Nhìn từ Hà Nội: Điện hạt nhân trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh

Tháng 2/2022, Ủy ban Châu Âu đã đưa khí đốt và điện hạt nhân vào danh sách các lĩnh vực đầu tư bền vững, nhận định hai ngành này đóng vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng, là nguồn năng lượng sạch hơn so với các nguồn khác trong quá trình các nước chuyển đổi sang một tương lai trung hòa phát thải carbon.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là một tương lai ít carbon có được nhờ nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên hiện nay, Châu Âu chưa có đủ năng lực để thực hiện mục tiêu này, trong khi vẫn phải hành động khẩn cấp.

ĐIỆN HẠT NHÂN – BƯỚC ĐỆM CHO CHUYỂN ĐỔI XANH?

Bà MAIREAD MCGUINNESS - Ủy viên Liên minh Châu Âu:Trong quá trình chuyển đổi này, các nước thành viên cần phải nhanh chóng từ bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch carbon lớn như than đá và phải chấp nhận các giải pháp chưa thực sự hoàn hảo. Quyết định này là nhằm bảo vệ các dự án điện hạt nhân và khí đốt phù hợp với các quy định về tài chính bền vững.”

Điện hạt nhân cũng được đề cập tới trong bản kế hoạch “Nước Pháp 2030” mà Tổng thống Emmanuel Macron giới thiệu vào tháng 10/2021. Pháp dự kiến dành 8 tỉ euro cho quá trình khử carbon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế, bao gồm phát triển điện hạt nhân, hydro xanh và điện khí hóa trong công nghiệp.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những công nghệ đột phá và sự chuyển đổi hoàn toàn của năng lượng hạt nhân. Đó là những lò phản ứng hạt nhân mini. Những lò phản ứng nhỏ này sẽ dễ dàng thích nghi hơn và an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay, và cũng bởi an toàn là yếu tố quan trọng trong các cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân.”

Còn tại Anh, tháng 4/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này sẽ xây dựng tới 8 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2030, để đảm bảo “không bao giờ phải chịu sự biến động của giá dầu và khí đốt toàn cầu”.

Sau một thời gian trầm lắng, điện hạt nhân dường như được thổi 1 làn sinh khí mới với những tiếng nói ủng hộ từ Châu Âu.

Bà OLGA ALGAYEROVA - Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Âu: “Năng lượng hạt nhân là một nguồn quan trọng cung cấp nhiệt và điện với mức carbon thấp, từ đó có thể góp phần vào nỗ lực đạt trung hòa carbon và giảm thiểu biến đổi khí hậu.”

Giáo sư KAI VETTER - Đại học California, Berkeley: “Phần lớn các quốc gia ở Châu Âu sẽ còn ủng hộ điện hạt nhân mạnh mẽ hơn.”

Còn tại Châu Á, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân, với 53 nhà máy có thể hoạt động, 19 nhà máy đang xây dựng và 34 nhà máy có kế hoạch xây dựng trong tương lai (theo thống kê của Nikkei Asia).

Tại Nhật Bản, một cuộc thăm dò hồi tháng 3 năm nay cho thấy, lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, kể từ thảm họa ở Fukushima, đa số người dân ủng hộ tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

Một quốc gia tại Đông Nam Á là Philippines cũng ghi nhận bước chuyển đáng chú ý liên quan đến phát triển điện hạt nhân vào tháng 3 vừa qua, khi Tổng thống Philippines khi đó là ông Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Giới chức Philippines muốn giảm dần các nhà máy điện than để đạt mục tiêu về khí hậu và hồi sinh nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ - Bataan sau nhiều thập kỷ tạm dừng vận hành.

Việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đảm bảo lợi ích quốc gia và an ninh năng lượng là mục tiêu của mọi quốc gia trên thế giới. Trong thời gian gần đây, chúng ta đang chứng kiến một xu hướng đáng chú ý: Đó là nhiều nước lựa chọn đẩy mạnh điện hạt nhân. Thậm chí còn xuất hiện cụm từ “sự phục hưng của điện hạt nhân”. Hơn 1 thập kỉ sau sự cố ở Fukushima, số lượng lò phản ứng đóng cửa vĩnh viễn ít hơn số được đưa vào hoạt động trong cùng thời gian, chưa kể hàng chục lò phản ứng đang được xây dựng. Vậy có phải là điện hạt nhân đang lấy lại được niềm tin?

