Nông thôn mới trên thung lũng Mường Hum

Hỗ trợ nhân dân phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng đang là điểm nhấn giúp xã Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai) hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đang hướng đến nông thôn mới nâng cao.

Thung lũng Mường Hum được ví như một lòng chảo, xung quanh là núi non hùng vĩ nhưng cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển một số cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.

Điểm nhấn từ những mô hình hay

Với thế mạnh của cây chè, xã Mường Hum đang tiếp tục giúp người dân làm giàu từ loại cây này, từ đó góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao nhờ phát triển vai trò của mô hình HTX kiểu mới.

Trong đó, HTX Hướng Tâm đang có vai trò dẫn dắt người dân liên kết trồng chè theo chuỗi giá trị hàng hóa tập trung. HTX hiện có 14 thành viên và liên kết với hàng chục hộ dân để trồng chè theo quy trình hữu cơ.

Thay vì để hoang hóa, ít chăm sóc như trước, HTX đã tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, sử dụng các loại phân bón, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, HTX đang đầu tư nâng cao chất lượng bao bì, tiến tới đưa sản phẩm chè Mường Hum đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Hiện, HTX Hướng Tâm mỗi năm thu mua hàng trăm tấn chè búp của người dân với giá dao động từ 8.000- 20.000 đồng/kg (tùy từng loại) để chế biến. Anh Trương Văn Hướng, Giám đốc HTX cho biết giờ đây chè Mường Hum đã được nhiều người biết đến, tiêu thụ thuận lợi và có giá bán cao trên thị trường. Hằng năm, mỗi ha chè có thể cho người dân thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng nhờ bán nguyên liệu cho HTX chế biến.

Từ những cây chè ban đầu được trồng từ năm 2002, đến năm 2022, xã Mường Hum có khoảng 160ha chè. Xác định đây là cây trồng thế mạnh, có giá trị kinh tế cao nên xã phấn đấu đến năm 2025 có trên 200 ha thông qua đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả kém sang trồng chè cũng như hỗ trợ kỹ thuật, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của người dân, HTX.

Một điển hình nữa về kinh tế hợp tác trên địa bàn xã là HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum. HTX không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh vật liệu xây dựng, máy móc, vật tư nông nghiệp, đồ điện nước, chăn nuôi lợn, ngựa mà còn phát triển cây cỏ ngọt. Trên diện tích 1ha, cây trồng này cho thu hoạch trên 1 tấn sản phẩm khô, với giá bình quân 140 nghìn đồng/kg thu về 140 triệu đồng/ha, gấp 7 lần so với trồng lúa.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum xác định đây là hướng đi mới nên đã chủ động ươm giống để mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt lên 6,5 ha trong năm 2023 và tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.

HTX làm đòn bẩy

Có thể thấy, phát triển kinh tế tập thể, HTX đang được xã Mường Hum đẩy mạnh thực hiện gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mô hình HTX kiểu mới được thành lập và mang lại hiệu quả, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết.

Hiện, ngoài HTX Hướng Tâm và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum, xã còn xây dựng được thêm 3 HTX nữa là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi lợn bản địa; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Hum hoạt động chăn nuôi ngựa, lừa, la và sản xuất giống ngựa, lừa; HTX Séo Pờ Hồ phát triển nghề chạm khắc bạc truyền thống.

Từ đây, những chuỗi giá trị hàng hóa trên địa bàn xã đã được hình thành và từng bước phát triển, đưa những cây trồng, vật nuôi của địa phương từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển theo quy mô lớn, có định hướng rõ ràng.

Chè đang là cây trồng chủ lực góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Mường Hum.

Chè đang là cây trồng chủ lực góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Mường Hum.

Xã còn hướng dẫn người dân, HTX quy hoạch các đồi chè. Nhờ có các đồi chè Shan tuyết, chè Bát tiên lâu đời để phát triển du lịch cộng đồng đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân cũng như quảng bá thương hiệu nông sản địa phương.

Đặc biệt, để sử dụng nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới hiệu quả, xã đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp nông dân, thành viên HTX vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, xã khuyến khích người dân tham gia HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thành công một số thương hiệu nông sản địa phương.

Chính vì vậy, sau hơn 2 năm hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới, đến nay tình hình kinh tế, xã hội của Mường Hum tiếp tục có sự phát triển nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới và khởi sắc.

Hiện, thu nhập của người dân trong xã bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 36%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 1.320 tấn, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 63%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; 100% trường đạt chuẩn quốc gia; độ che phủ rừng đạt 58%; 100% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, cho biết dù địa hình dốc, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng người dân, HTX trong xã Mường Hum đã nỗ lực vượt khó, hăng say lao động, xuất hiện nhiều điển hình phát triển kinh tế với mô hình mới, có sức lan tỏa cao, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho xã hoàn thành các chỉ tiêu và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, việc phát triển cơ sở hạ tầng như cầu Mường Hum, nâng cấp, các trường, lớp học với bếp ăn tập thể theo tiêu chuẩn một chiều cũng đang được đầu tư. Bên cạnh đó, ngoài đóng góp của người dân, xã đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới để giải phóng mặt bằng, thi công tuyến đường Bản Xèo - Dền Sáng - Y Tý đoạn qua Mường Hum, đường Mường Hum - Nậm Pung, Mường Hum - Dền Thàng cũng được đẩy nhanh tiến độ để thúc đẩy kinh tế, giao thương, thu hút khách du lịch.

Gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Đến nay, Mường Hum đã đạt 13/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá, xã đang gặp những khó khăn nhất định trong tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Trong tiêu chí này có chỉ tiêu quy định tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 30%. Hiện, một trong những cây trồng chủ lực của xã được xác định là cây chè, trong đó chủ yếu được trồng trên đồi cao, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là không dễ thực hiện.

Hay tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được quan tâm nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, các công trình, cơ sở hạ tầng của xã nhanh xuống cấp hoặc khó hoàn thiện theo đúng kế hoạch.

Đánh giá về tình hình thực hiện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Mường Hum, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng những chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hướng tới xây dựng nông thôn mới theo “chiều sâu” nên Mường Hum cần có nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao chủ yếu là huy động từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn huy động xã hội hóa trong nhân dân.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng xã tháo gỡ các khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Mường Hum cũng phải chủ động trong việc phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; huy động các nguồn lực xã hội, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đặc biệt, hiện nay, việc phát triển kinh tế gắn với du lịch là một trong những hướng đi hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhưng việc quy hoạch sản xuất của xã còn những bất cập không nhỏ. Cụ thể là việc quy hoạch, đầu tư cho các vườn chè thành các điểm du lịch vẫn chưa được quan tâm thích đáng nên chưa phát huy được hết tiềm năng.

Vì thế, nếu có sự đầu tư giữa các hộ trồng chè cùng với chính quyền địa phương thì Mường Hum sẽ đón được nhiều du khách đến trải nghiệm, khám phá, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-tren-thung-lung-muong-hum-1095735.html