Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/5): Hầu hết công ty Thụy Sỹ vẫn thích Nga, Trung Quốc giảm trữ ngoại hối, tăng 'ôm' vàng; Đức gây bất ngờ

Hầu hết các công ty Thụy Sỹ vẫn kinh doanh với Nga bất chấp xung đột ở Ukraine, Trung Quốc tích cực dự trữ vàng, Đức bất ngờ tăng trưởng, 'ông lớn' khí đốt Anh giảm lợi nhuận… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nestle là một trong những công ty lớn của Thụy Sỹ vẫn tiếp tục kinh doanh tại Nga, bất chấp xung đột ở Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Lý do giảm tăng trưởng nhu cầu xăng trên toàn cầu

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, tăng trưởng nhu cầu xăng trên toàn cầu có thể giảm một nửa trong năm 2024, gây sức ép lên lợi nhuận của các công ty lọc dầu, do quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) tại Trung Quốc và Mỹ cũng như mức tiêu thụ trở lại bình thường sau khi tăng mạnh hậu đại dịch trong năm 2023.

Với mức tăng thấp nhất kể từ năm 2020, nhu cầu có thể tăng 340.000 thùng/ngày, lên 26,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm ngoái, khi Trung Quốc đã gần đạt đến mức đỉnh về nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động vận tải và Mỹ đã vượt đỉnh.

Theo nhà phân tích Sushant Gupta của Woodmac, mức sử dụng EV tại Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. Trong năm nay, nhu cầu xăng tại Trung Quốc sẽ chỉ tăng 10.000 thùng/ngày, do EV phổ biến hơn.

Trong khi đó, công ty tư vấn Rystad Energy dự báo, nhu cầu xăng trên toàn cầu ở mức khoảng 26 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng khoảng 300.000 thùng/ngày, so với mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm 2023, khi mức tiêu thụ tăng mạnh sau đại dịch.

Mỹ

*Ngày 6/5, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khu vực Richmond Thomas Barkin kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.

Ông Barkin cho rằng, mức lãi suất cao hiện nay có thể làm giảm nhu cầu nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, đánh giá tác động đầy đủ của việc giữ lãi suất ở mức cao vẫn chưa đến hết; nguy cơ lạm phát trong lĩnh vực nhà ở và dịch vụ có thể sẽ tiếp tục khiến giá nhà tăng cao.

* Ngày 3/5, chính phủ Mỹ cho phép các xe có chứa than chì của Trung Quốc vẫn đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế cho đến năm 2026.

Từ năm 2025, một phương tiện thân thiện với môi trường đạt chuẩn không được phép chứa các khoáng chất quan trọng từ các doanh nghiệp của các quốc gia gây lo ngại. Tuy nhiên, trong các quy định cuối cùng, Mỹ đã cho các nhà sản xuất ô tô thêm hai năm để cải thiện nguồn cung ứng các vật liệu như than chì, vốn coi là khó truy xuất nguồn gốc.

Trung Quốc

* Theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố ngày 8/5 cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, quy mô dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là 3.200,8 tỷ USD, giảm 44,8 tỷ USD so với cuối tháng 3/2024 với mức giảm 1,38%.

Theo dữ liệu dự trữ vàng được công bố cùng ngày, tính đến cuối tháng 4/2024, dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ở mức 72,8 triệu ounce, tăng 60.000 ounce so với tháng trước. Điều đáng chú ý là PBoC đã bắt đầu đợt tăng dự trữ vàng từ tháng 11/2022. Tính đến tháng 4/2024, đã tăng 18 tháng liên tiếp.

Châu Âu

* Ngân hàng UBS hôm 7/5 cho biết, lợi nhuận ròng trong quý I/2024 đã tăng 71% lên gần 1,8 tỷ USD sau hai quý thua lỗ do việc tiếp quản ngân hàng Credit Suisse. Doanh thu của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ đã tăng 46% lên 12,7 tỷ USD trong kỳ báo cáo.

Theo thông báo chính thức, thu nhập của ngân hàng đầu tư thuộc UBS - dự án lớn nhất trong vụ sáp nhập với Credit Suisse - đã tăng 16% nhờ môi trường thị trường thuận lợi hơn, bên cạnh hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như mua bán-sáp nhập (M&A) tốt hơn.

* Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của nước Anh cho biết, lợi nhuận ròng đã sụt giảm 72% trong quý đầu tiên của năm nay do giá khí đốt giảm.

Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm xuống 2,3 tỷ USD so với mức 8,2 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2023. Tổng doanh thu cũng giảm 13% xuống còn 48,9 tỷ USD. Ngoài ra, BP còn công bố tiết kiệm chi phí "ít nhất" 2 tỷ USD vào cuối năm 2026.

* Hãng RTS ngày 8/5 cho biết, hầu hết các công ty Thụy Sỹ vẫn tiếp tục kinh doanh với Nga bất chấp các tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Trong năm 2023, Thụy Sỹ đã bán lượng hàng hóa trị giá hơn 2,6 tỷ Franc (2,86 tỷ USD) cho LB Nga và thuốc chiếm thị phần chính trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, số tiền này không tính đến thu nhập của doanh nghiệp từ việc bán sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy của họ ở LB Nga. Trong khi đó, Nestlé, Japan Tobacco International, Lacoste và các thương hiệu khác có trụ sở tại Thụy Sỹ tiếp tục có mặt tại xứ sở bạch dương.

* Từ 4/5 đến hết ngày 31/8/2024, chính phủ Nga áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm bảo đảm ổn định thị trường lương thực trong nước. Quy định áp dụng cho đường mía, đường củ cải và đường không sucrose ở dạng rắn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp được xuất khẩu hạn chế xuất sang các nước Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU), tổng cộng 181.500 tấn sang Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp, từ nay đến hết mùa, nước Nga chỉ có thể xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường.

* Kim ngạch xuất khẩu của Đức trong tháng 3/2024 đã tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng trên là một điều bất ngờ khi trước đó các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức 0,4%. Tính chung, nền kinh tế Đức đã tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên của năm nay, đảo ngược tình trạng suy thoái hồi cuối năm ngoái. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,2% trong quý I/2024 so với quý trước đó, thời điểm nền kinh tế giảm 0,5% sau khi đã điều chỉnh số liệu.

* Ngày 7/5, trong thông cáo báo chí sau cuộc đàm phán với Thủ tướng Slovakia Robert Fico ở Baku, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho hay, Slovakia có thể trở thành quốc gia thứ chín được cung cấp khí đốt của Azerbaijan.

Theo ông Aliyev, nguồn cung khí đốt của Azerbaijan sang châu Âu sẽ tăng từ 8 tỷ m3 vào năm 2021 lên 12 tỷ m3 trong năm nay.

* Ngày 7/5, người đứng đầu Cơ quan Giám sát năng lượng nhà nước Ukraine Ruslan Slobodyan cho hay, nước này có thể tăng giá điện trong năm 2024. Theo tính toán sơ bộ, trong hơn một tháng rưỡi qua, thiệt hại về cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã vượt 1 tỷ USD và không thể bù đắp được điều này bằng giá điện hiện hành cũng như sự hỗ trợ hiện có từ các đồng minh.

Theo ông Slobodyano, do cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại đáng kể nên không thể loại trừ khả năng xảy ra tình trạng mất điện mới.Trước đó, Ngân hàng Quốc gia Ukraine lưu ý rằng, do tình hình khó khăn trong hệ thống năng lượng, dự đoán giá điện sẽ tăng đáng kể.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo kết quả khảo sát công bố mới đây, tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản vẫn là một vấn đề nghiêm trọng khi 51% công ty báo cáo không có đủ nhân viên.

Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục thu hẹp, các công ty đã coi tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng như một trong những mối lo ngại lớn nhất có thể khiến hoạt động của họ suy giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc 313 công ty đã phải ngừng hoạt động trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 31/3/2024).

* Ngân hàng trực tuyến KakaoBank - ngân hàng chỉ hoạt động trên Internet của Hàn Quốc, hôm 8/5 cho biết đã một lần nữa phá vỡ kỷ lục về lợi nhuận ròng trong quý I năm nay.

