Nhiều ngành thuộc khối khoa học tự nhiên thí sinh vẫn chưa biết tới

Các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống đào tạo nhân lực nòng cốt cho đất nước nhưng vẫn thiếu nguồn tuyển sinh.

Trái ngược với những nhóm ngành liên quan đến kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông,… được nhiều thí sinh quan tâm lựa chọn thì các lĩnh vực liên quan đến khoa học cơ bản, khoa học sự sống vẫn nhiều năm nằm trong nhóm khó tuyển sinh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN cho biết là trường đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt nên ngành Khoa học sự sống của nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh ổn định so với các cơ sở giáo dục khác, đặc biệt đây là ngành được các thí sinh theo học khối B lựa chọn.

“Ngành Sinh học và Công nghệ sinh học thường là lựa chọn thứ 2 của các em có nguyện vọng theo học khối y dược, điểm đầu vào nhiều năm thuộc ngành top”, ông Bình cho hay.

Khi theo học các em sẽ được trang bị kiến thức liên quan đến ngành khoa học cơ bản, tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động sinh viên sẽ có nhiều học phần thực tập, làm việc thực tế rất nhiều, từ sớm ngay từ năm nhất.

Cũng theo ông Bình cơ hội việc làm của ngành này là rất lớn không chỉ chuyên về nghiên cứu như lầm tưởng của nhiều thí sinh. “Ngoài việc làm trong khối các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thực phẩm, môi trường, sinh học công nghệ cũng thường xuyên tuyển dụng lĩnh vực này”, TS. Nguyễn Thanh Bình cho hay.

TS.Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bình các ngành về Thủy văn, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học là những nhóm ngành rất khó tuyển sinh, thậm chí có năm không tuyển đủ chỉ tiêu.

“Đây là những ngành nằm trong thuộc khối ngành khoa học trái đất, đào tạo nhân lực nguồn quan trọng của đất nước, phụ vụ cho các công việc như dự báo khí tượng, khí hậu, dự báo tài nguyên môi trường nước,…nhưng lại không được học sinh chú ý tới”, ông Bình chia sẻ.

Nguyên nhân khó tuyển sinh một phần là do yếu tố đầu ra, việc làm cho các em còn hạn chế, công việc chủ yếu ở môi trường công, mức lương còn thấp, đây là ngành hầu như vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng ở Việt Nam. Sinh viên theo học có thể chọn đi du học hoặc làm tại các cơ quan khí tượng thủy văn, trung tâm cảnh báo thiên tai, trạm chỉ huy bay,…tuy nhiên số lượng tuyển dụng là không nhiều.

Các trường đào tạo cũng mong mỏi có sự đầu tư và quan tâm hơn của nhiều bên, có cơ chế đặt hàng đào tạo để đảm bảo việc làm cho các em.

Trước việc tỉ lệ tuyển sinh thấp tập trung ở một số ngành, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá một trong số nguyên nhân là do cơ sở đào tạo chưa đủ uy tín, thương hiệu hấp dẫn thí sinh.

Bên cạnh đó, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội. Cũng có thể bởi ngành đào tạo hẹp, mới thí điểm, thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Giải pháp cho vấn đề này, các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, chú ý nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và ngành.

Các cơ sở đào tạo cũng cần đổi mới nội dung ngành, chương trình, môi trường, phương pháp đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ ngành sử dụng nguồn nhân lực, cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.

Trong nhiều năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Theo số liệu tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT, Nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tiêu đạt được 49,10%, Khoa học sự sống chỉ tiêu tuyển sinh 57,92%, Khoa học tự nhiên là 59,43% và Dịch vụ xã hội là 61,36%.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-nganh-thuoc-khoi-khoa-hoc-tu-nhien-thi-sinh-van-chua-biet-toi-a661920.html