương.

Điều đó chứng tỏ việc quản lý được tổ chức khá chu đáo. Những con đường vận chuyển hàng hóa cũng hình thành từ đầu thiên niên kỷ. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép rằng: Triều Lý khai hai sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh đến Bình Lỗ, thông với Bình Than để tiện đi lại ở Thái Nguyên, lại đặt 7 trạm cư dân ở Bạch Thông, Cảm Hóa để làm nơi người Man di trú nghỉ. Thế là một dải sơn cước ở Thái Nguyên dần dần có thể thông hành được. Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính, mầu mỡ, ruộng thì vào hạng hạ hạ (ruộng loại rất xấu); Bạch Thông có quế, nhung sâm và da thú. Định Hóa có bạc, đồng, chì, vàng, huyện Đại Từ có trăn, huyện Phổ Yên có vượn trắng, huyện Đồng Hỷ có cá, ngọc châu và nhiều thứ. Trong các triều đại sau, kinh tế Thái Nguyên lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, bên cạnh đó còn có các nghề khai thác khoáng sản, lâm sản, buôn bán, trao đổi với miền xuôi và các tỉnh thượng du.

Trong nông nghiệp, nghề trồng lúa nước và nghề làm nương rẫy để sản xuất ra lương thực giữ vai trò chủ yếu. Bên cạnh trồng cây lượng thực, người dân Thái Nguyên còn trồng và chế biến chè, trồng dâu nuôi tằm, nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề chài lưới, khai thác sản vật của núi rừng.

Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh khai mỏ quan trọng nhất ở Việt Nam thời đó. Nhà nước cũng đã định ra chế độ lãnh chung, tức là đấu thầu và đánh thuế bằng hiện vật hoặc bằng tiền đối với các mỏ.

Đối với việc khai thác lâm sản, Nhà nước định mức giao nộp theo nghĩa vụ, coi như hình thức thuế hiện vật và tùy theo sản vật của từng vùng mà thu bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Sách Đồng Khánh dư địa chí ghi rõ tình hình kinh tế Thái Nguyên thời kỳ này như sau: Ruộng đất công tư có nộp thuế: 52.869 mẫu 4 sào 14 thước 1 tấc. Ngoài ra còn hai tổng Thượng Quan, Kim Mã phủ Thông Hóa đã đổi thuộc tỉnh Cao Bằng, số ruộng đất hai tổng ấy là 1.664 mẫu 2 sào 2 thước 9 tấc. Thuế ruộng đất cả năm là; 8.511 quan 6 tiền 55 đồng. Trong tỉnh có bốn mỏ vàng, thuế cả năm nộp bằng vàng 49 lạng. Nhiều lúa thu, ít lúa hè, ngô, đậu, rau, dưa, quả ở đâu cũng có. Gỗ có đủ 4 loại tốt: Lim, đinh, sến, táu rải rác ở các huyện. Chim trĩ, gà lôi có ở Bạch Thông, Cảm Hóa; chim công có ở Võ Nhai, Phú Lương. Năm thứ kim loại (vàng, bạc, đồng, sắt, chì) trong tỉnh đều có.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202312/kinh-te-thai-nguyen-thoi-nha-ly-f1c0ac7/