Những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về thời hạn cụ thể phải đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, xung đột tại Ukraine định hình lại bản đồ phân phối năng lượng toàn cầu đóng vai trò như thế nào đối với sự nổi lên của điện hạt nhân hay không? Việc phát triển điện hạt nhân có phải là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh? Và tại Việt Nam chúng ta, điện hạt nhân đang được đánh giá, nhìn nhận như thế nào và định hướng ra sao?

Để cùng bàn luận và tìm lời giải đáp thấu đáo cho những câu hỏi này, chúng tôi đã mời tới trường quay PGS.TS VƯƠNG HỮU TẤN - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

"Ai có thể cưỡng lại một nguồn năng lượng thải ít CO2 hơn than đá tới 70 lần, ít hơn khí đốt 40 lần, ít hơn năng lượng mặt trời 4 lần, ít hơn thủy điện 2 lần và bằng điện gió?". Những mô tả này của Tập đoàn nhiên liệu hạt nhân Oraro (Pháp) có thể giúp chúng ta hình dung về một đặc điểm nổi trội của điện hạt nhân, ít nhất là trên khía cạnh về phát thải khí nhà kính. Nhiều quốc gia đang đặt niềm tin rằng hạt nhân sẽ là một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Thế nhưng vẫn còn không ít nghi ngờ và quan ngại.

ĐIỆN HẠT NHÂN – NGHI NGỜ VÀ QUAN NGẠI

Cũng đặt mục tiêu chuyển dịch sang năng lượng tái tạo như các quốc gia Châu Âu khác, nhưng Đức không coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng chuyển đổi. Loại bỏ điện hạt nhân đã được Quốc hội Đức quy định thành luật từ năm 2011 và nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong dân chúng.

Ông STEFFEN HEBESTREIT - người phát ngôn Chính phủ Đức: “Đức phản đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một loại năng lượng xanh. Cuối năm 2021, chúng ta đã dừng hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân và chỉ còn 3 nhà máy nữa sẽ hoạt động cho tới cuối năm nay trước khi bị đóng cửa hoàn toàn. Điều này sẽ đánh dấu thời điểm Đức chính thức xóa bỏ năng lượng hạt nhân.”

Ngày 31/12/2021, ba nhà máy điện hạt nhân ở các bang Schleswig-Holstein, Niedersachsen và Bayern của Đức đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Theo Bộ Môi trường và Bảo vệ người tiêu dùng, việc loại bỏ điện hạt nhân giúp nước Đức an toàn hơn và giúp tránh chất thải phóng xạ.

Ông ARNE FELLERMANN - nhà hoạt động môi trường: “Việc loại bỏ công nghệ không an toàn, tốn kém và không bền vững là rất quan trọng. Chúng tôi rất vui vì một số nhà máy hạt nhân đã dừng hoạt động và giai đoạn sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ chính thức chấm dứt vào năm 2022.”

Thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về các hậu quả thảm khốc tiềm ẩn của một sự cố hạt nhân. Ước tính có 220.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa. Lượng phóng xạ phát ra từ thảm họa này đã khiến 4.440km2 đất nông nghiệp và 6.820km2 đất rừng ở Belarus và Ukraine không thể sử dụng được nữa.

Còn tại Nhật Bản, 11 năm sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, công tác phục hồi vẫn chưa thể hoàn tất. Một lượng lớn chất phóng xạ vẫn đang len lỏi trong lòng đất, ảnh hưởng to lớn đến sản xuất nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Tiến trình dọn dẹp dự kiến sẽ mất 30-40 năm và tiêu tốn hàng tỉ USD.

Ông HIROSHI HATTORI - Văn phòng phụ trách các vấn đề môi trường khu vực Fukushima, Bộ Môi trường Nhật Bản:Rất khó để xóa hết tất cả dấu vết ô nhiễm hạt nhân ở khu vực rừng núi, vì nếu loại bỏ các chất phóng xạ đã xâm nhập vào lòng đất, chúng ta phải đào sâu qua lớp phủ thực vật trên bề mặt.”