Số liệu của KakaoBank vừa công bố cho biết, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận ròng 111,2 tỷ Won (81,4 triệu USD) trong quý I/2024, tăng 9,1% so với quý đầu tiên năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động của ngân hàng này cũng đạt 148,4 tỷ Won, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hàng quý của KakaoBank cao hơn nhiều so với một số ngân hàng truyền thống như BNK Kyongnam Bank, Kwangju Bank và Jeonbuk Bank, lần lượt ở mức khoảng 101,2 tỷ Won, 73,1 tỷ Won và 50,8 tỷ Won.

* Xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc trong tháng 4/2024 đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mạnh mẽ đối với ô tô thân thiện với môi trường từ Bắc Mỹ.

Tổng giá trị các lô hàng ô tô xuất khẩu trong tháng 4/2024 đạt 6,8 tỷ USD, vượt kỷ lục trước đó là 6,53 tỷ USD được thiết lập vào tháng 11/2023.

Bắc Mỹ là khu vực xuất khẩu số 1 của ô tô Hàn Quốc trong tháng trước, với doanh số tăng 36,6% so với cùng kỳ lên 4 tỷ USD. Mức tăng này chủ yếu là nhờ xuất khẩu mạnh mẽ dòng ô tô thân thiện với môi trường.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, Chính phủ nước này có kế hoạch triển khai nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy xuất khẩu ô tô, hướng tới mục tiêu đạt 75 tỷ USD/năm.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Hãng PTI trích nguồn tin từ Công ty nghiên cứu Big Mint cho biết, nhập khẩu than luyện kim từ Nga của Ấn Độ đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua lên khoảng 15,1 triệu tấn trong năm tài chính 2023-2024, chủ yếu do giá thấp hơn trong khi nhập khẩu từ Australia giảm.

Nhập khẩu than luyện kim, bao gồm than cốc và than phun thành bột (PCI), từ Nga, đứng ở mức 5,1 tấn, chiếm 8% trong tổng lượng nhập khẩu 65,6 tấn hàng hóa của Ấn Độ trong năm tài chính 2021-2022. Nhập khẩu than luyện kim từ Nga đã tăng lên 11,3 tấn trong năm tài chính 2022-2023, chiếm 16% trong tổng số 69,9 tấn than nhập khẩu trong năm đó.

Trong năm tài chính 2023-2024, lượng than New Delhi nhập khẩu từ Moscow là 15,1 tấn, chiếm 21% trong tổng lượng than nhập khẩu là 73,2 tấn.

* Kết quả cuộc khảo sát mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho hay, khoảng hơn 1/3 người Australia đang gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống với thu nhập hiện tại. Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của người dân nước này về nhà ở, khi số người có quan điểm cho rằng “việc sở hữu nhà riêng là một phần trong lối sống của người Australia” đã giảm từ 74,9% vào tháng 4/2017 xuống còn 65,8% vào tháng 1/2024.

* Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Sakti Wahyu Trenggono ngày 8/5 cho biết, nước này có thể sử dụng diện tích 78.000 ha trải dài dọc theo khu vực ven biển phía Bắc đảo Java (Pantura) để thí điểm mô hình nuôi cá rô phi nước mặn.

Nếu triển khai thành công, mô hình này sẽ tạo ra năng suất ban đầu khoảng 4 tấn cá rô phi cho mỗi chu kỳ nuôi trồng từ 3 đến 5 tháng. Về lâu dài, với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, năng lực sản xuất sẽ tăng cao hơn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

* Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 7/5 đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch tăng lương tối thiểu cho người lao động trên toàn quốc lên mức 400 Baht (10,88 USD)/ngày như một động thái cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại việc làm này có thể đẩy chi phí đầu vào tăng cao.

Phát biểu sau cuộc họp nội các hằng tuần, ông Srettha cho rằng, tiền lương của người lao động Thái Lan chỉ tăng hơn 10% trong 10 năm qua, do vậy, việc tăng lương là cần thiết. Đây cũng là một trong những chính sách quan trọng mà đảng Pheu Thai cam kết trong chiến lược tranh cử tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5/2023, với mục tiêu tăng lương tối thiểu lên 600 Baht (16,32 USD)/ngày vào năm 2027.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-3-95-hau-het-cong-ty-thuy-sy-van-thich-nga-trung-quoc-giam-tru-ngoai-hoi-tang-om-vang-duc-gay-bat-ngo-270646.html