Kinh tế thế giới nổi bật (10-16/5): Nga kiên định mục tiêu thứ 4 toàn cầu, Trung Quốc phản ứng mạnh việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu xe điện

Nga quyết tâm với dự án quốc gia mới 'Nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh', Tổng thống Biden đón tin vui với chỉ số CPI, Trung Quốc phản ứng gắt việc Mỹ tăng thuế nhập xe điện… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nga quyết tâm với dự án quốc gia mới ‘Nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh’. (Nguồn: Bloomberg)

Nga quyết tâm với dự án quốc gia mới ‘Nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh’. (Nguồn: Bloomberg)

Kinh tế thế giới

G7 sẽ thảo luận về rủi ro phân mảnh của thương mại toàn cầu

Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti, các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại nước này trong tuần tới để thảo luận về rủi ro phân mảnh của thương mại toàn cầu sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Cuộc họp trong hai ngày 24-25/5 phản ánh sự phân mảnh của thương mại toàn cầu, với các động thái mới nhất của Mỹ cho thấy nước này đã thực hiện các biện pháp rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Giorgetti cho rằng, cuộc chiến thương mại đang diễn ra là do những căng thẳng địa chính trị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/5 thông báo tăng mạnh thuế đối với xe điện, chip và hàng loạt hàng hóa khác từ Trung Quốc, đồng thời giữ nguyên lệnh áp thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Các biện pháp đánh thuế mới sẽ được áp dụng với 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thép, nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin năng lượng Mặt trời và cổng trục giàn (cẩu chuyên dùng để nâng hạ, xếp dỡ container tại các cảng biển, bến bãi).

Theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin năng lượng Mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.

Ngoài ra, ông Biden giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm là Donald Trump đưa ra.

Mỹ

* Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 15/5, lạm phát tiêu dùng của nước này đã giảm nhẹ trong tháng 4/2024. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 vừa qua đứng ở mức 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tương ứng của tháng 3.

Kết quả trên phù hợp với dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones Newswires và The Wall Street Journal.

Dữ liệu này ủng hộ thông điệp của chính quyền Tổng thống Biden rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi có vẻ đã “xoa dịu” được phần nào mối lo ngại của người tiêu dùng về tác động của việc tăng giá.

Trung Quốc

* Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, quyết định tăng thuế của Mỹ đã vi phạm cam kết của Tổng thống Joe Biden về việc "không tìm cách chèn ép, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc" và "không tìm cách tách rời, cắt đứt chuỗi liên kết với Trung Quốc", cũng không phù hợp với tinh thần các đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đạt được và "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí hợp tác song phương".

Cơ quan này cho biết, Trung Quốc "kiên quyết phản đối và giao thiệp nghiêm khắc" trước động thái này của Mỹ, đồng thời tuyên bố "sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

* Phần lớn giá hàng hóa chủ chốt được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) theo dõi vào đầu tháng 5/2024 đều tăng cao hơn so với cuối tháng 4/2024.

Theo NBS, trong số 50 mặt hàng chủ chốt được phân loại thành 9 loại, 29 mặt hàng có giá tăng trong giai đoạn này, 20 mặt hàng có giá giảm và một mặt hàng giá không đổi.

Những số liệu này được công bố 10 ngày một lần, dựa trên khảo sát gần 2.000 nhà bán buôn và nhà phân phối tại 31 khu vực cấp tỉnh trên cả nước.

* Các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc là AliExpress và Temu ngày 13/5 đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) để tăng cường giám sát việc bán những sản phẩm có khả năng gây hại trên các nền tảng thương mại điện tử này.

Theo thỏa thuận, AliExpress và Temu đồng ý tăng cường giám sát việc bán các sản phẩm có hại hoặc nguy hiểm trên nền tảng tương ứng của họ. Thỏa thuận an toàn tự nguyện là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này được ký kết giữa chính phủ Hàn Quốc và nhà điều hành kinh doanh nền tảng thương mại điện tử nước ngoài.

