Nghệ thuật tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Thông tin liên lạc (TTLL) đã huy động sức mạnh tổng hợp, anh dũng, mưu trí, chủ động, sáng tạo, bảo đảm TTLL cho Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống.

Sẵn sàng hy sinh giữ vững mạch máu thông tin liên lạc

Sau khi nhận nhiệm vụ, ngày 17-1-1954, Cục TTLL chủ động tổ chức cơ quan thông tin chiến dịch (Ban ba) và phân đội thông tin trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, nắm vững tình hình mọi mặt, triển khai xây dựng kế hoạch TTLL. Các loại văn kiện tài liệu, quy ước tên sóng, mật ngữ vô tuyến điện được cơ quan thông tin chuẩn bị chu đáo trong giai đoạn chuẩn bị. Công tác huấn luyện bộ đội được quan tâm chu đáo. Khi Bộ chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cơ quan thông tin chiến dịch đã nắm vững tình hình, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, củng cố vững chắc hệ thống TTLL. Cùng với việc tổ chức thông tin vô tuyến điện bảo đảm cho Đại đoàn 308 tiến công sang Thượng Lào, cơ quan thông tin chỉ đạo 2 đại đội hữu tuyến điện triển khai đường dây từ Thẩm Púa về Sơn La và từ Sơn La về Yên Bái, bảo đảm liên lạc từ tiền tuyến về hậu phương.

Tại mặt trận, bộ đội vẫn được đọc báo, tạp chí do chiến sĩ quân bưu mang đến. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô lớn, địa hình phức tạp, điều kiện tác chiến diễn ra liên tục, dài ngày. Mặt khác, do ở xa hậu phương, vận tải tiếp tế khó khăn, địch lại có ưu thế về hỏa lực pháo binh, không quân, đòi hỏi công tác lãnh đạo tư tưởng phải nhạy bén, kịp thời và liên tục. Vì vậy, cơ quan thông tin và các đơn vị thông tin luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ không sợ gian khổ, hy sinh, xây dựng quyết tâm bảo đảm TTLL thông suốt trong mọi tình huống.

Lực lượng TTLL đã triển khai gần 1.200km đường dây thông tin hữu tuyến điện trong điều kiện địa hình phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt suốt ngày đêm vào các trọng điểm, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nhưng TTLL vẫn thông suốt. Tinh thần đó được tiếp tục phát huy trong đợt 1 của chiến dịch, khi Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 102, đường dây hữu tuyến điện Trung đoàn 141 tới Tiểu đoàn 11 bị pháo địch bắn đứt ngay khi bắt đầu nổ súng tiến công. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ thông tin đã triển khai lực lượng, phương tiện khắc phục giữa bom đạn ác liệt của địch. Chỉ sau 40 phút, đường dây liên lạc được nối thông nhưng 12 đồng chí của đơn vị đã anh dũng hy sinh. Trong đợt 2 chiến dịch, khi Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm đồi A1, địch dùng pháo binh chống cự quyết liệt, đường dây điện thoại giữa Trung đoàn với các mũi tiến công bị pháo kích địch bắn đứt nhiều lần, các chiến sĩ thông tin đã dũng cảm khắc phục để nối thông liên lạc dù hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương nặng.

Điển hình về nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan thông tin chiến dịch đã tập trung lực lượng, phương tiện và sự chỉ đạo cho nhiệm vụ chủ yếu, hướng tiến công chủ yếu của từng đợt chiến dịch và từng trận đánh then chốt. Khi các Đại đoàn 312, 308 đánh trận Him Lam, Độc Lập trong đợt 1, cơ quan thông tin đã tổ chức liên lạc với các đại đoàn bằng 2 đường dây hữu tuyến điện và đường vu hồi vững chắc. Tổ chức vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc tay đôi chuyên trách, sử dụng cả liên lạc báo và thoại trên máy SCR-694, đồng thời tổ chức liên lạc vượt cấp xuống các trung đoàn. Các Đại đoàn 312, 308 cũng huy động toàn bộ số máy vô tuyến điện sóng cực ngắn hiện có để tổ chức mạng liên lạc thoại giữa các trung đoàn với các tiểu đoàn, các đại đội mũi nhọn trong suốt quá trình chiến đấu.

