Kỳ tích từ đội quân xe đạp thồ và chiếc xe cút-kít chở lương từ bàn thờ

Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công trong công tác bảo đảm hậu cần góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Trong đó vận tải thô sơ đã trở thành nét độc đáo, sáng tạo của quân và dân ta khi tiến hành trận quyết chiến, chiến lược này.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn đông nghịt người. Từ rất nhiều nơi trong cả nước, hàng nghìn du khách đã có mặt để tận mắt chứng kiến và nghe lại những câu chuyện gắn liền với chiến dịch "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm về trước.

Đội xe đạp thồ huyền thoại

Trong số các hiện vật được trưng bày, người xem đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những chiếc xe đạp thồ - huyền thoại vận tải một thời. Đây vốn là những chiếc xe đạp pơ-giô được cải tạo lại, có thể chở đến 300kg hàng.

Nữ hướng dẫn viên của bảo tàng chia sẻ: Du khách nước ngoài, đặc biệt là người Pháp đặc biệt hiếu kỳ với những chiếc xe vốn xuất xứ từ chính đất nước họ. Nhờ sự sáng tạo, quân và dân ta đã cải biến phương tiện này, biến chúng thành đội quân xe thồ vận tải.

Chiếc xe đạp thồ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh: Hải Nam)

Lịch sử ghi lại: Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tổng tiến công vào "pháo đài bất khả xâm phạm" của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Tổng cục Cung cấp, để phục vụ hơn 87.000 người ở tuyến đầu (54.000 bộ đội và 33.000 dân công) cần huy động ít nhất 16.000 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn thịt, 100 tấn rau, 80 tấn muối và khoảng 12 tấn đường...

Nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến trường chủ yếu được huy động từ các vùng Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4. Hầu hết phải vận chuyển qua chặng đường 500-600 km, phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên dội bom. Để đảm đương nhiệm vụ này, ngoài ô-tô tải, một trong những lực lượng chủ lực phục vụ hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ là xe thồ.

Theo số liệu từ bảo tàng, chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 21.000 chiếc xe đạp đã được huy động, trở thành “binh chủng vận tải” đặc biệt cho tiền tuyến và được ví như “vua vận tải” của chiến trường: Không cần nhiên liệu, nhỏ gọn, có thể ngụy trang trong bất cứ tình huống nào hoặc dễ dàng ẩn nấp tránh máy bay trinh sát và khi hỏng lại dễ sửa chữa.

Huyền thoại xe đạp thồ được trưng bày tại Bảo tàng.

Ưu điểm của xe đạp thồ là có thể di chuyển trên những con đường nhỏ hẹp nhất. Xe được gia cố thêm một số bộ phận đặc biệt như càng, tay ngai... để phục vụ chuyên chở. Ngoài ra, những người dân công vận chuyển còn lót vải thừa, quần áo hỏng, săm xe cũ… cuốn vào bánh làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi ghập ghềnh.

Nhờ đội quân đặc biệt này, chỉ trong một thời gian ngắn, 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác đã được đưa ra chiến trường. "Binh đoàn" còn thiết lập một kỷ lục không chính thức: Chiếc xe đạp chở khối lượng hàng hóa lớn nhất với 325kg hàng hóa. (Xe của ông Ma Văn Thắng ở Thanh Ba, Phú Thọ hiện vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng).

Và bàn thờ cũng ra trận địa

Một hiện vật khác cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng là chiếc xe cút-kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, Yên Định, Thanh Hóa). Dẫn chúng tôi tới địa điểm trưng bày, nữ hướng dẫn viên chia sẻ: Mỗi khi có khách nước ngoài, bao giờ các hướng dẫn viên cũng đưa họ tới đây và giải thích rất kỹ lưỡng.

"Chúng tôi vẫn nói với họ: Ở đất nước chúng tôi, không chỉ xe đạp mới có thể ra trận mà thậm chí cả bàn thờ tổ tiên, vốn là những thứ linh thiêng cũng có thể vào chiến trường", hướng dẫn viên nói.

Tư liệu tại bảo tàng ghi lại: Do nhà nghèo không có phương tiện vận chuyển lương thực, ông Trịnh Đình Bầm đã tự mình đóng chiếc xe. Đóng đến phần bánh thì thiếu gỗ, ông quyết định... dỡ bàn thờ để ghép lại thành bánh.

Chiếc xe cút-kít của ông Trịnh Định Bầm được trưng bày tại Bảo tàng.

Với chiếc xe này, ông Bầm đã chở lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh Lược đi lên phố Cống Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Từ kho lương này, lương thực đã được chuyển lên mặt trận Điện Biên.

Theo các hướng dẫn viên, rất nhiều du khách nước ngoài đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước quyết tâm của ông Bầm và phải thốt lên: Một dân tộc dám hy sinh một phần tín ngưỡng của mình để đổi lấy tự do, dân tộc ấy xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng chiến thắng.

Tổng kết lại 56 ngày đêm lịch sử, trong sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời tri ân cho lực lượng vận tải có một không hai của hậu phương khi nhận định: Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới.

Đóng đến phần bánh thì thiếu gỗ, ông Bầm quyết định... dỡ bàn thờ để ghép lại thành bánh.

Tiến sĩ sử học John Rrados Đại học George Washington, (Mỹ), nhận xét: Điều ấn tượng nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng giống như quan điểm của phía Việt Nam chính là mức độ tham gia của toàn dân, là huy động người dân Việt Nam tham gia vào chiến dịch đó phải nói là nỗ lực thành công tuyệt vời khi có hàng nghìn người cùng hỗ trợ Quân đội của Tướng Giáp, khi đó đang nằm rất xa khu vực đồng bằng. Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chưa bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-tich-tu-doi-quan-xe-dap-tho-va-chiec-xe-cut-kit-cho-luong-tu-ban-tho-post807933.html