Nét đẹp xin chữ đầu Xuân

'Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua'... Cứ độ Tết đến Xuân về, những câu thơ trong bài 'Ông đồ' của Vũ Đình Liên lại nhắc nhớ chúng ta về phong tục đẹp trong văn hóa đầu Xuân của người Việt - Tục xin chữ. Qua dâu bể thời gian, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng phong tục xin chữ đầu Xuân vẫn được gìn giữ và lưu truyền đậm nét trong văn hóa Tết Việt với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

“Thầy đồ” Nguyễn Quang Chung viết chữ tại chương trình “Trải nghiệm cùng em - Vui Tết đong đầy” (Trường PT Hermann Việt Trì, thành phố Việt Trì).

“Thầy đồ” Nguyễn Quang Chung viết chữ tại chương trình “Trải nghiệm cùng em - Vui Tết đong đầy” (Trường PT Hermann Việt Trì, thành phố Việt Trì).

Người xưa từng có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” ý muốn nhấn mạnh về thú chơi chữ từng rất được ưa chuộng trong dân gian. Thú chơi này bắt nguồn từ thời phong kiến khi ông cha ta còn sử dụng chữ Hán và chữ Nôm. Ngày đó, muốn xin chữ, người ta sẽ chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc,... đến nhà thầy đồ (người có học vị Tú tài, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng). Mỗi chữ được viết ra bằng cả trí - thần - lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa của con chữ, đây còn là cả một tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Theo quan niệm dân gian, ngày Tết mà gia chủ nào xin được chữ ông đồ sẽ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới.

Trải qua thăng trầm thời gian, phong tục xin chữ thầy đồ mỗi dịp Tết đến Xuân về vẫn được gìn giữ và lưu truyền, nhưng cũng có nhiều đổi thay để phù hợp hơn với văn hóa hiện đại và nhu cầu người xin chữ. Đã thành thông lệ hàng năm, Tết Nguyên đán cận kề, “thầy đồ” Nguyễn Quang Chung (phường Minh Phương, thành phố Việt Trì) với hơn chục năm kinh nghiệm trong nghệ thuật viết thư pháp, lại sửa soạn giấy đỏ, bút lông, mực tàu... góp mặt tại nhiều lễ hội, chương trình chào Xuân, Tết trên địa bàn tỉnh để thủ bút cho chữ.

Anh chia sẻ: “Ngày nay, tục xin chữ đầu năm đã trở thành một hoạt động trải nghiệm văn hóa đẹp trong dịp Tết cổ truyền. Góp mặt tại nhiều chương trình, lễ hội văn hóa Xuân, Tết trên địa bàn, ngoài đáp ứng nhu cầu xin chữ của người dân, chúng tôi cũng đan xen biểu diễn nghệ thuật thư pháp, hướng dẫn khách hàng trải nghiệm tự viết thư pháp với bút lông, mực tàu, giấy xuyến chỉ... nhằm lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật thư pháp trong cộng đồng. Nhiều gia đình xin chữ để trang trí nhà cửa ngày Tết. Giấy, kích thước, hình thức chữ viết cũng sẽ được bày biện đa dạng để phù hợp với nhu cầu gia chủ. Ngoài viết chữ Hán, chữ Nôm, ngày nay chữ Quốc ngữ cũng rất được ưa chuộng trong nghệ thuật thư pháp. Tùy vào lứa tuổi và công việc, ngành nghề các chữ được xin nhiều trong ngày Tết sẽ là: Thuận, trí, tài, tài lộc, phát lộc, thành công, hiếu học, bình an, sức khỏe... Bên cạnh việc thủ bút cho chữ, chúng tôi cũng sẽ giải thích từng nét chữ và ý nghĩa sâu xa của con chữ để người xin được hiểu tận tường, quý trọng và ghi nhớ, phấn đấu đạt được sự “như ý” với con chữ mình xin trong năm mới”.

Học sinh trường mầm non Đất Việt - thành phố Việt Trì trải nghiệm viết thư pháp.

Học sinh trường mầm non Đất Việt - thành phố Việt Trì trải nghiệm viết thư pháp.

Những năm gần đây, nghệ thuật thư pháp và tục xin chữ đầu năm được lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học trên địa bàn tỉnh; thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm xin chữ ông đồ ngày Tết; học, tìm hiểu, thực hành nghệ thuật thư pháp... học sinh sẽ hiểu hơn về nét đẹp văn hóa này, đồng thời thể hiện được những suy nghĩ nội tâm, rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống thông qua con chữ. Đặc biệt, tại Trường Đại học Hùng Vương, câu lạc bộ thư pháp được thành lập nhiều năm nay, duy trì hoạt động luyện tập thường xuyên đã tạo ra sân chơi cho các sinh viên đam mê bộ môn nghệ thuật này có cơ hội được trải nghiệm, gìn giữ và lan tỏa nét đẹp thư pháp trong cộng đồng.

Cùng với tục khai bút đầu năm, tục xin chữ được lưu truyền trong cộng đồng đã thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt; những ước vọng đầu Xuân được gửi vào những câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp được viết bằng chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ trên nền mực tàu, giấy đỏ sẽ là những món quà tinh thần chào đón năm mới, đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Bích Ngọc

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/net-dep-xin-chu-dau-xuan/206599.htm