Nghệ An đảm bảo cấp nước an toàn, chống thất thoát và thất thu nước sạch

UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định 1064/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn, chống thất thoát và thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau khi kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo, UBND tỉnh quy định cụ thể yêu cầu, nhiệm vụ.

Cụ thể, Ban chỉ đạo tỉnh có các nhiệm vụ chính sau:

Hồ Vực Mấu với trữ lượng 75 triệu m3 tại xã Quỳnh Thắng và xã Tân Thắng là nơi cung cấp nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho địa bàn TX Hoàng Mai và Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

+ Chức năng nhiệm vụ: Ban chỉ đạo giúp UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn. Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cùng các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ theo điều 2, Quyết định 3840/QĐ-UBND; các thành viên Ban chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, tham gia các hoạt động của Ban chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban khi được phân công. Các thành viên Ban chỉ đạo được quyền huy động các phòng ban chuyên môn và cán bộ công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.

Hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch của thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Thành Duy

+ Trách nhiệm của Trưởng Ban chỉ đạo: Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cấp nước và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn; chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của Ban trong việc và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn. Ủy quyền cho Phó Ban thường trực là lãnh đạo Sở Xây dựng giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.

+ Trách nhiệm của các Phó Ban chỉ đạo: Ngoài giúp việc hoặc thay mặt Trưởng ban xử lý các công việc thường xuyên theo phân công, ủy quyền, Phó Ban chỉ đạo là Cơ quan thường trực trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện các nội dung: tổ chức lập dự toán chi phí hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc; gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định bố trí kinh phí hoạt động theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện phối hợp với các đơn vị cấp nước khu vực đô thị triển khai thực hiện các nội dung cấp nước an toàn, chống thất thoát…; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư công trình cấp nước đô thị trên địa bàn; tổ chức rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới hệ thống cấp nước sạch khu vực đô thị; tổ chức thanh, kiểm tra giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo an toàn cấp nước, chống thất thoát, thất thu nước sạch của các đơn vị cấp nước tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Học sinh Trường Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn) nhờ sự tài trợ của các doanh nghiệp đã có nước sạch để dùng. Ảnh: Nguyễn Hải

Các Phó Ban chỉ đạo thuộc các sở, ngành: Nông nghiệp, Y tế, Tài Nguyên và Môi trường theo chức năng quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích tiết kiệm tài nguyên nước đối với hoạt động cấp nước an toàn…

+ Trách nhiệm của các sở, ngành gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an tỉnh, Khoa học và Công nghệ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật là thành viên thì theo chức năng được giao chủ trì xây dựng hoặc phối hợp để triển khai các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra như:

Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn để tham mưu bố trí vốn cho các dự án lĩnh vực cấp nước an toàn; phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh vào lĩnh vực này; xây dựng chỉ tiêu, dữ liệu để cảnh báo, giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nước sạch tại các đơn vị cấp nước; tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp nước về khoa học công nghệ, quản lý thông minh, bảo vệ nguồn nước lồng ghép biến đổi khí hậu với các đơn vị cấp nước.

Nhà máy nước sạch Quỳnh Thọ sau được bổ sung thêm 7 tỷ đồng đã hoàn chỉnh các hạng mục và chờ lắp đặt đường ống để vận hành. Ảnh: Nguyễn Hải

+ Trách nhiệm của UBND cấp huyện: Tổ chức xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát và thất thu nước sạch trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện theo Kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn quản lý; phối hợp với cơ quan liên quan trong thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện các quy định về đảm bảo cấp nước an toàn; phối hợp với các đơn vị cấp nước sạch và các cơ quan liên quan xác định ranh giới, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa sau khi được phê duyệt.

Ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các đơn vị trên địa bàn; phối hợp với UBND cấp xã tổ chức lập kế hoạch phát triển cấp nước và đề xuất các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước trên địa bàn trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cuối cùng, Quy chế này cũng giao trách nhiệm đối với người đại diện theo pháp luật của các đơn vị cấp nước trong tổ chức thực hiện thỏa thuận đã ký với địa phương; xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá báo cáo kết quả công tác triển khai; phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; đề xuất phương án xử lý kiến nghị đến cơ quan quản lý hệ thống cấp nước tại khu vực và kịp thời thông báo tình hình chất lượng nước về Ban chỉ đạo để xem xét, giải quyết đúng quy định./.

Nguyễn Hải

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-dam-bao-cap-nuoc-an-toan-chong-that-thoat-va-that-thu-nuoc-sach-post288876.html