Chiến sĩ thông tin vận động báo tin chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị cho đợt 3 của chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch huy động hầu như toàn bộ số điện đài để bảo đảm liên lạc; chỉ đạo các đơn vị thông tin kiểm tra, củng cố từng đoạn đường dây hữu tuyến điện và các máy vô tuyến điện từ bộ chỉ huy chiến dịch đến từng trận địa pháo và đài quan sát pháo binh. Cũng trong đợt 3 này, do tính chất quan trọng của trận đánh dứt điểm đồi A1, Đại đoàn 316 tăng cường cho Trung đoàn 174 một tiểu đội vô tuyến điện sóng cực ngắn để liên lạc với các tiểu đoàn, đại đội chủ yếu, kết hợp củng cố các đường dây hữu tuyến điện, đặc biệt là đường dây qua cửa mở, bảo đảm TTLL vững chắc cho chỉ huy trận đánh giành thắng lợi.

Cùng với việc tập trung bảo đảm TTLL cho chỉ huy tác chiến, cơ quan thông tin luôn chú trọng bảo đảm TTLL cho hiệp đồng, triển khai các đường dây giữa các đại đoàn với nhau và giữa trung đoàn bộ binh với đơn vị pháo binh chi viện. Trong chiến dịch này, phương tiện vô tuyến điện của ta còn thiếu nên mạng vô tuyến điện ưu tiên để Bộ chỉ huy hiệp đồng với các chiến trường xa và nắm tình hình chung, còn trong phạm vi chiến dịch chủ yếu hiệp đồng bằng hữu tuyến điện.

Khó khăn lớn nhất của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là xa hậu phương, trong khi nhu cầu về nhân lực, vật chất cho chiến dịch đều phải huy động từ hậu phương, do đó, việc tổ chức bảo đảm TTLL phục vụ chỉ huy hậu cần được Bộ chỉ huy chiến dịch rất coi trọng. Cơ quan thông tin đã tận dụng cơ sở vật chất, tổ chức hệ thống thông tin bằng nhiều phương tiện. Nhờ đó việc cung cấp đạn dược, lương thực, thực phẩm... ra tiền tuyến được kịp thời, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Đây là điển hình về nghệ thuật tổ chức, bảo đảm TTLL trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chỉ huy chặt chẽ, sử dụng lực lượng, phương tiện khoa học

So với các chiến dịch trước, công tác chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan thông tin Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều tiến bộ, các chỉ thị, quy định về TTLL chặt chẽ, chỉ đạo sử dụng từng loại phương tiện được thống nhất. Cơ quan thông tin đã chủ động triển khai một số mặt công tác, nổi bật là công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch TTLL sát thực tế các tình huống chiến đấu; chỉ huy chặt chẽ, kịp thời.

Để bảo đảm TTLL cho giai đoạn 2 của chiến dịch, cán bộ thông tin các cấp tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo khắc phục những sai sót, động viên tinh thần dũng cảm, vượt khó, sẵn sàng hy sinh để giữ vững mạnh máu TTLL. Các đường dây hữu tuyến điện được triển khai đi theo đường hào giao thông của trận địa trên tất cả các hướng, có phương án vu hồi, dự phòng, bảo đảm cho mọi tình huống; bố trí lực lượng trực, bảo vệ và sẵn sàng khắc phục sự cố. Đến đợt 3 chiến dịch, cơ quan thông tin chỉ đạo các đơn vị thông tin tổ chức phân chia từng đoạn đường dây để kiểm tra và củng cố; các máy vô tuyến điện được chuẩn bị rất kỹ ở tất cả các cấp đến từng trận địa pháo và đài quan sát pháo binh; dự kiến đầy đủ các tình huống và có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm TTLL thông suốt và vững chắc đến khi kết thúc chiến dịch.

Phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, tại đèo An Khê các chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện luồn sâu trong rừng phục vụ chiến đấu tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 của Pháp. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, cơ quan thông tin coi trọng các phương án tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện thông tin để phát huy tối đa tính năng kỹ, chiến thuật các loại phương tiện thông tin hiện có, kết hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin với nhau để bảo đảm liên lạc. Các đơn vị được trang bị số lượng lớn với nhiều loại phương tiện thông tin hơn các chiến dịch trước. Hệ thống thông tin Sở chỉ huy chiến dịch được tổ chức kết hợp 3 loại phương tiện chính là hữu tuyến điện, vô tuyến điện và thông tin chuyển đạt. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, cơ quan thông tin xác định liên lạc hữu tuyến điện là phương tiện chủ yếu, vì vậy đã triển khai 2 đường dây hữu tuyến điện từ sở chỉ huy Mường Phăng đến Đại đoàn 316 và 312; các đường liên lạc với các đại đoàn đều có vu hồi qua trạm giữa, hoặc triển khai từ tổng đài đại đoàn này đến tổng đài đại đoàn khác, tạo thế vu hồi vững chắc. Đồng thời trên các tuyến hữu tuyến điện, bố trí các trạm bảo vệ kết hợp với các trạm thông tin chuyển đạt, vừa có tác dụng hỗ trợ nhau trong công tác, vừa tăng thêm tính vững chắc cho hệ thống thông tin.

Giữ bí mật là một trong những yếu tố quan trọng nhất của công tác tổ chức bảo đảm TTLL. Vì vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan thông tin chiến dịch và lực lượng thông tin các đơn vị luôn chú trọng công tác này. Trước khi bước vào chiến dịch, cơ quan thông tin quy định về sử dụng vô tuyến điện cho từng loại máy và từng đối tượng liên lạc; kết hợp với cơ quan tác chiến xây dựng bảng chữ đúc nghiệp vụ, chuẩn bị tài liệu, quy ước tên sóng, tổ chức học mật ngữ, mật danh, tiếng lóng và các quy định liên lạc chặt chẽ.

Khi bước vào đợt 2 chiến dịch, để giữ bí mật cho Bộ chỉ huy chiến dịch, đội vô tuyến điện được chia thành 2 bộ phận, một bộ phận gồm các điện đài liên lạc với hậu phương, với các chiến trường xa được đặt cách Sở chỉ huy chiến dịch 10km, liên lạc theo các hướng khác với hướng Điện Biên Phủ. Các đài này chỉ được làm việc khi liên lạc hữu tuyến điện bị gián đoạn. Để bảo đảm việc chuyển nhận điện giữa cơ yếu với thông tin, Đội vô tuyến điện 101 tổ chức liên lạc chuyển đạt 2 đầu, hẹn gặp nhau ở giữa đường giao nhận về cơ yếu và nhận điện chuyển cho các đơn vị. Nhờ biện pháp trên, từ cuối tháng 3 đến khi kết thúc chiến dịch, Sở chỉ huy chiến dịch không di chuyển, nhưng vẫn an toàn, không bị địch phát hiện.

Ngoài ra, nghi binh thông tin là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch nghi binh của chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi. Ngay sau khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 tiến quân sang Thượng Lào hướng về Luang Prabang, nhằm làm cho địch nhầm tưởng ta bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn chỉ thị cho một bộ phận mang theo một đài vô tuyến điện đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày 3 lần chuyển điện báo cáo để địch lầm tưởng Đại đoàn 308 đang quay về đồng bằng.

70 năm đã trôi qua nhưng nghệ thuật tổ chức bảo đảm TTLL trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá VŨ VIẾT HOÀNG (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/chuyen-o-chien-truong/nghe-thuat-to-chuc-bao-dam-thong-tin-lien-lac-trong-chien-dich-dien-bien-phu-774802