Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4):Hiệu quả từ phát triển tài sản trí tuệ

Sau gần ba năm triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 (theo Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 16-7-2021 của UBND thành phố Hà Nội), hoạt động sở hữu trí tuệ ở Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng bằng và đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ toàn quốc do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, tháng 3-2024.

Những kết quả tích cực

Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, qua đó góp phần nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nâng cao được giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất...

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, thời gian qua, nhiều sản phẩm của huyện Sóc Sơn đã được xây dựng thương hiệu thông qua hình thức bảo hộ thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể) như: Tre trúc Thu Thủy, rau hữu cơ Sóc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn, dược liệu Sóc Sơn... Thông qua đó, một số sản phẩm đã cải thiện được chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế bất lợi về giá, người sản xuất có thương hiệu bán hàng và liên kết theo chuỗi, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp thương mại...

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thành Vân nhận xét, nhờ được đầu tư kinh phí bảo tồn và phát triển thương hiệu làng nghề, các làng nghề như Bát Tràng (gốm sứ), Vạn Phúc (lụa), Chuông (nón)... gìn giữ, phát huy được nghệ thuật thủ công truyền thống, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Với những kết quả đã đạt được, bước đầu chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã có tác động tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại, mở rộng thị trường của sản phẩm, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp cho người dân nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng. Một số sản phẩm đặc sản tuy đã được xây dựng thương hiệu nhưng việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn...

Hỗ trợ khai thác thương mại tài sản trí tuệ

Để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của địa phương cũng như của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thành Vân cho rằng, Hà Nội cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển thương hiệu làng nghề. Việc áp dụng những công nghệ mới và hướng tiếp cận hiện đại không chỉ góp phần bảo vệ di sản văn hóa độc đáo của các làng nghề mà còn thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện vị thế của các sản phẩm thủ công trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Thành phố cũng tập trung hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm truyền thống, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực...; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ, thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 một cách thiết thực nhất.

Năm 2023, thành phố Hà Nội có 16.256 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó đã cấp 8.529 Giấy chứng nhận; 565 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đã được cấp 401 văn bằng bảo hộ độc quyền; 718 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích và đã được cấp 408 văn bằng bảo hộ độc quyền. Khối lượng tài sản trí tuệ được hình thành thông qua các văn bằng bảo hộ này đã góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-26-4-hieu-qua-tu-phat-trien-tai-san-tri-tue-664679.html