Nhà vườn Cầu Kè: Triển vọng nghề nuôi ong lấy mật gắn với sản phẩm OCOP

Với lợi thế là huyện có diện tích vườn cây ăn trái tập trung lớn nhất của tỉnh (trên 8.500ha) và môi trường tự nhiên thoáng mát, nằm ven tuyến Sông Hậu... đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật của các nhà vườn ở huyện Cầu Kè phát triển và đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho kinh tế vườn.

Nhà vườn Nguyễn Văn Thiện kiểm tra các cầu ong.

Nhà vườn Nguyễn Văn Thiện kiểm tra các cầu ong.

Qua ghi nhận thực tế từ các hộ nuôi ong lấy mật ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè; cho thấy, chỉ sau 01 tháng đặt thùng ong trong các khu vườn, đem lại từ 15 - 20 lít mật/10 thùng ong; với giá bán dao động 250.000 - 400.000 đồng/lít.

Nhà vườn Lê Văn Huấn, ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới cho biết: vừa qua, gia đình được hỗ trợ 09 thùng ong mật giống Ý. Sau 01 tháng đặt ong, lượng mật gia đình thu được 15 lít. Lượng mật ong sẽ tăng dần lên theo thời gian nuôi và lượng ong con sẽ nhân rộng tăng trên các cầu ong (dụng cụ để ong bám vào).

Cùng tham gia nuôi ong trong ấp Mỹ Văn, nhà vườn Trần Văn Thiện chia sẻ: điều kiện ở Ninh Thới rất phù hợp với phát triển nghề nuôi ong lấy mật; tuy nhiên, về kỹ thuật còn hạn chế, nhà vườn chưa nắm được kỹ thuật tách đàn, bắt ong chúa và tạo cầu ong mới để nhân rộng. Chi phí gầy ong cũng không nhiều, giá mỗi thùng ong giống dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/thùng (10 cầu).

Với diện tích vườn cây ăn trái của xã Ninh Thới hiện hơn có 1.100ha và các vùng lân cận tiếp giáp với xã đều là vườn cây, nên nguồn phấn hoa rất phong phú để ong hút mật.

Theo ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh: đối với nghề nuôi ong lấy mật có chi phí đầu tư không lớn, phù hợp với các vùng trồng cây ăn trái và đây là nguồn lợi kinh tế tăng thêm đáng kể cho nhà vườn.

Việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật không chỉ đem lại kinh tế cho nhà vườn, mà còn góp phần rất lớn trong việc hướng người sản xuất nông nghiệp thực hiện tốt quy trình canh tác theo hướng an toàn, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong phun xịt để phòng trị sâu bệnh trên cây trồng. Do con ong rất dễ mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật và bán kính bay của ong trong quá trình tìm nguồn phấn hoa khá xa…

Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: hiệu quả của 14 hộ được hỗ trợ nuôi ong ở Ninh Thới, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền nông dân phát triển, nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật tại các xã có diện tích vườn cây ăn trái tập trung như An Phú Tân, Hòa Tân, Tam Ngãi... đồng thời gắn với việc xây dựng sản phẩm OCOP về mật ong nuôi.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nha-vuon-cau-ke-trien-vong-nghe-nuoi-ong-lay-mat-gan-voi-san-pham-ocop-36165.html