Nhớ thời 'xẻ dọc Trường Sơn'

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người lính đã anh dũng vượt qua 'mưa bom, bão đạn' của quân thù để 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'. Họ đã viết nên những trang sử hào hùng mang tên lính Trường Sơn, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

65 năm trước, để chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Đúng dịp kỷ niệm 59 năm sinh nhật Bác, Đoàn 559 ra đời làm nhiệm vụ đặc biệt. Suốt 16 năm “đi không dấu, nấu không khói, soi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, bộ đội Trường Sơn đã lập nên những chiến công hiển hách.

Tự hào lính Trường Sơn

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 5, các thành viên trong Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lại gặp gỡ, trò chuyện, ôn kỷ niệm về một thời oanh liệt cùng với mưa bom bão đạn. Những người lính Trường Sơn từng đối mặt trước lằn ranh sống chết khi máy bay địch liên tục quần thảo, đánh bom bất kể ngày đêm.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lộc, thương binh hạng 4/4 và vợ bà Vũ Thị Mì, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đều là chiến sỹ của Đoàn 559. Ông Lộc là chiến sỹ lái xe còn bà là y tá quân y. Đến bây giờ, ông Lộc vẫn nhớ như in quãng thời gian lái xe chở công binh, hàng hóa trên tuyến đường Trường Sơn, thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến nước bạn Lào. Ông bảo, máy bay địch ném bom ác liệt nhất vào năm 1971, 1972. Chúng đánh phá các đoàn xe vận tải, cắt đường chi viện từ Bắc vào Nam của ta. Để đảm bảo an toàn, xe chúng tôi chỉ chạy ban đêm. Khi chạy, xe chỉ bật đèn gầm, đêm nào có trăng sáng thì tắt hết đèn. Thời điểm đó, xe và hàng hóa rất quan trọng. Khi bị máy bay địch phát hiện, lái xe vừa phải cố đạp côn ga, vừa phải giữ an toàn cho xe.

Những người lính Trường Sơn ở xã Trung Sơn (Yên Sơn) ôn lại kỷ niệm chiến trường.

Những người lính Trường Sơn ở xã Trung Sơn (Yên Sơn) ôn lại kỷ niệm chiến trường.

Cũng như vợ chồng ông Lộc, vợ chồng ông Đỗ Đức Khoán và Nguyễn Thị Nghiệm, thôn Lân Sơn, xã Trung Sơn (Yên Sơn) cũng đều là lính Trường Sơn. Ông Khoán là lính công binh của Đoàn 559. Thời điểm đó, các tuyến đường giao thông, cầu cống, kho tàng, nhà máy là mục tiêu ném bom ngày đêm của không quân Mỹ với các loại vũ khí hiện đại nhất, gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất, khó khăn. Đơn vị ông Khoán lúc này được giao nhiệm vụ làm trận địa giả thu hút bom, đồng thời phá bom nổ chậm của địch.
“Phá bom là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, không ngại hy sinh. Khi làm nhiệm vụ phải rất bình tĩnh và chính xác, nếu không thì cả đội hy sinh. Đối diện với bom mìn ai cũng sợ, thế nhưng khi đặt niềm tin cho ngày thống nhất đất nước chúng tôi lại quên hết sợ hãi” - ông Khoán nói.

Còn bà Nghiệm, vợ ông Khoán hồi ấy là bộ đội thông tin liên lạc trực máy hữu tuyến của các binh trạm Quảng Bình. Với bà Nghiệm, những năm tháng tham gia chiến trường Trường Sơn là năm tháng khốc liệt nhất của cuộc đời bà. Đến bây giờ, bà vẫn nhớ như in những cơn sốt rét hành hạ cùng những đêm mưa ngập hầm người ướt như chuột lột. Cũng chính nơi này đã để lại di chứng đau thương cho vợ chồng ông bà khi mất đi nhiều đứa con do bà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mặc dù trải qua nhiều đau thương, mất mát, nhưng ông bà chưa bao giờ hết tự hào mình là lính Trường Sơn.

Sáng ngời trong đời thường

Tham gia kháng chiến từ năm 18 tuổi, Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hoàng Thị Nhuận, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có 2 năm phục vụ tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Bà Nhuận chia sẻ, bà sinh ra tại mảnh đất Nam Định, năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bà viết đơn xin vào TNXP. Hành quân vào đến Quảng Bình, bà Nhuận được phân công nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đảm bảo an toàn cho bộ đội và đoàn xe chở hàng chi viện cho tiền tuyến. Một năm sau, bà là một trong số 10% thanh niên trẻ khỏe, dũng cảm của đơn vị được chọn vào đội xung kích, đi mở đường chiến lược, san lấp hố bom tuyến đường Trường Sơn, đảm bảo an toàn tuyến đường huyết mạch, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Sau gần 3 năm tham gia TNXP, bà Nhuận chuyển ngành công tác tại Ty Y tế Hòa Bình, rồi về Bệnh viện Đông y Tuyên Quang đến năm 1991 nghỉ hưu. Năm nay gần 80 tuổi, nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở tổ dân phố với vai trò Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi. Bà Nhuận đã cùng hội viên trong chi hội thực hiện chu đáo thăm hỏi, động viên hội viên ốm đau; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ...

Thương binh hạng 4/4 Trần Dương Xuân, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) có gần 10 năm tham gia quân đội, trong đó có trên 3 năm làm lính lái xe đường Trường Sơn. Ông Xuân chia sẻ: “Năm 1972, tôi nhập ngũ. Sau 4 tháng huấn luyện nhanh về lái xe, chúng tôi đi B lái xe chở hàng tiếp viện tiền tuyến. Sau này, tôi tiếp tục được phân công lái xe chở máy móc chiếu bóng phục vụ bộ đội các chiến trường”. Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, ông bảo: “Hầu hết chúng tôi phải lái xe qua những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học dải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa, mùa khô thì nắng cháy, chưa kể muỗi rừng, rắn rết và sốt rét rừng”. Trong một lần lái xe qua trận địa pháo tại chiến trường Trường Sơn, ông Xuân không may bị mảnh pháo văng vào người, bị thương”. Năm 1981, ông chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Nông - Công nghiệp Chè Tân Trào (nay là Công ty cổ phần Chè Tân Trào) đến khi nghỉ hưu. Về với đời thường, ông tích cực tham gia các hoạt động ở khu dân cư. Ông Xuân hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ hữu nghị Việt - Lào của huyện Sơn Dương. CLB thu hút gần 20 thành viên là các CCB, TNXP. Hoạt động của CLB đã góp phần quảng bá những nét văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đất nước, tô thắm tình hữu nghị giữa 2 nước Việt - Lào.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Ban liên lạc hiện có hơn 400 hội viên. Các hội viên nay đều tuổi cao, sức yếu, nhiều người là thương binh, bệnh binh, nhưng vẫn luôn nêu cao tinh thần tiền phong, thể hiện trong gia đình là người ông bà, cha mẹ gương mẫu; trong tổ chức đảng là đảng viên ưu tú, trong cộng đồng là công dân tích cực. Những chiến sỹ Trường Sơn ngày ấy vẫn hăng hái tham gia các phong trào thi đua của địa phương, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh. Khi là người lính, họ là những anh hùng, trở về đời thường họ là những bông hoa tô đẹp cho đời.

Ghi chép: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nho-thoi-xe-doc-truong-son-192039.html