Mỹ Lợi A (Cái Bè, Tiền Giang) - Vùng đất chuyển mình

Mỹ Lợi A là địa phương thuộc vùng đất ngập lũ của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đời sống người dân vốn khó khăn. Gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển mô hình trồng cây sầu riêng chuyên canh đã giúp người dân nơi đây 'đổi đời', xuất hiện nhiều tỷ phú chân đất.

Đến xã Mỹ Lợi A vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến những đổi thay “thần kỳ” của vùng đất bưng biền năm xưa. Hai tuyến đường chính đi vào xã Mỹ Lợi A là tỉnh lộ 861 và huyện lộ 79 nay đã được nâng cấp, mở rộng láng nhựa phẳng phiu, ô tô các loại lưu thông thuận lợi. Dọc hai bên đường là những dãy nhà kiên cố nối tiếp nhau, xen lẫn với vườn cây ăn trái xum xuê, bốn mùa đơm hoa kết trái. Mỹ Lợi A hôm nay đã thay màu áo mới, người dân sống an cư, lạc nghiệp.

Đường vào trung tâm xã Mỹ Lợi A

Lãnh đạo Đảng ủy-UBND xã Mỹ Lợi A khẳng định, đời sống người dân vươn lên như hiện nay là nhờ mô hình trồng cây ăn trái nhất là cây sầu riêng giúp cho bà con không còn nghèo khó.

Còn nhớ, trước đây Mỹ Lợi A chỉ tập trung chuyên canh cây lúa, đầu ra bấp bênh, thu nhập của nhà nông không cao. Từ năm 2010 bà con bắt đầu cải tạo vườn tạp, lên mô trên nền ruộng để trồng các loại cây ăn trái đặc sản như: cam, bưởi, mít…Từ năm 2015, cây sầu riêng bắt đầu “bén duyên” với vùng đất này và đặc biệt thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cho kinh tế cao gấp hàng chục lần so với cây lúa.

Hiện tại, xã Mỹ Lợi A có hơn 1.500 ha đất nông nghiệp; trong đó có gần 1.200 ha cây sầu riêng chuyên canh. Những năm gần đây, giá sầu riêng liên tục tăng, năm nay có thời điểm giá trái sầu riêng Mon Thong gần 200 nghìn đồng/kg, Ri6 giá trên 150 nghìn đồng/kg nên nhà vườn bội thu, nhiều nông dân trồng cây sầu riêng có thu nhập đến 3 tỷ đồng/ha/năm. Qua mô hình này, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, những tỷ phú miệt vườn như: ông Nguyễn Văn Phong, Chế Văn Lâm (ấp Lợi Nhơn), Nguyễn Văn Đẳng ( ấp Lợi Tường). Cá biệt có ông Phan Văn Phúc (ấp Mỹ An) là lão nông đầu tiên đã sáng kiến, mạnh dạn đưa cây sầu riêng về trồng nơi đây gần 20 năm, từ đó nông dân địa phương nhân rộng mô hình và làm giàu.

Phải khẳng định từ khi chuyển sang mô hình trồng cây ăn trái, “đất không phụ lòng người”, đời sống người dân nơi đây đã vươn lên khá giả.

Bà Cao Thị Chính, nông dân xã Mỹ Lợi A chia sẻ: "Trước đây tôi trồng cây ổi sau này trồng cây sầu riêng. Trồng sầu riêng thấy cũng được, có thể kinh tế cao hơn trồng ổi. Thấy mùa này trái cũng được năm nay thấy làm ăn tốt hơn các năm trước, mình trồng cây có trái thấy vui. Bà con ai cũng khá hơn trước”.

