Những 'trang sử sống' trong kỳ tích Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta được viết nên bởi những con người bình dị và giàu lòng yêu nước. Hiện nay, tại thành phố Đồng Xoài còn 4 người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với những vai trò khác nhau. Người ít tuổi nhất cũng đã 86 tuổi, họ là những 'trang sử sống' với bao ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Cuối năm 1953, trong điều kiện quân địch đã có sự chuẩn bị đề phòng và dùng mọi thủ đoạn để đối phó, chúng ta đã tiến hành một cuộc chuẩn bị hết sức to lớn để thực hiện quyết tâm của trung ương là mở cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Bùi Khải vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, nhất là tin về các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Bùi Khải (quê Hà Nam Ninh cũ, hiện ở khu phố 2, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài) khi ấy chưa tròn 15 tuổi đã tham gia tích cực trong đội thiếu niên địa phương với 3 nhiệm vụ là hỗ trợ công tác địch vận; liên lạc dẫn đường cho quân ta vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men lên chiến trường Điện Biên Phủ; đọc thông tin chiến trường để khích lệ nhân dân. Khi ấy, dù còn ít tuổi nhưng vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cả cha và các anh đều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nên ông Khải đã ý thức được tầm quan trọng của từng nhiệm vụ được giao để nỗ lực hoàn thành.

Hiện tại, dù đã 86 tuổi, đôi tai cũng không còn nghe rõ nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch, ông Khải vẫn nhớ chi tiết từng nhiệm vụ. Ông kể: Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được những lúc đọc tin chiến trường. Khi ấy tôi trèo lên cây mít cao tầm hơn 4m, lúc đầu thì chỉ đưa hai tay làm như hình chiếc loa lên miệng rồi đọc to “loa loa… mời bà con nghe tin chiến thắng ở mặt trận…”. Về sau tôi sáng tạo ra cái loa bằng cây nứa rồi dán giấy xung quanh để âm thanh vang xa hơn. Đến khoảng năm 1953, tôi được cấp cho một chiếc loa bằng sắt, có tay cầm. Mỗi lần đọc tin chiến trường mà quân ta giành chiến thắng, tôi xúc động và tự hào lắm.

Tất cả vì mục tiêu thắng lợi

Dù năm nay đã bước sang tuổi 94 nhưng cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Ngọc Thanh (ở khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài) vẫn nhớ như in những thời khắc chiến đấu quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Thanh nhớ lại: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 thì Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1 là 3 điểm kiên cố nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp. Hồng Cúm nơi đơn vị chúng tôi chiến đấu là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7-5, kết thúc trọn vẹn chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta. Hồng Cúm cũng là nơi mà quân Pháp dự định sử dụng để rút lui sang Lào nếu bị thất thủ cho nên những ngày cuối chiến dịch đơn vị tôi có nhiệm vụ ngăn chặn đường rút của địch”.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh lật từng bức ảnh chụp mỗi lần trở về thăm chiến trường xưa để gợi nhớ những năm tháng hào hùng

Để có được thắng lợi cuối cùng ở trận địa Điện Biên Phủ, quân ta đã phải mất nhiều ngày chuẩn bị. Ngay cả khi vũ khí, khí tài, quân trang, lương thực, thuốc men đã đầy đủ thì việc thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” cũng mất nhiều ngày để sắp xếp lại trận địa pháo. Ông Thanh nhớ lại: “Lúc ấy khi có lệnh của chỉ huy là kéo pháo ra khỏi trận địa thì đơn vị tôi có mấy người, trong đó có tôi được cử lên rừng cưa gỗ để lót đường di chuyển pháo. Lúc ấy bản thân tôi cũng không hiểu mục đích của việc này là gì, chỉ thực hiện theo mệnh lệnh vì mục tiêu chiến thắng mà cấp trên giao. Mãi khi chiến thắng chúng tôi mới thấy đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Ngọc Thanh vẫn thường xuyên về thăm di tích Điện Biên Phủ, nơi gắn liền với những năm tháng thanh xuân đầy tự hào của mình

Mỗi câu chuyện mà ông Thanh kể với chúng tôi gắn với những kỷ niệm, những hồi ức của những năm tháng gian nan “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn” như những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu. Đặc biệt là khi ông Thanh nói về những nhiệm vụ mà ông và đồng đội từng thực hiện trong chiến dịch thì đôi mắt, nét mặt, giọng nói của ông cũng ánh lên vẻ tự hào, nhất là những đoạn kể về trung đội pháo cối 81 nơi ông từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Quang Xuân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/157329/nhung-trang-su-song-trong-ky-tich-dien-bien-phu