Một đối thoại liên văn hóa Việt – Nhật qua Ukiyo-e

Thông qua dự án 'Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e' lần này, biên độ cuộc đối thoại của nhóm nghệ sĩ trẻ, dưới sự hướng dẫn của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, được mở rộng tới tầm vóc liên văn hóa, giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.

Khán giả tham quan triển lãm.

Khán giả tham quan triển lãm.

Đối thoại là một concept trung tâm trong các dự án của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Nhóm nghệ sĩ thầy trò đã lần lượt đối thoại theo lối “tân cổ giao duyên” – một đối thoại nội địa hạt truyền thống Việt Nam, giữa chất liệu và chất liệu (tranh lụa với tranh dân gian Hàng Trống), đối thoại với không gian nơi chốn (đình Nam Hương, Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, đình Tú Thị, đình Hà Vĩ), với làng nghề thủ công (làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, Mỹ Đức), đối thoại xuyên thời gian và thế hệ, giữa những nghệ nhân kỳ cựu (nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận) với những nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ gen Y, gen Z. Lần này, thông qua dự án Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e, biên độ cuộc đối thoại được mở rộng tới tầm vóc liên văn hóa, giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.

Tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e (浮世絵 – phù thế hội), có thể nói, là một đại diện đi đầu cho nghệ thuật và mỹ học đặc thù của Nhật Bản. Từ “phù thế” là đủ gợi lên đặc trưng ngắn ngủi, giả tạm, vô thường của thời khắc và cuộc sống. Cái đẹp, đối với người Nhật, mang bản chất phù vân, thể hiện qua một loại phạm trù như wabi-sabi (sá tịch), yūgen (u huyền), datsuzoku (thoát tục), miyabi (nhã), iki (túy)… với phạm vi khả dụng trong cả thế giới quan triết học lẫn triết lý trong đời sống thường ngày.

Bởi vậy, mỹ cảm của Nhật là một mỹ cảm buồn, lấy cái đẹp để gợi cảm giác hoài niệm, u mặc, tịch liêu, cô bi – nỗi cô đơn buồn. Dù là biểu hiện ngôn từ/thơ ca như Man'yōshū (Vạn diệp tập) hay là biểu kiến thị giác/hội họa như Ukiyo-e đi chăng nữa, thì vẫn bị quan niệm thẩm mỹ trên chi phối về các nguyên lý và thủ pháp nghệ thuật.

Một số tác phẩm tại triển lãm Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e 2.

Sức hấp dẫn và ảnh hưởng của văn hóa - nghệ thuật Nhật Bản nói chung và Ukiyo-e nói riêng có lẽ không cần phải trình bày thêm nhiều. Điều quan trọng hơn là nhìn nhận mức độ và cấp độ tác động sâu rộng của chúng đến sự kiến tạo trường thẩm mỹ.

Đi xa hơn một chút, ở Tây Âu thế kỷ XIX, làn sóng Japonisme đã du hành và tìm thấy mảnh đất thuận lợi để lan tỏa những giá trị của mình. Riêng những bậc thầy Ukiyo-e như: Hishikawa Moronobu, Utagawa Hiroshige, Utagawa Kunisada, Katsushika Hokusai… là nguồn cảm hứng không nhỏ trong sự cấu thành phong cách của những danh họa quan trọng thuộc các trường phái hội họa lớn của Âu châu giai đoạn này như Ấn tượng (Manet, Degas, Monet, Renoir), hậu-Ấn tượng (Gauguin, Van Gogh, Lautrec), Tượng trưng (Odilon Redon, Klimt)…

Còn về gần, ở Việt Nam, dấu ấn nghệ thuật Nhật Bản và Ukiyo-e đã hiện diện trong tác phẩm Gội đầu (1940) của họa sĩ Trần Văn Cẩn, hay loạt tranh Mèo của họa sĩ Lê Bá Đảng phần nào phản ánh sự tiếp nhận họa sĩ Nhật Tsuguharu Foujita.

Đông đảo khách tham quan tác phẩm tại triển lãm Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e.

Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e cho thấy một vấn đề rất mới mẻ. Qua con mắt của những nghệ sĩ trẻ, sinh ra trong giai đoạn giao thời giữa truyền thống và hiện đại, với bối cảnh tiếp nhận văn hóa tương đối cởi mở, có thể hiểu hoặc say mê văn hóa Nhật Bản một cách chủ động, và bản thân mỗi nghệ sĩ qua quá trình thực hành sáng tạo cũng như trải nghiệm các dự án đã hình thành nên cho mình một chất nền nghệ thuật Việt truyền thống. Câu hỏi ở đây là họ ứng xử với Ukiyo-e ra sao, hay đã đối thoại nghệ thuật ở cấp độ nào?

Tường hiện nhất trong triển lãm, chắc chắn là sự đối thoại ở cấp độ chất liệu thủ pháp. Các nghệ sĩ có sự tham khảo từ Ukiyo-e qua những phương diện hình thức như bố cục bất đối xứng, mạch dẫn màu sắc, quy cách đa liên họa. Từ đó, chủ yếu là sự giao lưu và hoán đổi: những motif Ukiyo-e được thể hiện trên chất liệu Việt như sơn mài, giấy dó, giấy giang, lụa, hay ở chiều ngược lại những hình tượng nghệ thuật Việt cổ truyền được thể hiện qua bút pháp ưu nhã, thanh đạm của Ukiyo-e, như ở một dị bản Đám cưới chuột.

Sự dịch-văn hóa còn thể hiện qua một hình tượng cô gái yêu kiều trong đầu tóc và trang phục kimono bên hoa huệ, rõ ràng là một sự chuyển dụng nghệ thuật dí dỏm từ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) của họa sĩ Tô Ngọc Vân, hoặc loạt tranh trò chơi dân gian được lấy cảm hứng trực tiếp từ các tác phẩm của Ishikawa Toyomasa.

Qua đối thoại với Ukiyo-e, có phải các nghệ sĩ đang phát đi một thông điệp rất đương đại của cá tính sáng tạo?

Qua đối thoại với Ukiyo-e, có phải các nghệ sĩ đang phát đi một thông điệp rất đương đại của cá tính sáng tạo?

Còn ở cấp độ bản thể thì sao? Một ý niệm bề sâu nào đã xuất hiện vượt ra khỏi sự học hỏi thuần túy. Ta hiểu Ukiyo-e là sự ngưng tụ tuyệt đối của khoảnh khắc, vậy các nghệ sĩ trẻ có “mượn” Ukiyo-e để đóng băng những ưu tư và suy nghĩ của mình về con đường nghệ thuật? Qua đối thoại với Ukiyo-e, có phải các nghệ sĩ đang phát đi một thông điệp rất đương đại của cá tính sáng tạo? Tôi tin rằng, khát vọng dám thể nghiệm và dám biểu đạt sẽ dẫn lối các bạn “vượt vũ môn”, để đến với cái bản chất quan trọng hơn hình thức (substance over style), từ đó tìm được những hướng đi cho riêng mình.

Đối thoại với Ukiyo-e, không chỉ là đối thoại giữa hai nền văn hóa đồng văn, đồng chủng Nhật Bản – Việt Nam, đối thoại giữa chất liệu tranh khắc gỗ Ukiyo-e với những chất liệu thuần Việt như lụa, sơn mài, giấy dó, mà như mọi biểu hiện chỉ là phương tiện, là cách để các nghệ sĩ trong dự án quán chiếu và đối thoại với chính mình.

Triển lãm Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e diễn ra từ 23.1 – 12.3.2024 tại khu Thái Học, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng sự tham gia của các diễn giả là nhà nghiên cứu - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ - giảng viên Triệu Khắc Tiến, nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, họa sĩ Phạm Khắc Quang, họa sĩ Tuệ Thư…

Đội ngũ họa sĩ trẻ tham gia trưng bày tác phẩm tại triển lãm là hơn 20 họa sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tốt nghiệp Khoa Hội họa, khoa điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-doi-thoai-lien-van-hoa-viet-nhat-qua-ukiyo-e-42482.html