Châu Âu

* Ngày 13/5, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua việc đình chỉ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với hàng xuất khẩu của Ukraine và Moldova sang Liên minh châu Âu (EU) thêm một năm.

Các biện pháp thương mại chủ động của EU đối với Ukraine sẽ được áp dụng từ ngày 6/6/2024 đến ngày 5/6/2025 và liên quan đến việc tiếp tục đình chỉ tất cả các khoản thuế hải quan và hạn ngạch theo Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine (DCFTA). Quy định cũng sẽ bao gồm 2 cơ chế tự vệ để bảo vệ thị trường EU.

Các biện pháp thương mại chủ động của EU đối với Moldova sẽ được áp dụng từ ngày 25/7/2024 đến ngày 24/7/2025. Các biện pháp này cũng liên quan việc dừng tất cả các khoản thuế hải quan và hạn ngạch theo Thỏa thuận liên kết.

* Ngày 13/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, lĩnh vực ngân hàng châu Âu cần hợp nhất mạnh mẽ hơn, dù điều này đồng nghĩa với việc các đối thủ châu Âu mua lại một ngân hàng lớn của Pháp.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng ủng hộ việc ngân hàng Santander của Tây Ban Nha mua lại ngân hàng Societe Generale của Pháp hay không, ông Macron khẳng định, với tư cách là thành viên của EU, Pháp sẽ ủng hộ các thỏa thuận hợp nhất doanh nghiệp của châu Âu.

* Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom ngày 14/5 cho hay, lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân của Mỹ là một động thái mang tính chính trị và sẽ làm suy yếu thị trường uranium làm giàu toàn cầu. Tuy nhiên, Rosatom tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh quốc tế của mình.

Trước đó, Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm uranium làm giàu của Nga hôm 13/5. Các nhà máy điện hạt nhân Mỹ đang sử dụng khoảng 24% uranium làm giàu có nguồn gốc từ Nga.

Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi hãng tin Reuters, Rosatom bày tỏ tập đoàn này coi luật mới ban hành của Mỹ mà cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga là hành động phân biệt đối xử và không theo định hướng thị trường.

* Phát biểu trong cuộc họp ngày 12/5 của Ủy ban Năng lượng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ứng viên cho cương vị Phó Thủ tướng, ông Alexander Novak, cho biết dự án quốc gia mới “Nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh” dự kiến sẽ được thiết lập trong vài tháng tới.

Theo ông Novak, nhiệm vụ Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030 không chỉ đi kèm với tăng trưởng kinh tế và GDP mà còn phải đi kèm với tăng trưởng thu nhập của người dân và doanh nghiệp.

* Các nhà lãnh đạo Đức và Thụy Điển tỏ ra thờ ơ với khả năng châu Âu có thể áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc sau khi Mỹ thông báo tăng mạnh thuế đối với xe điện của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ EU nối gót Mỹ áp thuế đối với ô tô điện Trung Quốc hay không, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trước báo giới rằng, động thái tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu không phải là một ý tưởng phù hợp.

Phát biểu trong chuyến thăm Thụy Điển, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý, một nửa số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc do các hãng sản xuất ô tô phương Tây sản xuất. Ông nhấn mạnh, những nhà sản xuất châu Âu và Bắc Mỹ đã thành công trên thị trường Trung Quốc và bán xe của họ ở Trung Quốc, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của hoạt động trao đổi thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Trong một hoạt động nghiệp vụ định kỳ ngày 13/5, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chào mua một lượng trái phiếu chính phủ ít hơn so với ngày 24/4, nhằm giảm sự hiện diện của mình trên thị trường nợ của nước này.

Động thái này có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản lên cao, thu hẹp khoảng cách lợi suất đáng kể giữa Nhật Bản và Mỹ - yếu tố đang gây áp lực lên đồng Yen.

BoJ cho biết sẽ mua 425 tỷ yen (tương đương 2,7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn từ 5 đến 10 năm, so với lượng trái phiếu trị giá 475,5 tỷ Yen được mua trong đợt điều hành tháng trước. Đây là lần giảm mua trái phiếu đầu tiên kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.

* Xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn cao hơn khi Nongshim, nhà sản xuất mì lớn nhất nước này, đã ký một thỏa thuận cung cấp với các nhà bán lẻ lớn ở Pháp.

Thỏa thuận mới nhất đã thúc đẩy sự nổi bật toàn cầu của ngành mì ăn liền đang phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc khi các nhà sản xuất mì ăn liền khác ở đây như Samyang Foods, Ottogi và Paldo đang mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, vào năm 2023 họ đã đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục hơn 1.000 tỷ won (730 triệu USD).

* Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Hàn Quốc đã tăng gần 34% trong tháng 4/2024, đánh dấu tháng tăng thứ sáu liên tiếp, do nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ.

Cụ thể, các lô hàng sản phẩm CNTT xuất khẩu đạt 17,08 tỷ USD vào tháng trước, tăng 33,8% so với 12,77 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu sản phẩm CNTT của nước này cũng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước lên mức 11,56 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại trong lĩnh vực này là 5,52 tỷ USD.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Giới chức Indonesia ngày 13/5 cho biết đã đạt thỏa thuận với Nhật Bản về khoản vay trị giá 140,699 tỷ Yen (903 triệu USD) để tiếp tục mở rộng hệ thống đường sắt Jakarta được gọi là Mass Rapid Transit (MRT).

Nội dung thỏa thuận nêu rõ, khoản vay trị giá 903 triệu USD của Nhật Bản sẽ chủ yếu dùng để xây dựng tuyến đường dài 24,5 km chạy giữa Medansatria của Bekasi và Tomang của Tây Jakarta. Tuyến này là một phần của hành lang Đông-Tây lớn hơn chưa được xây dựng nhằm kết nối Cikarang của Bekasi và Balaraja của Tangerang.

Là một phần của thỏa thuận, dự án sẽ sử dụng công nghệ của Nhật Bản. Khoản vay kéo dài 40 năm và có thể kéo dài tối đa thêm 10 năm với lãi suất cố định 0,3%/năm, trong khi đó phần dịch vụ tư vấn của dự án có lãi suất cố định 0,2%/năm.

* Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết, xe buýt từ Thái Lan được phép vào Malaysia để chở khách du lịch, miễn là họ được Cơ quan Giao thông công cộng đường bộ (APAD) cấp phép tạm thời trước khi nhập cảnh.

Để nhận được giấy phép nhập cảnh, các nhà điều hành xe buýt du lịch Thái Lan phải cung cấp thông tin đầy đủ thông tin về gói tour, số lượng hành khách và địa điểm lưu trú. Quy định này áp dụng cho tất cả các bang, không chỉ các bang biên giới như Kedah và Kelantan.

* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 13/5 nhấn mạnh rằng, chính phủ nước này muốn bán hết số gạo đã tồn kho suốt thập niên qua để thu được một số tiền trả lại vào kho bạc nhà nước.

Theo ông Phumtham, việc án đấu giá số gạo còn sót lại từ chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh luận dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể giúp chính phủ hiện tại có thể kiếm được một khoản doanh thu.

* Chính phủ Lào và Công ty TNHH Energy Absolute Public của Thái Lan (EA) vừa thành lập liên doanh mang tên Super Holding Company để quản lý hoạt động kinh doanh năng lượng sạch lên tới trên 7GW.

Liên doanh này sẽ tập trung giám sát việc quản lý và phân phối năng lượng sạch, khuyến khích việc sử dụng xe điện và thúc đẩy các sáng kiến tăng trưởng bền vững của Lào, điều sẽ không chỉ giúp tạo ra giá trị gia tăng, mà còn góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và giải quyết các mối lo ngại về ổn định kinh tế lâu dài cho nước này.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-10-165-nga-kien-dinh-muc-tieu-thu-4-toan-cau-trung-quoc-phan-ung-manh-viec-my-tang-thue-nhap-khau-xe-dien-271467.html