Phó giáo sư KUMPEI HAYASHI - Đại học Fukushima, Nhật Bản: “Nếu chúng ta không thể xử lý tình trạng phóng xạ ở các khu vực rừng núi, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong 10 - 20 năm nữa. Khi chất phóng xạ tích tụ ngày càng nhiều sẽ rất khó để đảm bảo an toàn lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp.”

Việc xử lý nước thải từ nhà máy điện hạt nhân đã bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 11 năm cũng là một vấn đề nan giải của Nhật Bản. Nhiều người dân phản đối việc xả nước thải hạt nhân ra biển, mặc dù Chính phủ Nhật Bản khẳng định nước này là an toàn vì đã được xử lý và loại bỏ hết phóng xạ.

Xử lý chất thải hạt nhân như thế nào cũng là vấn đề đang dấy lên bất đồng tại một số nước Châu Âu. Theo Euronews, Bosnia đang phản đối mạnh mẽ việc Croatia lên kế hoạch xây dựng cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ gần khu vực biên giới hai nước, do lo ngại điều này có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.

Chúng ta đã cùng PGS.TS Vương Hữu Tấn đánh giá về xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Vậy tại Việt Nam, điện hạt nhân đang được đánh giá, nhìn nhận như thế nào? Tháng 4/2022, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc trực tiếp với tỉnh Ninh Thuận về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội về việc dừng chủ trương thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã hoàn hành báo cáo giám sát về nội dung này.

TƯƠNG LAI ĐIỆN HẠT NHÂN TẠI VIỆT NAM

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban Kinh tế đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP26. Do đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát, đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo đang bùng nổ trong thời gian gần đây, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo.

Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, vấn đề bỏ hay giữ điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã làm nóng nghị trường.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh:Vừa rồi có một số thông tin, trong đó có cả Ủy ban Kinh tế, tôi thấy có một sự luyến tiếc về quy hoạch này. Cá nhân tôi xin phép được đề nghị xóa quy hoạch này, còn trong một số 5, 15, 20 năm nữa có làm điện hạt nhân hay không thì sẽ làm lại quy hoạch mới. Quy hoạch đấy sẽ chọn nếu chúng ta làm chúng ta đặt nó ở đâu, còn bây giờ chúng tôi đề nghị giải quyết rốt ráo, triệt để quyền lợi cho bà con ở đó. Chúng ta không nên luyến tiếc nữa. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, năng lực tự chủ của chúng ta về năng lượng hạt nhân là còn rất thấp. Chúng ta phải lệ thuộc vào nước ngoài rất nhiều. Còn quản lý rủi ro lại càng thấp hơn.”

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công Thương: Nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ. Cho nên về nguyên tắc không có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân. Mặt khác địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành cùng các ngành có liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho phát triển điện hạt nhân.

Thế giới hiện nay cũng đã phải quay lại phát triển điện hạt nhân, bởi lẽ những gì các quốc gia cam kết tại COP26 là phải phát triển năng lượng sạch, theo đó khai thác năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có điện linh hoạt hay nói cách khác là điện nền ổn định, mà điện nền thì chỉ có thể là điện than, nhiệt điện than hoặc là thủy điện. Nhưng nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện đã hết dư địa phát triển.

Vì vậy, trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 thì chúng ta buộc phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Nhưng để phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà điện nền thì xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân.”

Con đường vươn tới phát thải ròng bằng 0 là tất yếu, và là hướng đi chung của mọi quốc gia trên toàn cầu, sau những cam kết mạnh mẽ được đưa ra tại COP26. Tuy nhiên, đi trên con đường này như thế nào, sử dụng loại năng lượng nào làm “phương tiện” để đi tới đích, thì phải phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh, nguồn lực về tài chính, công nghệ và cả nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Có một điều chắc chắn là “không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo cả, mà chỉ có lựa chọn tối ưu”.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-tu-ha-noi-dien-hat-nhan-trong-tien-trinh-chuyen-dich-nang-luong-xanh