Một số kết quả dạy và học tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông ở Lào Cai

Tiếng Trung Quốc được tỉnh Lào Cai đưa vào giảng dạy ở cấp THCS và THPT từ năm học 2008 - 2009. Qua thời gian triển khai cho thấy, mặc dù việc giảng dạy môn ngoại ngữ này còn khó khăn nhưng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Tiết học tiếng Trung Quốc do cô giáo Vương Thị Thủy, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai đứng lớp lúc nào cũng được học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Những bài hát, câu đố vui cùng hình ảnh minh họa trực quan được cô tận dụng để giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng. Các tiết học được chia thành những chủ đề khác nhau, như gia đình, đồ vật, con vật, đồ dùng… gần gũi với học sinh. Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn tiếng Trung Quốc, cô Thủy cho rằng, đây là ngoại ngữ mang lợi thế đối với học sinh Lào Cai nói chung và thành phố Lào Cai nói riêng, bởi có vùng biên giáp với Trung Quốc, không chỉ tạo môi trường học tập, trải nghiệm thuận lợi, học sinh còn có nhiều cơ hội việc làm sau này với vốn ngôn ngữ thứ 2.

Ngoài học trên lớp, em còn tự rèn kỹ năng nghe, nói qua các kênh truyền hình và khai thác các phần mềm dạy tiếng Trung Quốc trực tuyến trên internet.

Em Lê Ngọc Châu, lớp 8A1, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Lào Cai

Là một trong những trường THCS đầu tiên của thành phố Lào Cai đưa môn tiếng Trung Quốc vào giảng dạy từ năm 2008 - 2009, đến nay, Trường THCS Lê Hồng Phong đã lựa chọn đây là môn học tăng cường cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8 với 1 tiết/tuần và là môn học tự chọn cho học sinh khối lớp 9. Cô giáo Lương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức các tiết học trực tuyến, chương trình ngoại khóa “Ngày hội ngoại ngữ” với Trường Trung cấp nghề Hà Khẩu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để học sinh nhà trường có cơ hội giao tiếp với người dân bản địa. Tại các tiết ngoại khóa, học sinh còn có cơ hội thể hiện năng khiếu ca hát, dẫn chương trình hoặc phát thanh giữa giờ bằng tiếng Trung Quốc. Hằng năm, nhà trường thường có học sinh tham gia và đoạt giải tại cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn tiếng Trung Quốc, nhiều em thi đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung Quốc, Trường THPT Chuyên Lào Cai.

Năm học 2008 - 2009, thành phố Lào Cai đưa môn tiếng Trung Quốc vào giảng dạy thí điểm tại 4 trường THCS, đến năm 2017 - 2018 thực hiện thêm ở cấp tiểu học. Năm học 2023 - 2024, thành phố có 7 trường dạy tiếng Trung Quốc theo hình thức dạy học tăng cường và câu lạc bộ (2 trường tiểu học với 406 học sinh tham gia học; 5 trường THCS với 4.606 học sinh tham gia học); tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh môn tiếng Trung Quốc, học sinh thành phố Lào Cai đoạt 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Khuyến khích.

Cùng với thành phố Lào Cai, năm học 2008 - 2009, huyện Mường Khương đưa môn tiếng Trung Quốc vào giảng dạy tại 5 trường THCS: Bản Lầu, Lùng Vai, thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Pha Long. Tuy nhiên, do điều kiện giáo viên tiếng Trung Quốc luân chuyển công tác ra ngoài huyện và không có giáo viên mới bổ sung nên đến năm học 2023 - 2024, Mường Khương chỉ duy trì giảng dạy tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ chính tại 4 trường THCS: Na Lốc, Lùng Vai, thị trấn Mường Khương và Pha Long, với tổng số 4 giáo viên, 14 lớp, 473 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương đánh giá, với đặc thù là huyện biên giới, nhiều thành phần dân tộc và các dân gia đình giáp biên thường có quan hệ thân tộc với các gia đình bên nước bạn, nên việc đưa tiếng Trung Quốc vào giảng dạy trên địa bàn huyện Mường Khương là phù hợp thực tế. Từ năm học 2015 - 2016 (thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tổ chức thi chọn học sinh giỏi môn tiếng Trung Quốc cấp tỉnh) đến nay, huyện Mường Khương đã có 22 học sinh đoạt giải, trong đó có 5 giải Nhì, 5 giải Ba và 12 giải Khuyến khích; nhiều học sinh trong số đó đã đỗ vào các lớp Chuyên tiếng Trung Quốc, Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai; nhiều học sinh sau khi ra trường đã có việc làm ổn định liên quan đến tiếng Trung Quốc.

Có thể thấy, việc đưa tiếng Trung Quốc vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông là phù hợp. Hoạt động này vừa đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa mở rộng giao lưu văn hóa các nước, đồng thời giúp hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để học sinh sử dụng phục vụ học tập và giao tiếp.

Lào Cai hiện có 5 trường tiểu học với hơn 1.400 học sinh được tiếp cận tiếng Trung Quốc; cấp THCS dạy tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 1 gồm 14 trường, hơn 1.800 học sinh, dạy tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 2 (tự chọn) gồm 13 trường, gần 1.700 học sinh; cấp THPT triển khai học tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 1 ở 5 trường, hơn 800 học sinh và triển khai tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 2 (tự chọn) ở 3 trường, với gần 500 học sinh. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 - 2023, tỉnh Lào Cai có 3 học sinh đoạt giải môn tiếng Trung Quốc (2 giải Nhì, 1 giải Ba).

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các đơn vị có giáo viên tiếng Trung Quốc tổ chức dạy tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 1; tích cực vận động, mở rộng dạy tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 2 (tự chọn) đối với các lớp học tiếng Anh theo hướng phát triển kỹ năng giao tiếp; chủ yếu dạy kỹ năng nghe và nói, phiên âm; không bắt buộc phải dạy chữ Hán, nội dung do nhà trường lựa chọn từ chương trình sách giáo khoa hiện hành. Cùng với đó, khuyến khích các nhà trường dạy tăng cường tiếng Trung Quốc theo hình thức xã hội hóa trên cơ sở tự nguyện của học sinh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mot-so-ket-qua-day-va-hoc-tieng-trung-quoc-trong-truong-pho-thong-o-lao-cai-post383446.html