Ngăn giá tiêu dùng 'té nước theo mưa' sau tăng lương và giá điện

Bộ Công Thương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải chủ động có giải pháp để tránh tình trạng trên.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024. Nếu phương án này được triển khai, việc tăng lương tối thiểu vùng và cải cách tiền lương ở khu vực công sẽ cùng được triển khai từ thời điểm 1/7/2024.

Giá tiêu dùng có thể tăng từ 1/7

Tuy vậy, nhiều lo ngại rằng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo lương. Thực tế nhiều năm nay, đã có tình trạng cứ tăng lương là giá hàng hóa lại “té nước” tăng theo. Điều này khiến giá trị của việc tăng lương bị suy giảm.

Bộ Công Thương cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thị trường trong nước thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng 2024, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%),

Đáng chú ý, Bộ Công Thương lo ngại, chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.

Trong nước, giá cả thị trường những tháng đầu năm có xu hướng tăng do nhu cầu tăng thời điểm cận Tết và sau Tết Nguyên đán, tương tự như các năm trước. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, CPI bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% nhưng nằm trong giới hạn cho phép song cần tiếp tục theo dõi do giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, gia tăng áp lực lạm phát cũng như công tác quản lý, điều hành giá.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), thời gian qua, lạm phát thế giới hạ nhiệt do nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, xung đột giữa các quốc gia, bất ổn Biển Đỏ làm gia tăng chi phí vận tải, rủi ro an ninh lương thực, an ninh năng lượng… gây sức ép tới giá nguyên liệu sản xuất. Việt Nam độ mở lớn, lạm phát thế giới sẽ tạo áp lực tới lạm phát trong nước.

Ở trong nước, giá một số mặt hàng như gạo có xu hướng tăng khi nhu cầu nhập khẩu tăng. Cùng với đó, áp lực về giá năng lượng, điện. “Riêng mặt hàng điện, chỉ số giá điện tăng 10% làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. EVN có thể tiếp tục tăng giá điện để đảm bảo biến động tăng chi phí”, bà Oanh cho biết.

Trong khi đó, dự báo giá xăng dầu thế giới tăng lên. Giá xăng dầu trong nước tăng 10%, tác động CPI 0,36 điểm phần trăm.

Đồng thời, lãnh đạo Vụ Thống kê giá cho biết việc cải cách tiền lương ở khu vực Nhà nước, tăng lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp gia tăng kỳ vọng lạm phát, kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 1/7.

Thủ tướng yêu cầu không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, cho hay việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Vậy nên, vấn đề cần đặt ra là làm gì để hạn chế tình trạng lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã rục rịch tăng theo. Thực tiễn đời sống xã hội cho thấy giá và lương có mối quan hệ rất chặt chẽ, khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định, tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao đồng tỉnh Bình Dương đề nghị các ngành chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp, kiểm tra, giám sát, kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ chất lượng tới hàng hàng hóa nhằm đảm bảo bình ổn mặt bằng giá cả trên thị trường.

“Việc kiểm soát giá đã được quy định rất rõ cho các ngành chức năng thực hiện trong các chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng cần giám sát thực hiện”, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương".

Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Nhà nước cần thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ tránh tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng. Bộ ngành cần lên kế hoạch, có lộ trình cụ thể làm sao phù hợp, hợp lý về mức độ và thời điểm để đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cần đảm bảo lưu thông hàng hóa như mặt hàng xăng dầu, đảm bảo đủ cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thêm vào đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho tiêu dùng người dân, bên cạnh việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Việc tăng lương sẽ kéo theo việc tăng một số mặt hàng tiêu dùng, phí giao thông, đây là kỳ vọng tăng giá. Tuy vậy, kỳ vọng tăng giá này không mạnh vì đời sống người dân còn khó khăn, người dân dè chừng trong chi tiêu. Nhưng lo ngại nhất trong kiểm soát lạm phát hiện nay là giá điện có thể tăng. Điều này sẽ tác động mạnh tới tiêu dùng, tăng chi phí sản xuất, làm giá thành sản phẩm tăng. Người dân có thể bớt ăn, bớt tiêu nhưng khó bớt sử dụng điện cho các nhu cầu cơ bản của gia đình.

GS.TS Đinh Trọng Thịnh

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Việc hàng hóa tăng giá “té nước theo mưa" đã từng xảy ra. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây chúng ta đã chặt chẽ hơn trong việc quản lý giá. Với sự quản lý chặt chẽ giữa Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính kết hợp với chính quyền địa phương, chúng ta hy vọng nguy cơ hàng hóa tăng giá theo lương cơ sở tăng sẽ được kiểm soát.

Ông Vũ Vinh Phú

Chuyên gia kinh tế

Ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, loạn giá như xăng, dầu, điện, sách giáo khoa... hay hàng hóa trong siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thì còn một phần rất lớn đang được thả lỏng, chưa thể kiểm soát là các mặt hàng được buôn bán tự do ở chợ. Trên thực tế, cơ quan quản lý không thể đi từng nơi để kiểm tra và bắt bà bán rau, bán thịt tăng hoặc giảm giá. Những tiểu thương này tự quyết định giá mặt hàng họ bán nên có tình trạng sáng một giá, chiều đã một giá khác, hoặc là bán cho khách đi ô tô một giá, khách đi xe đạp một giá.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ngan-gia-tieu-dung-te-nuoc-theo-mua-sau-tang-luong-va-gia-dien-1099649.html