Theo thống kê của UBND xã Mỹ Lợi A, toàn xã có hơn 3.000 hộ dân với 10.000 nhân khẩu. Đến nay, có khoảng 30% hộ thuộc diện giàu, hơn 50% hộ khá, chỉ còn có 37 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 1,17% so với tổng số dân của xã. Thành quả khích lệ đó có sự đóng góp của cây sầu riêng thương phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Đạt Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A cho biết thêm: "Giá trị kinh tế của cây sầu riêng rất cao hơn các cây ăn trái trên địa bàn. Do đó, bà con đã chuyển đổi từ các cây khác như cây mít, bưởi qua trồng cây sầu riêng. Để có đầu ra trái sầu riêng xã cũng kết hợp các ngành chức năng đăng ký mã số vùng trồng, cũng như chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho bà con quản lý dịch bệnh cho cây sầu riêng, nhất là phòng bệnh cháy lá. Về phòng chống hạn mặn thì chúng tôi đã có giải pháp phi công trình và công trình”.

Cây sầu riêng đã giúp người dân nơi đây làm giàu

Cán bộ đảng viên, đoàn viên, cựu chiến binh là lực lượng tiên phong trong phong trào thi đua lao động sản xuất tại địa phương. Đến nay, toàn xã có 170 đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ; 100% cán bộ, đảng viên đều có mức sống từ khá trở lên, nhiều đảng viên là nông dân sản xuất giỏi, làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo.

Khi về với đời thường, các cựu chiến binh xã Mỹ Lợi A tạm rời tay súng và bắt tay vào lao động trên mảnh đất gia đình với mô hình trồng cây sầu riêng. Đến nay, đời sống cựu chiến binh đã khá giả, không còn trường hợp khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Mỹ Lợi A nói: "Mấy năm gần đây, địa phương có nhiều chuyển biến, kinh tế phát triển. Nông dân cũng như cựu chiến binh nhờ kinh tế vườn mà chủ lực là cây sầu riêng. Đa số cuộc sống của hội viên CCB và nông dân đều ổn định. Đối với hội CCB không còn hộ nghèo, cận nghèo đa số khá giả và giàu”.

Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B trước đây chia tách ra từ xã Mỹ Lợi là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hôm nay, cán bộ và nhân dân địa phương lại “chiến thắng” trên mặt trận lao động sản xuất, chống lại đói nghèo, lạc hậu.

Mỹ Lợi A ngày nay không còn là xã vùng sâu, 100% đường giao thông liên xã, liên ấp, liên tổ đều được nhựa hóa, dal hóa, 100% hộ dân sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 3 trường học: mầm non, tiểu học và THCS đã được xây dựng khang trang. Toàn xã có hơn 300 hộ gia đình chính sách có mức sống từ ngang bằng đến cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư; xã hoàn thành công tác xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ chính sách; mức thu nhập bình quân đầu người của xã trên 65 triệu đồng/năm. Năm 2018 xã Mỹ Lợi A được công nhận xã nông thôn mới.

Hầu hết đất nông nghiệp xã Mỹ Lợi A đều trồng cây tỉ phú

Hiện nay, Mỹ Lợi A là địa phương có vườn cây sầu riêng lớn nhất khu vực Bắc Quốc lộ 1 của huyện Cái Bè. Do đó định hướng của Đảng bộ xã vẫn quyết tâm gắn bó với loại cây đặc sản này theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất để phục vụ xuất khẩu. Theo lãnh đạo địa phương nếu giá sầu riêng ổn định như hiện nay,

5 năm tới, người dân nơi đây đều là nông dân tỉ phú. Ông Nguyễn Giáp Tý, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lợi A cho biết thêm: "Định hướng của Đảng bộ trong thời gian tới là xác định nông nghiệp là kinh tế chính của xã. Xã xác định đưa cây sầu riêng làm cây chủ lực của xã và thời gian tới theo chỉ đạo của huyện ủy- UBND huyện thì xã xác định cây này cũng mới gần đây nhưng chúng tôi cũng khuyến cáo , chuyển giao KHKT cho người dân để hướng tới cùng một diện tích nhưng thu nhập sẽ tăng lên”.

Xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang trên đường phát triển, mô hình trồng cây sầu riêng xuất khẩu đã giúp nông dân địa phương đổi đời. Đó chính là thành quả trong lao động sản xuất, bám ruộng, bám vườn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật kết hợp với đổi mới sáng tạo của người dân đã cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/my-loi-a-cai-be-tien-giang-vung-dat-chuyen-minh-post1091400.vov