Nhiều góp ý sửa đổi Luật Đấu giá tài sản năm 2016

Đoàn Đại biểu Quốc hội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho một số dự án luật, trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường tiếp thu các ý kiến từ Hội nghị Lấy ý kiến đóng góp cho một số dự án luật ngày 24-4. Ảnh: T.Danh

Đã có nhiều ý kiến góp ý sửa đổi, kiến nghị bổ sung những vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung

Ngày 24-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị góp ý cho 3 dự án luật sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng phòng Xây dựng và phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp Từ Đình Khôi cho biết, đến nay Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản cơ bản đã đáp ứng được công tác quản lý nhà nước đối với việc đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, luật cũng tạo điều kiện, hành lang pháp lý phục vụ việc thực hiện đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản, là cơ sở để người có tài sản tham gia giám sát, kiểm tra việc đấu giá tài sản…

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã có sự bất cập với hệ thống pháp luật như: Luật Đất đai và các quy định quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Cụ thể như trường hợp quy định về thông tin của người tham gia đấu giá tài sản, giữa Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Luật Đất đai có những quy định không thống nhất. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản liên quan quy định: “Nghiêm cấm tổ chức đấu giá để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá”. Trong khi Điều 58 Luật Đất đai năm 2013; Điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai quy định: “Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì thời điểm thẩm định được thực hiện trước khi tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất”. Với quy định trên, trước khi tổ chức đấu giá phải gửi hồ sơ hoặc mời các sở, ngành liên quan đến thẩm định điều kiện người tham đấu giá trước khi tổ chức đấu giá. Như vậy, có thể dẫn đến thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá bị lộ.

Ngoài ra, việc Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định thời hạn niêm yết việc đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn đối với động sản và thời hạn tổ chức xem tài sản đấu giá vẫn còn trùng lặp cũng cần phải rà soát, cân nhắc cho phù hợp.

Những điều chưa thống nhất cần phải điều chỉnh

Tại hội nghị nói trên, Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Đức Thắng cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có một số nội dung cần phải bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với các quy định pháp luật. Chẳng hạn như việc quy định về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Khoản 1, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”.

Như vậy, tài sản công bao gồm nhiều loại tài sản, đã được quy định cụ thể tại nội dung nêu trên. Trong đó, tài sản công không chỉ bao gồm các tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, mà còn bao gồm tài sản công do Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý, khai thác nhưng không tính vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các loại tài sản khác.

Tuy nhiên, theo nội dung Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản lại quy định: “Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” có thể gây hiểu lầm về việc chỉ có tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải bán đấu giá, mà không bao gồm tài sản công Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý, khai thác nhưng không tính vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các loại tài sản khác.

Qua đó, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cân nhắc việc dự thảo luật cần kế thừa nội dung quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 theo hướng quy định “tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Đối với quy định về thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại dự thảo luật, việc quy định về thời hạn đối với quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (niêm yết việc đấu giá tài sản, xem tài sản đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, thông báo công khai việc đấu giá tài sản) được phân chia theo loại tài sản.

Trong đó, đối với tài sản là động sản, việc quy định về thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá tài sản được sử dụng là “ngày làm việc”. Trong khi với tài sản là bất động sản, quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, thuê đất, quyền khai thác khoáng sản... được sử dụng vừa là “ngày”, vừa là “ngày làm việc”.

Điều đó cho thấy cách thức quy định chưa đảm bảo thống nhất về việc quy định thời hạn trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Điều này có thể phát sinh khó khăn, vướng mắc cho quá trình theo dõi, thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá tài sản hoặc phát sinh tranh chấp, khiếu nại.

Do đó, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cân nhắc việc quy định thống nhất cách thức xác định thời hạn đối với trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực thi.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/nhieu-gop-y-sua-doi-luat-dau-gia-tai-san-nam-2016-bf95f2f/