Nhân lực – thách thức hàng đầu trong mục tiêu trung tâm công nghiệp bán dẫn

'Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam' hôm 29-10 tại Hà Nội đã phác thảo nên thực trạng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực, trung tâm ươm tạo cho lĩnh vực, từ đó hướng tới sự phát triển mạnh mẽ của ngành. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức để thực hiện kế hoạch trở thành trung tâm nhân lực về bán dẫn của thế giới.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi diễn ra hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam hôm 29-10. Ảnh: BTC

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi diễn ra hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam hôm 29-10. Ảnh: BTC

Khai thác lợi thế từ nguồn tài nguyên đất hiếm

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn… Số liệu ước tính của nhiều tổ chức cho thấy, trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trên thế giới, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Theo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, dự kiến trong thời kỳ đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai.

Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Đây là khu vực tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm – điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Riêng tại tỉnh Lai Châu có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.

Bên cạnh đó, một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt. Nó có vai trò là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn… Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, gốm, chất phát quang. Đất hiếm còn được dùng để chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…

Các nhà khoa học gọi đất hiếm là nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới hiện có trị giá khoảng 8,1 tỉ đô la Mỹ và sẽ tăng lên đến 14,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghệ cao. Do đó, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.

Hàng loạt thách thức trong phát triển nguồn nhân lực

Gần cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tại sự kiện này, ông Bùi Thanh Tùng, đại diện cho Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên đến nay việc đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng dưới 20%. Nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm, thiếu về số lượng, chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Để phát triển nguồn nhân lực thời gian tới, ông Tùng đề xuất cần thí điểm ngành đào tạo về bán dẫn và vi mạch, đào tạo chuyển đổi từ các ngành gần, liên quan. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch. Thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong lĩnh vực này giảng dạy tại các trường đại học…

Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn nhưng không đủ đáp ứng. Ở TP.HCM, sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế…

Trong khi đó, ông Vinh cho hay, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỉ đồng/năm.

Cùng chung tình trạng với Synopsys, tại hội thảo ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, cho biết từ đầu năm tới nay doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư nhưng tới giờ mới tuyển được 6 kỹ sư có kiến thức về vi mạch. Nhân lực trong ngành chip bán dẫn đang thiếu rất lớn.

Cũng tại hội thảo trên, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo chia sẻ, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9 vừa qua, cơ hội lớn trong hợp tác phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn đã được mở rộng, nhưng thực tế triển khai lại đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

Ông Sơn cho biết, Bộ này đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia kế hoạch trên. Tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, theo ông Sơn còn rất ít. Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Theo ông Sơn, việc đầu tiên và cũng quan trọng là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học (về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…). Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Bên cạnh đó, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư – nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các trường phải có dữ liệu, có kế hoạch bài bản, chắc chắn trong đào tạo, không phải thấy lạc quan mà tuyển sinh ào ạt. Nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sẽ nâng được tầm, vị thế của đất nước. Do đó bộ này xác định việc đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp chip bán dẫn là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn được ưu tiên.

Còn tại buổi họp giao ban quí 3 của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật của Bộ này cho biết hiện Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Do vậy, ông Hùng cho rằng, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.

Để giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn cho Việt Nam, thời gian tới, Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn – những nơi góp phần bồi dưỡng các nhân tài cho ngành bán dẫn.

Ông Hùng cho rằng cơ quan này sẽ tìm cách thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor cho biết, để bổ sung gấp nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt, FPT đã nhận chỉ tiêu với Thủ tướng sẽ đào tạo thêm 15.000 kỹ sư bán dẫn. Trường Đại học FPT cùng FPT Semiconductor vừa công bố việc thành lập khoa vi mạch bán dẫn. FPT sẽ đưa các chương trình giảng dạy về bán dẫn xuống cả hệ đào tạo cao đẳng. Một số công ty đóng gói chip hiện có nhu cầu về kỹ sư hoặc công nhân bậc cao. Đây cũng là mảng thị trường đầu ra cho nguồn nhân lực được đào tạo về bán dẫn.

Tại diễn đàn “SEMI SEA TalentConnect – Kết nối nhân tài” do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn toàn cầu (SEMI) phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, ông Scott Nguyễn, Giám đốc Hỗ trợ khách hàng, sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, Kulicke & Sofa cho biết, những con chip cực nhỏ điều khiển mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô… Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới.

Công nghiệp bán dẫn và vi mạch đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia. Tại diễn đàn, ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Technology Việt Nam, cho biết năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu đạt khoảng 600 tỉ đô la Mỹ.

Cũng tại diễn đàn, ông Edmund Mok, Ban Phát triển Kinh tế Singapore cho biết, nhân tài bán dẫn được săn đón trên toàn cầu. Tới năm 2030, ngành bán dẫn sẽ cần thêm 900.000 nhân sự. Các quốc gia mới công bố đầu tư vào nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ thiếu trầm trọng nhân sự có kỹ năng. Vì thế, các chính phủ, doanh nghiệp đang tập trung chiến lược vào các chương trình đào tạo mới để phát triển nhân lực tài năng về bán dẫn.

Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình sản xuất bán dẫn và vi mạch là thách thức toàn cầu. Muốn tận dụng và phát huy tốt cơ hội, tiềm năng, Việt Nam cần sớm tìm ra những lời giải hữu hiệu cho bài toán nhân lực.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhan-luc-thach-thuc-hang-dau-trong-muc-tieu-trung-tam-cong-nghiep-ban-dan/